Vai trò của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với sự ổn định của hệ thống tài chính
Là chủ để Hội thảo được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ngày 30/5 tại Hà Nội.
Ổn định tài chính đóng vai trò quan trọng bởi nó phản ánh một hệ thống tài chính lành mạnh, từ đó tạo niềm tin vào hệ thống tài chính và giúp ngăn ngừa các hiện tượng hỗn loạn của thị trường. qua đó, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến an toàn vĩ mô của nền kinh tế. Hiện nay, vai trò ổn định hệ thống tài chính ở Việt Nam vẫn do các cơ quan chức năng có liên quan đảm nhận (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi). Trên thực tế, chức năng ổn định tài chính của Ngân hàng Nhà nước cũng được tăng cường khi Chính phủ ban hành Nghị định 156/NĐ- CP ngày 11/11/2013, thay thế Nghị định 96/NĐ-CP (năm 2008) quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN. Theo đó, nhiệm vụ ổn định tài chính của NHNN sẽ do Vụ Ổn định tiền tệ - tài chính đảm nhận.
Thời gian qua, thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng, phức tạp cả về quy mô lẫn cấu trúc, với các hoạt động tài chính đan xen giữa các khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và trong môi trường kinh tế vĩ mô nhiều biến động. Thêm vào đó, một số tập đoàn tài chính, tập đoàn kinh tế có hoạt động tiền tệ, tài chính của Việt Nam có cấu trúc phức tạp đã làm giảm hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng. Điều này đã tiềm ẩn các rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô cũng như từ các cú sốc bên ngoài. Việc bỏ qua các rủi ro tiềm ẩn giữa các định chế tài chính trước những bất ổn kinh tế vĩ mô có thể khiến cho các cơ quan quản lý, giám sát chuyên ngành có những nhận định không chính xác về mức độ an toàn hệ thống. Nghiêm trọng hơn, việc bỏ qua các ảnh hưởng tương tác có thể dẫn đến các chính sách ứng phó không thỏa đáng và đây là nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc đảm bảo ổn định tài chính.
Vì vậy, để thiết lập một khuôn khổ chính sách an toàn vĩ mô nhằm đảm bảo ổn định tài chính, căn cứ vào thực trạng hệ thống tài chính và yêu cầu đối với việc giám sát an toàn vĩ mô, theo ý kiến của nhiều đại biểu tham dự hội thảo cần phải có khuôn khổ pháp lý, quy trình ra quyết định và trách nhiệm giải trình. Đây là các yếu tố đảm bảo sự vận hành thành công và có hiệu quả của chính sách an toàn vĩ mô. Ngoài ra, quy trình ra quyết định đối với chính sách an toàn vĩ mô cần phải rõ ràng, minh bạch và có căn cứ cụ thể (những căn cứ này cần phải nêu một cách công khai). Bên cạnh đó, chức năng giải trình cho các quyết định, văn bản pháp luật được ban hành của cơ quan chịu trách nhiệm cũng cần phải được thực thi nhằm nâng cao trách nhiệm và cẩn trọng khi ban hành các quyết định, văn bản pháp luật...