Sức ép nợ công ngày càng tăng
Nhiều dấu hiệu cho thấy độ nóng và sức ép nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh cả về định tính và định lượng, với nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ trong nhận thức, cách tính, ngưỡng an toàn, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công.
Theo Bộ Tài chính, quy mô nợ công Việt Nam tăng nhanh liên tục trong những năm gần đây, dù tỷ trọng/GDP thay đổi chậm hơn: tính đến 31.12.2010, nợ công là 57,3%, cuối năm 2011 ước khoảng 54,6% GDP, cuối năm 2012 là 50,8% và ước tính 2013 là 54,1% so với mức theo quy định của Nghị quyết của QH là 65%. Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước tương đối lớn do đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại (NHTM) với cơ cấu nguồn vốn chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.
![]() Nguồn: ITN |
Cũng theo Bộ Tài chính và nhiều tính toán khác, áp lực nợ công đòi hỏi hàng năm phải tăng thu NSNN 12-14%/năm trong cả giai đoạn 2011-2020; và dành khoảng 20% tổng thu NSNN để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ. Để nợ công an toàn, các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quả, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định. Đồng thời, không tiếp tục vay nước ngoài theo điều kiện thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại.
Dịch vụ nợ công Việt Nam 10 năm qua
Đơn vị: nghìn tỷ đồng
Nguy cơ gây bất ổn nợ công của Việt Nam gắn liền với tốc độ tăng nợ nhanh cùng với thâm hụt ngân sách các cấp, nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền địa phương và nợ của khối doanh nghiệp nhà nước, mà Chính phủ có nguy cơ phải đứng ra trả nợ thay, trong khi năng lực trả nợ của Chính phủ giảm do nền kinh tế suy yếu, dẫn đến việc thậm chí vay để trả nợ. Nguồn làm tăng nợ công ở Việt Nam còn chịu ảnh hưởng mạnh bởi kết quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước, dù một phần nợ của chúng chưa được tính vào nợ công.
Nguồn thu NSNN hiện đang gặp nhiều áp lực cả khách quan và chủ quan. Cả nước hiện còn khoảng 400.000 DN đang hoạt động, 70% không có lãi; 50% DN FDI báo lỗ; khoảng 2/3 số DN vừa và nhỏ đang ở tình trạng hết sức khó khăn về nợ xấu, hàng tồn kho, điều kiện tiếp cận vốn và duy trì lợi nhuận kinh doanh, nhất là ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nông lâm nghiệp và thủy sản. Nguồn thu NSNN giảm không chỉ do các doanh nghiệp gặp khó trong kinh doanh, mà còn do Nhà nước thực hiện nhiều giải pháp nới lỏng tài chính, giảm thuế, tiền thuê đất và các hỗ trợ khác.
Trong khi đó, nhiệm vụ chi NSNN ngày càng tăng do nhiệm vụ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng vừa khách quan, vừa bị lạm dụng từ bất cập phân cấp quản lý quy hoạch và đầu tư. Mới đây, WB khẳng định Việt Nam sẽ phải cần ít nhất tới 150 tỷ USD để phát triển hạ tầng cơ sở. Hiện nay, nền kinh tế vẫn còn nghèo, thu nhập của người dân còn thấp vì vậy, nguồn vốn ODA rất cần thiết, nhất là để phát triển cơ sở hạ tầng, dù đây là nguồn gốc và bộ phận cấu thành nợ công và nợ nước ngoài lớn của Việt Nam. Về bản chất, vốn ODA, luôn là một khoản vay, dù lãi suất thấp, vay dài hạn, mà chúng ta sẽ phải trả lại trong tương lai và kèm theo điều kiện cho vay luôn có lợi cho các nhà thầu đến từ nước cung cấp ODA.
Nợ công tăng nhanh, nhưng trên thực tế Việt Nam còn nhiều bất cập cả trong nhận thức, cũng như xử lý nợ công, đặc biệt là còn chậm và thiếu đầu mối tập trung tổng hợp, thống kê cập nhật tổng dư nợ, kế hoạch vay - trả nợ chưa được thẩm định chu đáo, bố trí vốn đối ứng chậm và chậm giải phóng mặt bằng… Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, người có trách nhiệm tham mưu vay nợ dường như coi ODA là nguồn vốn rẻ, thời hạn vay dài và càng vay nhiều càng tốt. Ngay trách nhiệm trả nợ của người sử dụng ODA ở Việt Nam cũng còn khá tù mù.
Cách tính nợ công Việt Nam hiện chưa đưa vào nợ của DNNN tự vay tự trả, kể cả nợ nước ngoài. Trong bối cảnh thế giới cho thấy luôn có sự chuyển hóa mau lẹ giữa nợ doanh nghiệp và nợ công, thì những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước, mặc dù không thuộc diện bảo lãnh, nhưng Chính phủ vẫn thường phải đứng ra hỗ trợ khi những tập đoàn, tổng công ty này làm ăn thua lỗ, không thể trả nợ đúng hạn hay đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng nợ ngân hàng của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 là gần 1.550 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP. Nếu loại trừ phần cụ thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,17% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của doanh nghiệp nhà nước không được Chính phủ bảo lãnh. Do vậy, nếu cộng cả số này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn là 65% GDP được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế. Dù tự tin và thận trọng, muốn hay không thì cũng phải rung chuông tự cảnh cảnh báo rằng mức nợ công của Việt Nam đã tiếp cận giới hạn chịu đựng của nền kinh tế so với khả năng trả nợ, vì rõ ràng đã ở chấp chới dưới mức cảnh báo an toàn về nợ nước ngoài của WB như trên đã nêu.
Nợ công gây ra những nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ, tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và thịnh vượng của quốc gia. Nợ xấu và nợ công là nút thắt và là cản trở lớn nhất của sự phục hồi nền kinh tế. Cần tỉnh táo thấy rõ sự thực trần trụi rằng, nếu khủng hoảng nợ công xảy ra, Việt Nam sẽ phải “một mình vượt cạn”, khó trông cậy vào sự cứu trợ “giá rẻ” hay vô tư nào từ các chủ nợ, các khối kinh tế hay tổ chức tài chính khu vực và quốc tế như chuyện của EU hiện tại… Vấn đề càng nhạy cảm hơn trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang bao phủ toàn cầu và đe dọa nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ mới vô tiền khoáng hậu…
Để kiểm soát tốt nợ công, góp phần phát triển bền vững đất nước, trước hết cần có những điều chỉnh thích hợp cả trong nhận thức và cách tính nợ công, bám sát những chuẩn quốc tế chung về nợ công. Đặc biệt, cần tăng cuờng giáo dục, tuyên truyền, quán triệt nhận thức và trách nhiệm về vay và trả nợ công, không để tình trạng coi nợ công là không của ai cả và không ai chịu trách nhiệm, coi của vay là của được, càng nợ nhiều càng có nhiều cơ hội lạm dụng có lợi cho mình.
Trong khi chưa áp dụng cách tính chính thức bao gồm cả những khoản nợ của các DNNN tự vay, tự trả, thì các cơ quan chức năng liên quan cũng cần có những kịch bản chủ động chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất là NSNN phải gánh vác dịch vụ nợ của những khoản vay này khi DNNN vỡ nợ kiểu tập đoàn Vinashin.
Đồng thời, cần rà soát, bổ sung những cơ sở pháp lý hạn chế sự lạm dụng các khoản vay của các DNNN kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, trong đó có những luật về đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Đầu tư công và Luật về Nợ nước ngoài.
Bên cạnh đó, cần cơ chế công khai, minh bạch và thống nhất một đầu mối thông tin và quản lý nợ công, có hệ thống chân rết từ Trung ương tới địa phương; phân cấp và định vị rõ ràng, cụ thể, trách nhiệm thông tin, giải trình và giám sát cảnh báo, với các chế tài nghiêm khắc tới từng cá nhân có liên quan cho mỗi hành vi vi phạm các nguyên tắc vay, sử dụng, giải trình, kiểm tra, trả nợ công...
Ngoài ra, cần thúc đẩy tái cơ cấu nợ theo huớng giảm dần nợ nước ngoài và tăng nợ trong nước để Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài, chủ động hơn trong việc vay nợ; phát triển thị trường mua-bán nợ công có sự tham gia một số công ty mua bán nợ của Nhà nước và một số tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước. Hơn nữa, trong thời gian tới, cần đổi mới mô hình tăng trưởng và công tác kế hoạch, tăng cường phân cấp, tái cấu trúc và quản lý hiệu quả đầu tư công theo hướng vừa tôn trọng tính năng động, trách nhiệm và sáng tạo trong tự phát triển của địa phương và sự phát triển tổng thể nền kinh tế, vừa tăng cường hơn vai trò tổng cân đối chung của Chính phủ; giảm bớt chức năng “Nhà nước kinh doanh”, giảm quy mô đầu tư và tỷ trọng đầu công tư, nâng cao kỷ luật tài khóa, nâng cao hiệu quả đầu tư công.