Giấc mơ (Phần 1)
Truyện ngắn của Nguyễn Thịnh
Ngày ấy tôi đang làm ở báo B. Tôi đi công tác cùng một số doanh nghiệp quen biết ở tỉnh D. Xong việc họ mời tôi đi ăn tối. Nói là ăn tối thực ra là đi nhậu. Điểm đến là một nhà hàng hải sản có tiếng của thị xã. Thành công sau buổi làm việc ai nấy cũng vui vẻ. Buổi nhậu kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Ai nấy ngà ngà, lâng lâng. Đang đà hào hứng, một người kêu đi mát xa tỉnh táo, nhậu tiếp. Điểm đến là quán massage Thiên Thai. Lấy vé xong, tôi lọng chọng bước vào căn phòng dành cho mình. Hơi nước nóng tỏa ra mù mịt phần nào làm trí óc tôi tỉnh lại. Đang nằm trên chiếc giường nhỏ thì có tiếng kẹt cửa. Một cô gái lách mình vào. Tôi nằm im.
- Anh ngồi dậy em mát xa cho.
Tiếng nói quen quen khiến tôi choàng tỉnh giật mình nhỏm dậy. Thật bất ngờ khi nhận ra đó là Hoa. Sững sờ, tôi nhìn cô đăm đăm, quên cả lúc ấy trên người mình chỉ mặc mỗi chiếc quần con. Hoa cũng bối rối nhìn tôi, ánh mắt ngờ ngợ như dò hỏi. Tôi kêu lên:
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Nghe gọi đúng tên mình, cô giật người thoáng nhẹ. Vẻ ngạc nhiên vẫn còn in trên ánh mắt nhìn.
- Anh đây, Đạt đây. Đạt sinh viên ở dãy trọ nhà anh Hải đây. Em không nhận ra sao?
Hoa bối rối, khuôn mặt thoáng ửng đỏ vì cuộc gặp bất ngờ hay vì tình thế trớ trêu hiện giờ của cả hai, tôi không rõ. Rồi như lấy lại được điềm tĩnh, cô cười nhẹ, hỏi:
- Anh Đạt thật hả. Em nhìn anh cũng thấy quen quen mà không nhận ra. Anh thay đổi nhiều, mập hơn và... sang hơn. Bây giờ anh làm gì?
Tôi cười, định không nói thật là mình đang làm báo. Nói vậy e Hoa và cả tôi sẽ khó xử. Nhưng nhìn mắt Hoa, tôi không thể nói dối được.
- Anh làm báo…
Hoa cười, mắt ánh lên nét lém lỉnh, rồi hỏi:
- Em tưởng những người như anh, lại làm nghề đó nữa thì không bao giờ vào những chỗ này chứ?
Ngày xưa, tôi được tiếng hiền lành, không ăn nhậu, chơi bời, lại thật thà. Hiền đến mức lù đù. Vậy mà, giờ đây, sau năm năm ra trường, đi làm, bước vào đời, tôi đã có thể thản nhiên đặt chân vào một quán mát xa mà không đỏ mặt. Hoa không nhận ra tôi cũng phải. Tôi thoáng lúng túng. Biết trả lời sao trước tình thế trớ trêu, có phần trơ trẽn của tôi vào lúc này. Nhưng im lặng lại càng khó xử hơn. Tôi chọn cách dung hòa, nửa trả lời, nửa hỏi, nửa thú nhận, nửa thách thức.
- Không lẽ đạo đức chỉ dành cho anh và những người làm nghề như anh, còn người khác, nghề khác thì không cần?
Hoa im lặng. Tôi e sợ mình đã làm cô tổn thương sau câu nói đó. Không biết nói gì hơn, tôi cũng im theo. Như không nín được, Hoa hỏi tôi:
- Anh lâu nay có gặp anh Hùng không? Anh Hùng giờ sống sao?
Hùng là đồng hương với tôi. Hùng và Hoa yêu nhau, tưởng chừng họ sắp cưới nhau. Nhưng sự đời luôn bí ẩn và bất ngờ. Nào ai đoán biết trước được tương lai. Hùng chia tay Hoa, nói đúng hơn là bỏ rơi cô sau một thời gian yêu đương cháy bỏng. Hoa lặng lẽ rời bỏ xóm trọ sau đó, không ai biết cô ở đâu, làm gì… Gần mười năm sau, dù bị Hùng bỏ rơi, khi gặp lại tôi, Hoa vẫn hỏi về Hùng. Tình yêu, hay lòng thù hận đã neo giữ trí nhớ của Hoa về Hùng lâu đến vậy? Tôi định tránh né, không nói về Hùng cho Hoa nghe, nhất là khi biết hiện giờ Hùng là một đại gia trẻ, nắm trong tay hàng chục lô đất trị giá tiền tỷ, một cơ sở sản xuất cửa sắt lớn với gần hai chục nhân công và nhiều cổ phần trong các nhà hàng… Hàng ngày, áo quần bóng bẩy, Hùng lái xe Toyota ba chấm chở vợ con đi ăn sáng, uống cà phê. Tối tối Hùng tụ tập bạn bè ăn nhậu xả láng. Vợ Hùng ghen suốt vì Hùng cặp bồ với mấy em út phục vụ trong nhà hàng của Hùng.
Tóm lại, hiện giờ Hùng là người giàu sang, thành đạt. Còn Hoa? Dù thương quý cô đến đâu, cũng khó gọi việc cô đang làm là một nghề đúng nghĩa. Sự thật luôn luôn tàn nhẫn. Càng tàn nhẫn hơn nếu biết ngày còn yêu nhau, Hoa đã hy sinh vì Hùng như thế nào. Nhưng không phải sự hy sinh nào cũng được đền đáp. Nhìn tình cảnh Hoa hiện giờ, tôi định không nói về cuộc sống hiện giờ của Hùng. Nhưng đối diện với Hoa, tôi lại không thể nói dối.
Cũng như trước kia, tôi chưa bao giờ dám nói dối khi đối diện cô. Hồi đó, Hoa mười chín tuổi, tôi hai mươi hai tuổi. Hoa cùng quê Hà Tĩnh với tôi. Cô vào đây làm công nhân trong một công ty, có ý định vừa làm vừa học. Tôi học ngành báo chí ở trường đại học. Tình cờ mà chúng tôi ở trọ cùng một dãy trọ của vợ chồng anh Hải. Xa quê, tình đồng hương đưa chúng tôi thân nhau hơn. Hoa trắng trẻo, mình dây, thon thon. Mắt đen, tóc đen, cô là hoa khôi của cả dãy phòng trọ. Có hoa, thì sẽ có ong bướm lượn lờ, trời sinh ra vậy. Hoa được nhiều anh chàng ở cùng phòng để ý săn sóc. Tôi cũng âm thầm nhớ, âm thầm yêu, lặng lẽ đi bên Hoa, lặng lẽ quan tâm khi thấy cần. Tôi không dám thổ lộ. Nhà tôi nghèo, tôi phải lo học để đi làm, không dám tơ tưởng chuyện yêu đương. Vả lại vây quanh Hoa là nhiều chàng đẹp trai, tán dẻo, khéo chiều, tôi thấy mình thất thế. Thà im lặng để còn được cô nể trọng, được thân cận cô, còn hơn thổ lộ để bị Hoa từ chối, bị lảng tránh.
Rồi Hùng xuất hiện. Tốt nghiệp cấp ba xong, thi không đậu vào đại học, Hùng tìm vào Sài Gòn đi làm. Có chút tay nghề về cơ khí, do ông bố truyền nghề, Hùng xin làm thợ cơ khí. Khuôn mặt bảnh trai, ăn nói ngọt như đường phèn cùng nụ cười duyên của Hùng đã làm Hoa xao động. Ở quê, Hùng từng được gọi là kẻ sát gái, nhiều cô gái làng yêu Hùng như điếu đổ, không bù cho tôi, ngoài hai mươi tuổi vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. Hùng đánh bại những vệ tinh khác để ung dung dẫn Hoa đi chơi.
Sau chiến thắng hào hùng, vẻ ung dung của Hùng kéo dài không được bao lâu thì có chuyện. Một buổi tối thứ bảy, tôi đang ngồi học bài thì Tuấn - thằng bạn quê ở một tỉnh dưới miền Tây ở trọ cùng - chạy vào hớt hải.
- Mày chạy ra đầu ngã tư mau, cứu ông Hùng, ổng đang bị mấy thằng người Bắc vây đánh.
Không kịp mặc áo, tôi chạy ra cùng Tuấn. Nhưng đã quá muộn, dưới đường mặt mày Hùng bê bết máu, vẻ đau đớn. Hoa đứng bên cạnh, áo quần xộc xệch, mặt tái mét sợ hãi, cô gọi thất thanh.
- Anh Hùng, anh Hùng, anh có sao không?
Tim tôi thắt lại. Giá như được Hoa khóc vì mình, dù có chịu đau gấp trăm lần hơn Hùng, tôi cũng cam tâm. Tôi kêu xe ôm đưa Hùng đi bệnh viện. Hùng bị gãy tay trái, đa chấn thương ở vùng mặt và đầu. Hôm sau, ở bệnh viện, Hoa kể cho tôi nghe buổi tối hãi hùng đó. Hùng dẫn Hoa đi chơi. Đạp xe ngang qua ngã tư thì một nhóm con trai chạy ra, chặn xe lại. Một tên hỏi: “Mày có phải là Hùng không?” Chưa kịp trả lời, Hùng đã bị hắn đấm vào mặt. Cả bọn nhảy vào đánh hội đồng. Hùng té xuống. Hoa kêu cứu nhưng không ai can thiệp. May có Tuấn chạy về báo tôi.
Hai ngày sau, tôi rủ Tuấn ra uống cà phê ở quán gần ngã tư. Mục đích dò xem ai đã đánh Hùng hôm đó. Họ nói mấy người đánh Hùng nói giọng Thanh Hóa. Tôi nghe Hoa kể hình như có thấy Sỹ trong quán cà phê hôm Hùng bị đánh. Sỹ cũng ở trọ cùng khu với tôi và Hoa, quê Thanh Hóa, yêu, theo đuổi Hoa thời gian lâu, trước khi Hùng gặp Hoa, nhưng Hoa không đáp lại tình cảm của Sỹ. Bề ngoài, Sỹ vẫn cười nói bình thường, nhưng ánh mắt vẫn có điều gì căm hận. Tôi chưa kịp nói với Hùng chuyện Sỹ từng theo đuổi Hoa và bị Hoa từ chối, thì xảy ra chuyện Hùng bị đánh. Cũng bởi Hùng thành công quá nhanh nên mới ra cơ sự. Năm ngày sau khi Hùng bị đánh, Sỹ dọn phòng, bỏ đi.
Hai tuần sau, Hùng ra viện. Anh thu dọn đồ cùng Hoa thuê phòng trọ riêng trong một khu trọ khác, cách xa tôi khoảng 10km. Tôi thấy như vậy cũng tiện cho mình, chứ nếu hàng ngày phải chứng kiến cảnh hai người âu yếm nhau trước mặt cũng quá tàn nhẫn với tôi.
Thời gian sau, tôi cũng dọn đi khỏi chỗ trọ. Mọi liên lạc với Hùng gần như gián đoạn, bặt tin. Tôi không biết về họ nữa. Khoảng một năm sau, tôi nghe đâu Hoa và Hùng chia tay nhau.
Cho đến khi tôi gặp lại Hoa trong căn phòng này. Duyên cớ gì đã đẩy Hoa tới hoàn cảnh hiện giờ, chuyện gì đã xảy ra sau đó với Hùng và Hoa? Tôi nhìn Hoa. Nàng vẫn đẹp như ngày xưa, dù dáng vóc có phần phì nộn đôi chút. Gương mặt thanh tú gợn chút sầu não, chán chường và ánh mắt u ẩn, phớt lờ bàng quan với thế sự. Ánh mắt đó vô cảm, không còn sức sống vì hết ham muốn cuộc sống này rồi, nhưng với những ai từng trải, nó vẫn quyến rũ đến lạ. Đôi mắt đen thăm thẳm, một thời là thế giới bí ẩn với tôi, từng làm tim tôi thổn thức, khát khao. Còn Hùng, anh đã bỏ rơi Hoa như bỏ rơi một đồ vật cũ, sau khi sử dụng.
Gần mười năm, nghe nàng hỏi về Hùng, tim tôi vẫn thắt lại vì ganh tỵ. Tôi biết nói với nàng sao về Hùng bây giờ? Trí tò mò khiến tôi muốn biết chuyện gì đã xảy ra khiến họ chia tay? Nhưng tôi không biết mở lời sao. Tôi lòng vòng hỏi thăm về nàng. Hỏi nàng ở đâu, sống thế nào… Nàng cười cười. Xin số điện thoại, nàng lắc đầu bảo: “Thôi, anh không sợ quen một người như em sao?” Nài nỉ nàng cũng vô ích. Hai tuần nữa, tôi đã phải đi về Sài Gòn.
Suy nghĩ mãi, tôi nghĩ ra một kế. Chia tay nàng với những gì thân thiện nhất có thể được, tôi bước ra tìm đến quầy tiếp tân. Người phụ nữ phốp pháp, đôi lông mày chỉ còn hai hàng chì vẽ cong cớn, ngồi ở bàn cười xã giao với tôi, nói: “Sao ra sớm vậy anh, em út phục vụ không chu đáo sao?” Tôi cười, giả lả: “Em thích cô ấy mà xin số điện thoại, cô không đưa. Chị cho em xin đi, thằng em xin hậu tạ bà chị ngay”. Nói xong, tôi móc ví, chìa ra tờ hai trăm ngàn đồng để lên bàn. Mắt người đàn bà sáng lên rối híp lại vì một nụ cười rộng hết cỡ. Bà ghé tai tôi thì thầm.
Vậy là đủ để tôi có thể gặp lại Hoa.
***
Quán cà phê nơi tôi hẹn Hoa đến nằm yên tĩnh cạnh một bờ sông. Để tránh sự tò mò, tôi chọn một chiếc bàn khuất ở góc quán, nhìn ra sông. Mười phút sau, Hoa đến. Cũng phải mất nhiều công sức, tôi mới thuyết phục Hoa gặp tôi. Có số điện thoại của Hoa, tối đó về phòng trọ khách sạn, tôi nhá máy và chờ. Tâm lý của những người làm nghề này là hay e ngại, nhưng rất tò mò vì họ tiếp xúc với rất nhiều hạng người khác nhau. Nếu tôi gọi cho nàng, nàng sẽ không bắt máy, nhưng nếu tôi nhá máy, nàng sẽ gọi lại ngay. Quả nhiên, vài giây sau cú nhá máy, điện thoại tôi đổ chuông. Tôi cầm lên. Tiếng Hoa vang lên trong trẻo: “Xin lỗi ai vừa gọi vào số máy này vậy?”. “Anh Đạt đây - tôi nói - anh mong được gặp em có chuyện quan trọng”. Nàng thoáng sửng sốt: “Anh Đạt à? Sao anh biết số điện thoại của em?” Tôi khẽ cười: “Sáng mai, anh hẹn gặp em uống cà phê được không, anh có chuyện muốn tâm sự với em, chuyện về Hùng…” Dù tò mò, nhưng nàng vẫn từ chối: “Để làm gì, em giờ không quan tâm đến điều gì nữa, kể cả anh Hùng…”. “Gần mười năm anh mới gặp lại em, không lẽ em không cho anh mời em ly cà phê? Dù sao trước đây anh cũng đâu có lỗi gì mà em tránh mặt? Hai tuần nữa anh về Sài Gòn rồi. Biết đâu mười năm nữa hoặc sẽ không bao giờ gặp lại em”, tôi nài nỉ. Im lặng, tôi biết nàng đang dao động, suy tính. Ngần ngừ chút, nàng nói sẽ đến nhưng hơi trễ.
Bây giờ thì Hoa đang ngồi đối diện tôi. Ngày xưa quen nàng, yêu nàng trong âm thầm, tôi chưa một lần được hẹn nàng đi chơi, gần mười năm sau, tôi mới có một buổi hẹn hò đầu tiên và có lẽ là duy nhất với nàng.
Buổi sáng trong trẻo, tiếng nhạc dịu từ loa vẳng ra, lòng tôi dịu lại, tràn dâng cảm xúc. Nàng kia, tóc đen, mắt đen, thon thả trong chiếc áo ôm bó sát. Trải qua bao thời gian, sự dạn dày có làm nàng bơ phờ, chán chường nhưng vẫn đẹp. Đẹp mong manh. Có cảm giác sắc đẹp đó như một bình pha lê, nó có thể tan vỡ bất cứ lúc nào. Tôi còn yêu nàng không, sau những gì cuộc đời đã đưa đến cho nàng, đưa nàng đến một cuộc sống như hiện giờ? Tôi không rõ, chỉ thấy thương cảm, xót xa. Giọng Hoa đánh thức tôi khỏi miền suy nghĩ: “Anh có chuyện gì cần nói với em?” Tôi cười, lảng tránh: “Không có gì, anh chỉ muốn gặp lại em, nhìn em một lần vì sợ sẽ không được gặp lại em nữa…” Hoa làm bộ giận dỗi: “Rứa là anh lừa em à?” Tôi cười, và an tâm, phải lúc thân mật lắm, Hoa mới nói lại giọng Hà Tĩnh. Tôi biết, đâu đó trong lòng Hoa, nàng vẫn dành cho tôi chút cảm tình, dù đó không phải là thứ tình cảm tôi ao ước: tình yêu của nàng dành cho tôi. Hồi đó nàng còn trẻ, còn những mơ ước ngây thơ và cả tin. Cũng như tôi ngày đó vậy. Còn giờ đây, vật đổi sao dời, nàng hiểu rõ hơn tình đời tình người. Hiểu được rằng tình yêu không chỉ cần một gương mặt đẹp và giọng nói ngọt ngào, sự ga lăng ở đàn ông với phụ nữ mà cần một bờ vai để nương tựa, cần một bàn tay biết làm việc, làm ra tiền để chia sẻ, bao bọc.
(Số sau đăng hết)