Trung Quốc và bài toán việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học
Chính chi phí nhân công thấp từng là lợi thế của Trung Quốc khi nhiều quốc gia phát triển đổ xô tới đây sản xuất để tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng kể từ năm 2009, lương khu vực sản xuất tại nước này đã tăng gần 70% khiến nhiều nước phương Tây đóng cửa nhà máy để tìm đến miền đất hứa khác. Thế nhưng, hiện nay, Trung Quốc không chỉ phải đối mặt với tình trạng dư thừa nhân công lao động giản đơn mà còn phải đau đầu tìm lối ra cho nguồn cung dồi dào lao động trình độ đại học.
![]() |
Hậu quả của việc mở rộng giáo dục trình độ cao có thể lường trước được: tình trạng thất nghiệp trầm trọng hơn và lương cải thiện chậm hơn cho những sinh viên ra trường do cung vượt quá cầu. So với giai đoạn 2005 - 2010, lương trả cho lao động trình độ đại học đã giảm 19%, trong khi tình trạng thất nghiệp đã tăng lên hơn 16%. Nhiều sinh viên mới ra trường không chấp nhận làm những ở những cơ sở sản xuất dễ xin việc nhưng uy tín thấp, thay vào đó là tâm lý chờ đợi các công việc văn phòng trong chính phủ hay các doanh nghiệp nhà nước. Không may là, nền kinh tế Trung Quốc vẫn không thể đáp ứng được đủ nhu cầu việc làm cho các lao động trình độ đại học.
Những điểm yếu của thị trường sử dụng lao động trình độ đại học khá tương đồng với sự chặt chẽ của thị trường sử dụng lao động trình độ thấp hơn. Những người không tốt nghiệp đại học thường sẵn sàng làm công nhân và do đó tỷ lệ thất nghiệp của nhóm này khá thấp khoảng 4%. Điều đó dẫn đến việc lương ở các ngành sản xuất và xây dựng tăng nhanh hơn so với những ngành công nghiệp cần trình độ cao trong những năm gần đây. Nhiều nhà máy hiện nay còn trả cao hơn cả lương mới vào của những người làm việc ở văn phòng. Hậu quả là Trung Quốc bị suy giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu và thăng dư tài khoản vãng lai, vốn chiếm tới 10% GDP trước khủng hoảng tài chính xuống còn khoảng 2%.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên mới ra trường là hơn 16%, tỷ lệ thất nghiệp của người tốt nghiệp đại học nói chung chỉ có 3%. Điều đó có nghĩa là tỷ lệ thất nghiệp của những người có thâm niên trình độ cao là không đáng kể. Hơn thế, họ có thể được trả lương cao hơn. Một nhân viên ngân hàng ở giữa chừng sự nghiệp có thể được trả 25.000 USD - 50.000 USD/ năm, so với mức lương trung bình năm của khối sản xuất là chưa đến 7.000USD.
Một số học sinh chọn cách đi du học không chỉ để trang bị những kỹ năng làm việc cho mình, mà còn cho phép họ tận dụng cơ hội việc làm đa dạng dành cho sinh viên mới tốt nghiệp ở quốc gia họ theo học. Tính riêng năm ngoái là 400.000 trường hợp. Trước đây, chỉ 30% học sinh du học quay trở lại Trung Quốc sau khi hoàn thành chương trình học, nhưng đến năm ngoái, con số này đã lên tới 330.000 trường hợp.
Trung Quốc đang nhanh chóng tiến tới mức thu nhập mà hầu hết các quốc gia đang phát triển trải qua, thời kỳ bẫy thu nhập trung bình. Bẫy thu nhập trung bình là cách nói hình tượng để chỉ một tình trạng của nền kinh tế, mà sau khi đã cố gắng để đạt được mức thu nhập trung bình nhất định, nền kinh tế bị đình trệ, không những dừng lại ở mức thu nhập đó, mà toàn bộ những gì đã giúp nền kinh tế tạo ra được mức thu nhập trung bình trong quá trình trước đây lại trở thành cản trở lớn cho các bước phát triển tiếp theo. Các quốc gia trải qua thời kỳ này thấy rằng, việc tăng lương khiến cho hàng hóa giá trị thấp lại trở nên đắt đỏ, trong khi lại chưa thể cạnh tranh với các quốc gia phát triển về những mặt hàng giá trị cao như xe hơi, linh kiện điện tử phức tạp hay công nghệ thông tin. Đến đây thì tình trạng quá tải số lượng sinh viên tốt nghiệp lại có thể trở thành có lợi: tận dụng nguồn cung lớn nhân công sẽ dẫn tới việc lương trả cho lao động được đào tạo trình độ đại học giảm, tăng tính cạnh tranh trong lực lượng lao động lành nghề của Trung Quốc và các hàng hóa giá trị cao mà họ đảm nhiệm. Thực tế, đây chính là con đường mà Hàn Quốc, cùng với một vài nền kinh tế Đông Á đã vận dụng để tăng chuỗi giá trị. Nhìn chung, các kinh nghiệm đã chỉ ra rằng các quốc gia đang phát triển, với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao hơn thì sẽ ít khả năng rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Thế nhưng chất lượng sinh viên đại học ở Trung Quốc vẫn đang là một câu hỏi cần lời giải đáp. Sự gia tăng nhanh chóng giáo dục bậc cao đã khiến cho việc đào tạo đội ngũ giáo dục không đáp ứng kịp. Kết quả là, xấp xỉ 3.000 sinh viên phải cạnh tranh để thi đỗ một suất tiến sỹ. Và tỷ lệ sinh viên - giảng viên hiện gấp hai lần kể từ cuộc cải cách mở rộng năm 1997. Chất lượng sinh viên học đại học cũng xuống cấp khi các trường đại học hạng hai hạng ba, đặc biệt ở các quận trung tâm, đã giảm tiêu chuẩn xét tuyển để đáp ứng chỉ tiêu đầu vào.
Cùng với việc chất lượng sinh viên đại học nói chung giảm thì chất lượng sinh viên giỏi lại được cải thiện do cạnh tranh để có thể vào được các trường hàng đầu. Một vài năm trước, trường đại Bắc Kinh, Đại học Thanh Hoa cùng với Đại học Hong Kong đã cùng đứng trong top 50 đại học trên thế giới. Sinh viên tốt nghiệp từ các trường này cũng như các đại học chất lượng cao khác có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đặc biệt ở các lĩnh vực như kỹ thuật và khoa học.
Mặc dù việc cải thiện chất lượng là một mục tiêu quan trọng, nhưng chìa khóa để cải thiện tình trạng tạo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp đại học là thúc đẩy khu vực dịch vụ vẫn còn đang kém phát triển. Dịch vụ chỉ chiếm 43% GDP của Trung Quốc, so với 60% ở Hàn Quốc, 70% ở Nhật Bản và gần 80% ở Mỹ. Sự chênh lệch này nhấn mạnh đến nhu cầu đối với lao động được đào tạo đại học, vì ngành dịch vụ thường đòi hỏi nhiều lao động có kỹ năng hơn là ngành sản xuất hay xây dựng.
Cải cách để giảm thiểu tính đặc quyền của các doanh nghiệp nhà nước cũng là một biện pháp. Các doanh nghiệp nhà nước rất cồng kềnh, họ trả lương cao hơn 70% mặc dù hoạt động kém hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.
Một nhánh dịch vụ giá trị cao mà Trung Quốc có tiềm năng cạnh tranh toàn cầu là dịch vụ internet. Ngành thương mại điện tử của Trung Quốc năm nay được kỳ vọng sẽ vượt qua cả Mỹ, và tổng doanh thu của Tập đoàn Alibaba, tập đoàn thống trị thương mại điện tử Trung Quốc, đã vượt qua cả Amazon và eBay với con số tổng cộng là 170 tỷ đô la.
Tóm lại, trong khi việc dư thừa sinh viên tốt nghiệp đặt ra một thử thách cho các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, điều này có khi lại là trong rủi có may. Khi lương được điều chỉnh để phù hợp với hệ thống mới với lao động trình độ cao cùng chất lượng được cải thiện, Trung Quốc có thể không chỉ thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, mà còn bắt đầu gây sức ép đối với lợi thế công nghệ của các nước phương Tây và Mỹ.