Phật giáo Việt Nam mang tinh thần dân tộc phát triển hài hòa với thế giới và mang lợi ích của thế giới phục vụ lợi ích dân tộc
Trải qua hơn 2.000 năm đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo Việt Nam đã lớn mạnh. Tư tưởng trong sáng, triết lý hành động của giáo lý Phật giáo đã thẩm thấu vào đời sống của các tầng lớp xã hội, trở thành niềm tin, lẽ sống của không ít người dân Việt qua các thế hệ. Tham dự Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VII, các đại biểu đều khẳng định, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành và sẽ tiếp tục đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay, Phật giáo tiếp tục mang tinh thần dân tộc phát triển hài hòa với thế giới và mang lợi ích của thế giới phục vụ lợi ích của dân tộc.
TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH BÌNH PHƯỚC, HÒA THƯỢNG THÍCH NHUẬN THANH: Phát triển Phật giáo đến vùng sâu, vùng xa khẳng định sự trưởng thành vững mạnh, bền chắc và sâu rộng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Bình Phước là tỉnh có tới 41 dân tộc cùng chung sống. Phát triển Phật giáo đến vùng sâu, vùng xa là khẳng định sự trưởng thành vững mạnh, bền chắc và sâu rộng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Giáo hội Tôn giáo Đoàn kết, thống nhất, xuyên suốt về tín ngưỡng và ý chí, trên tinh thần Đoàn kết – Hòa hợp đạo Pháp – Dân tộc và CNXH.
Cả nước hiện có 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 14% dân số. Con số này không phải là nhỏ so với đất nước gần 90 triệu người. Nếu công bằng nhìn nhận và so sánh về mặt bằng dân trí, kiến thức và cập nhật thông tin đại chúng thì mức độ chênh lệch giữa vùng cao nguyên và đồng bằng là một khoảng cách rất đáng trăn trở, lo toan, nếu không nói là còn thiếu thốn và lạc hậu. Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho điều đó nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhân lực thiếu. Để sâu sát và hòa nhập được với đồng bào vùng cao, điều đầu tiên chúng ta vấp phải là vấn đề ngôn ngữ. Chúng ta thiếu rất nhiều tu sỹ biết tiếng dân tộc trong khi địa hình khu vực miền núi hiểm trở và phức tạp, nguồn kinh phí chủ yếu là tự túc. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân chủ quan như hiện tượng ngại khó, ngại khổ, chưa ý thức được ý nghĩa, tầm quan trọng trong việc đưa ánh sáng đạo Phật đến với đồng bào dân tộc anh em.
Trong những năm gần đây, chính sách tôn giáo của Nhà nước không ngừng được cải thiện là nguồn hỗ lực trợ duyên tròn đủ để ngày càng nhiều cơ sở thờ tự của Phật giáo được trùng tu, xây mới khang trang, bề thế. Trong đó, có nhiều quần thể chùa được đánh giá có giá trị mang tầm cỡ quốc tế, hệ thống các cấp quản lý của Giáo hội từng bước được củng cố và chuyên môn hóa chuyên sâu.
Việc đưa văn hóa Phật giáo vào đồng bào dân tộc thiểu số cũng như khu vực vùng sâu, vùng xa là việc làm rất quan trọng, không chỉ có ý nghĩa đối với Giáo hội mà còn có ý nghĩa góp phần ổn định an ninh - chính trị ở những vùng phên dậu của Tổ quốc. Công việc này đã nhiều lần được đề cập trong các Hội nghị, kỳ Đại hội và thực tế đã có những triển khai nhưng chất lượng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Hệ thống tổ chức của Giáo hội qua 6 nhiệm kỳ đã phát huy được tính quy mô và có hệ thống khoa học chặt chẽ, nhưng sẽ rất thiếu sót khi hầu hết các hệ thống chính trị toàn cầu đều có một đơn vị chuyên ngành đặc trách về cộng đồng sắc tộc (Quốc hội và Chính phủ nước ta có cơ quan riêng là Hội đồng Dân tộc và Ủy ban Dân tộc phụ trách về lĩnh vực này), thì Giáo hội mới chỉ có một Tiểu ban nằm trong một Phân ban. Như vậy thì mức độ quan tâm cũng như tầm hoạt động sẽ rất hạn chế. Việc bổ sung một Ban Công tác Dân tộc và Miền núi với các Phân ban chuyên ngành là hết sức cần thiết và cấp bách. Đây mới thực sự là tiếng nói của Phật tử người đồng bào bình đẳng trong ngôi nhà Giáo hội hòa hợp - Đạo Pháp - Dân Tộc.
PHÓ TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ KIÊM CHÁNH THƯ KÝ BAN TRỊ SỰ THÀNH HỘI PHẬT GIÁO ĐÀ NẴNG ĐẠI ĐỨC THÍCH THÔNG ĐẠO: Phật giáo nắm vững các yếu tố khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ để hội nhập
Với nguồn nội lực hiện tại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thuận lợi và thách thức gì khi hội nhập?
Về mặt thuận lợi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Giáo hội thống nhất cả nước về tư tưởng và hành động. Chính điều đó tạo nên sự đoàn kết, hòa hợp trong bản thân Phật giáo, tạo sức mạnh nội lực để Phật giáo Việt Nam giữ vững bản sắc của mình. Phật giáo Việt Nam có điều kiện giới thiệu, bảo tồn và phát huy được những nét tinh túy trong văn hóa truyền thống Phật giáo. Đó là tư tưởng nhập thế, là nét son tô đậm trong quá trình phát triển của Phật giáo Việt Nam. Tinh thần ấy trải suốt hơn 2.000 năm qua và tiếp tục phát triển từng nơi, từng lúc và trở thành sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động của Phật giáo Việt Nam.
Về mặt thách thức, trước hết là nguồn nhân lực. Tuy có hàng trăm tăng ni được cử đi các nước để tiếp thu kiến thức mới, phù hợp với đà phát triển trong thời đại mới đã lần lượt trở về và hàng trăm tu sỹ trẻ tốt nghiệp Học viện Phật giáo trong nước mỗi năm, nhưng số lượng ấy chưa thể và chưa đủ để trở thành hạt nhân nòng cốt cho các hoạt động Phật sự. Thứ hai là xu hướng thế tục hóa, chạy theo thời đại, mà quên đi bản chất vô sự, đam mê đời sống vật chất mà xem nhẹ yếu tố tinh thần. Đây là một hiện tượng hiểu chưa thấu đáo yếu tố nhập thế của Phật giáo, bởi Phật giáo nhập thế, vốn mang tính tích cực, mà thế tục hóa, vốn mang tính tiêu cực và thể hiện bản chất không tốt đẹp.
Trước những thuận lợi và những thách thức đó, muốn thực hiện tinh thần hội nhập một cách hữu hiệu, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần phác họa cho được một đường lối hội nhập thích hợp. Nghĩa là, cần vượt qua thách thức, tận dụng lợi thế vốn có, nắm bắt cơ hội mà hội nhập để tinh thần của Đức Thế Tôn sẽ hiện diện một cách tích cực trong thế giới này. Do đó, cần nắm vững các yếu tố khế lý, khế cơ, khế thời, khế xứ. Khế lý là thể hiện trên phương diện tư tưởng; còn khế cơ, khế thời, khế xứ là hợp với xu thế phát triển của xã hội, của thế giới. Thứ nhất, lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược vượt qua những trở ngại khó vượt qua của muôn vàn điều kiện cần và đủ khác, với một tấm lòng hy sinh vì Đạo pháp và Dân tộc. Thứ hai, về đào tạo nguồn nhân lực, cần vun bồi yếu tố nội lực, tạo tiền đề cho nhiều cơ hội mới và những thách thức mới, trong đó yếu tố con người là quan trọng nhất. Việc nâng cao nhận thức, tầm nhìn, đào tạo năng lực cho một thế hệ tu sỹ trẻ, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà thời đại đặt ra cho Phật giáo Việt Nam là việc làm có tính cấp thiết. Cho nên, nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chính là công tác nâng cao chất lượng giáo dục.
Tại sao nền giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay tồn tại nhiều mặt bất cập, ham chạy đua về số lượng mà chưa thật sự nhắm đến chất lượng? Điều này vốn thể hiện qua việc số lượng tăng ni tốt nghiệp hàng năm nhiều mà người làm được nhiệm vụ chuyển đạo vào đời lại ít. Rồi khả năng thế học thấp, khiến thiếu các phương tiện để đi vào cuộc đời nhằm mang lại hạnh phúc cho loài người.
Thứ ba, là không quên bản hoài bao đời của Chư Phật. Đó là luôn hướng mọi công tác Phật sự vào lý tưởng giải thoát và giác ngộ. Đạo Phật là đạo đến để thấy, để thực nghiệm và chứng ngộ quả vị Niết bàn.
Trong giai đoạn Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, nhìn về tương lai của Phật giáo Việt Nam trách nhiệm lại càng đặt nặng lên vai của Giáo hội mà trước hết là của Tăng đoàn. Trọng trách ấy đặt lên vai của những ai còn trăn trở và thao thức cho tiền đồ của Đạo pháp và Dân tộc. Để rồi, chính những con người lý tưởng ấy mang trọng trách hướng dẫn con thuyền Giáo hội Phật giáo Việt Nam vượt qua những dị biệt mà khẳng định mình trên trường Phật giáo quốc tế, góp phần giải quyết những vấn nạn toàn cầu mà cả nhân loại phải đương đầu trong giai đoạn hiện nay.
TRƯỞNG BAN TRỊ SỰ PHẬT GIÁO TỈNH QUẢNG NAM, HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN DUYÊN: Giáo hội phát triển bền vững, khế hợp với cuộc sống thực tại
Trải qua hơn 30 năm kể từ ngày thành lập Giáo hội, qua 6 nhiệm kỳ, có thể thấy ngôi nhà GHPGVN đã và đang phát triển, theo kịp đà đổi mới hiện đại hóa của đất nước. Qua văn kiện báo cáo tại Đại hội, chúng tôi hoàn toàn nhất trí cao với kết quả Phật sự của nhiệm kỳ 2007-2012 mà Giáo hội đã đạt được. Thành quả ấy được kết tinh từ sức mạnh của ý chí và hành động của từng thành viên lãnh đạo Giáo hội, tinh thần đoàn kết hòa hợp của tập thể từ Trung ương đến tỉnh thành, địa phương; căn bản hơn là đã đề ra được chương trình hoạt động cho nhiệm kỳ mới 2012 – 2017, thiết thực và có nhiều định hướng mới.
Để nói lên tinh thần trách nhiệm chung vì tương lai của Phật giáo cửu trụ ta bà, lợi ích cho nhân quần xã hội, hay nói khác hơn là Giáo hội phát triển bền vững, khế hợp với cuộc sống thực tại, Phật giáo Quảng Nam nhận thấy: chỉnh đốn cơ cấu bộ máy tổ chức song hành với việc chọn người tài đức đảm trách Phật sự Giáo hội là vấn đề cần và nên làm. Hiện nay, từ Trung ương đến các tỉnh thành địa phương có quá nhiều Ban, ngành nhưng thực sự với số lượng công việc thì không nhiều, do vậy nên sáp nhập một số Ban nhằm đơn giản bớt bộ máy Giáo hội. Đẩy mạnh đặc biệt vai trò trách nhiệm cho mỗi Ban là điều cần thiết. Ban Tăng sự cần nêu cao chức năng hoạt động, có quyền quyết đoán về việc Bổ nhiệm trụ trì, tấn phong, tổ chức giới đàn truyền, thụ giới cho tu sỹ và cư sỹ... Cũng có người lý giải làm việc Giáo hội không lương nên có nhiều Ban cũng không sao, nhưng thực chất quá nhiều Ban, không có người đảm nhiệm nên phần lớn là kiêm nhiệm hoặc có người nhưng không đam mê trách nhiệm với công việc, tham gia cho có lệ mà suốt nhiệm kỳ 5 năm không hoạt động. Nếu mãi như vậy tổ chức Giáo hội sẽ mất dần uy tín. Hiện nay, dư luận xã hội cho hay, có nơi một số vị có quyền thế trong Giáo hội khi giải quyết công việc hành chính còn thiếu khách quan, nhũng nhiễu làm mất thanh danh của Đạo Phật. Nên việc chọn người tài đức là cần thiết và quan trọng nhất.
ĐẠI BIỂU TP HÀ NỘI THÍCH MINH TĨNH: Phật giáo đem tinh thần dân tộc phát triển hài hòa với thế giới và đem lợi ích của thế giới phục vụ lợi ích của dân tộc
Đại hội lần này được tổ chức rất trang nghiêm, trang trọng. Số nhân sự của nhiệm kỳ này, theo tinh thần của Đại hội, là giữ nguyên cơ cấu cũ để bảo đảm sự ổn định và phát triển thêm cơ cấu mới vững mạnh, đủ sức lãnh đạo Giáo hội thực hiện chương trình hành động của nhiệm kỳ VII.
Phật giáo Việt Nam có truyền thống đồng hành cùng dân tộc, vì dân tộc, phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật. Mang tinh thần tốt đạo, đẹp đời của Phật giáo thấm sâu vào văn hóa dân tộc, vào từng gia đình, từng cá nhân theo tinh thần đoàn kết lục hòa, vừa mang bản sắc của Phật giáo vừa mang bản sắc của dân tộc, hòa hợp giữa đạo và đời. Trong bối cảnh đất nước đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay, tinh thần hội nhập có vai trò quan trọng. Phật giáo đem tinh thần dân tộc phát triển hài hòa với cộng đồng thế giới và đem lợi ích của thế giới phục vụ lợi ích của dân tộc.
Và đặc biệt, tinh thần ấy đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội, trong đó khẳng định truyền thống gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo. Truyền thống này cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với Phật giáo, vốn được quan tâm từ thời đại Lý – Trần, hay trong hiện tại và tương lai sẽ rất rực rỡ. Bởi lẽ, tinh thần của Phật giáo là vì hòa bình của đất nước và nhân loại, lấy tình thương yêu và giúp đỡ hướng chúng sinh đến sự giải thoát trong hiện tại cũng như vị lai. Từ đó tiến tới mỗi con người nhìn thấy và đạt tới chân – thiện – mỹ mà trong Phật giáo gọi là phật tính. Đường hướng Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội của Phật giáo và đường hướng phấn đấu xây dựng một Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh hòa quyện với nhau, cùng một thể thống nhất. Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong 6 nhiệm kỳ qua đã khẳng định rõ tinh thần này. Và trong tu chỉnh Hiến chương lần này, Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội được nâng cao và hoàn thiện cho phù hợp với đời sống hiện tại cũng như xu hướng phát triển của xã hội, của sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế của đất nước.
CHỦ TỊCH TRUNG TÂM VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TẠI BANG SACCHSEN - CHLB ĐỨC AN THIỆN: Phát triển đạo Phật trong lòng cộng đồng người Việt xa quê, tôn vinh những giá trị đích thực của đạo Phật là để đem lại niềm an vui cho cộng đồng, nâng cao vị thế của dân tộc và hướng đến xu thế chung của nhân loại
Trong những năm gần đây, phong trào Phật giáo tại các nước Đông Âu phát triển rõ nét. Năm 2007, Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Czech ra đời; năm 2008 là Ba Lan, năm 2009 là Hungary, năm 2010 là Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam tại Bang Sacchsen - CHLB Đức. Trong chiều hướng phát triển đó là hàng chục Chi hội Phật tử, hàng chục ngôi chùa liên tục ra đời. Tín đồ Phật tử trong những năm 2006, 2007 chỉ là một vài nhóm nhỏ vài chục người đến nay phải tính đến con số hàng nghìn và nhiều nghìn người hướng tâm về với Đạo. Sự hiện diện của đạo Phật, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, như luồng sinh khí mới thổi vào đời sống tinh thần của cộng đồng. Các Hội Phật tử đã góp phần đưa ánh sáng Phật pháp tới với mọi vùng miền, đưa bà con hướng về Tổ quốc, về cội nguồn dân tộc, khơi lại các giá trị tinh thần và tâm linh cho bà con người Việt xa quê.
Trong việc hoằng dương Phật pháp, vai trò của các Hội Phật tử, của các cá nhân tích cực và có uy tín trong cộng đồng là đặc biệt quan trọng. Hội Phật tử là tổ chức thành viên của Hội người Việt Nam tại bản xứ được cơ quan đại diện Nhà nước Việt Nam và pháp luật nước sở tại công nhận. Chỉ khi hoạt động theo sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương Hội Phật tử thì mới có sự thống nhất, mới đi đúng chính pháp và mới đủ sức lan tỏa mạnh mẽ. Các Hội Phật tử luôn thống nhất và kết hợp chặt chẽ với các Hội đoàn của cộng đồng. Do đó, hoạt động gắn với cộng đồng, với các đoàn thể là sự gắn kết chính thống và vững bền trên bước đường hoằng pháp. Trong xu thế phát triển lâu dài, để thể hiện đúng tinh thần học pháp, nếu chỉ dừng ở phong trào, mỗi năm tổ chức mấy ngày lễ Phật giáo thì mới chỉ là hình thức. Các chư tăng cần hướng dẫn bà con học pháp, tu tập, hành trì để thực sự tạo nên nội lực của mỗi Phật tử. Với riêng CHLB Đức – nơi có nhiều tổ chức Phật giáo khác nhau cùng hoạt động nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cần có những phương cách dung hòa, giao lưu để tăng thêm tình Đạo, gắn kết bà con trong tinh thần hòa hợp những người con Phật.
Đạo Phật là chất gắn kết rất hiệu quả, có sức quy tụ tất cả các tầng lớp, các giới, các lứa tuổi bước trên một con đường tiến tới giác ngộ giải thoát và an lạc, giúp cho bà con cùng hướng về quê hương đất nước. Vì vậy, phát triển đạo Phật trong lòng cộng đồng người Việt xa quê, tôn vinh những giá trị đích thực của đạo Phật là để đem lại niềm an vui cho cộng đồng, nâng cao vị thế của dân tộc, vị thế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, kết nối cộng đồng và cũng chính là hướng đến xu thế chung của nhân loại.