Những bông hồng

Hạnh Linh 29/10/2012 08:31

Không ai biết bà từng là cô giáo khi mới hai mươi hai tuổi. Người ta chỉ thấy đó là một cán bộ làm ở cơ quan chống tham nhũng cấp cao. Bà tên là Nguyệt. Bà Nguyệt có việc phải tìm hiểu, xác nhận thông tin về một cán bộ ngân hàng ở một tỉnh. Và bà đến ngân hàng cấp trên của họ ở Hà Nội để gặp ông bí thư đảng ủy - tổng giám đốc.

Tiếp bà là ông tổng giám đốc và bà ngạc nhiên khi thấy một cô cán bộ trẻ cùng đến. Dường như đoán được sự ngần ngại của bà, ông tổng giám đốc giới thiệu, mềm mỏng:

- Thưa chị, đây là cô Khang, trưởng phòng tổ chức. Cô Khang nắm rõ sự việc của một số ngân hàng trong ấy, trong đó có trường hợp của ông H. Tôi mời cô Khang dự họp để khi cần số liệu gì, cô ấy sẽ cung cấp cho chị…

 Bà Nguyệt trông bên ngoài rất khó đoán tuổi với gương mặt khô khan, thiếu cởi mở đi cùng ánh mắt trong trẻo và nụ cười thân thiện. Gương mặt khiến người đối diện thấy bà vừa khó gần nhưng lại vừa đáng tin. Bà đưa ra những câu hỏi và được cả tổng giám đốc lẫn cô trưởng phòng tổ chức báo cáo, giải thích.

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng
Bà ghi chép và chốc chốc lại xoay xoay cái bút trên tay. Bỗng bà dừng lại, nhìn thẳng ông tổng giám đốc:

- Tôi không hỏi về thành tích tham gia kháng chiến của ông H, cái đó tôi đã biết. Tôi chỉ muốn được đồng chí bí thư đảng ủy - tổng giám đốc giải thích những sự việc mà ông H bị cán bộ, nhân viên tố cáo, có thật hay không. Cái gì chứng minh họ nói đúng. Cái gì chứng minh ông H bị oan...

Buổi làm việc diễn ra nhẹ nhàng nhưng có vẻ cũng rất căng thẳng trên gương mặt ông tổng giám đốc. Nhiều câu hỏi của bà, ông không trả lời mà lại nói sang chuyện khác. Bà Nguyệt nhắc lại:

- Ông nói hai tỉ thu được từ tiền gửi ngân hàng, ông H chỉ là để nhầm tài khoản. Như vậy là hai tỉ vẫn còn nguyên, đâu có thất thoát phải không ạ?

- Vâng đúng thế. Ông H báo cáo, sau khi thanh tra xong, ông H sẽ chuyển số tiền này về đúng tài khoản của nó.

 Bà Nguyệt điềm tĩnh:

- Nhưng khi đoàn thanh tra vào niêm phong, kiểm tra quỹ tiền mặt, quỹ không còn đồng nào. Vậy ông H lấy đâu ra hai tỉ để trả về đúng tài khoản của nó? Hay là chỉ chuyển trên giấy?

Trước câu hỏi của bà, tổng giám đốc im lặng.

Bà Nguyệt bước ra khỏi căn phòng sang trọng của một ngân hàng lớn, tọa lạc sừng sững trên đường phố đẹp nhất Hà Nội. Ông tổng giám đốc chạy theo, đưa cho bà một phong bì dày cộm:

- Thưa chị, lẽ ra phải mời chị dùng cơm với chúng tôi, vì chẳng mấy khi chị từ trong kia ra. Nhưng vì chị vội về, tôi gửi chị chút quà, mong chị đừng từ chối.
- Cảm ơn. Nhưng bây giờ mới là ba giờ chiều, sao lại phải ăn uống?

Dáng dấp nhanh nhẹn và cách nói năng chuẩn mực của một cô giáo, bà quay lại nhìn sững ông tổng giám đốc, và đẩy cái phong bì về phía ông như một cử chỉ dứt khoát. Rồi bước thẳng ra xe.

Cô trưởng phòng chạy theo, cố nhét cái phong bì vào xách tay của bà như một sự kiên quyết của lòng hiếu khách.

Mấy chú lính bảo vệ ngân hàng mặt đồng phục rất oai vệ, chằm chằm nhìn vào sự đẩy đưa giữa chủ và khách. Không thấy chiếc phong bì được đẩy trở lại vì bà đã ngồi trong xe và cô trưởng phòng đã vội vã quay trở lại văn phòng. Người ta chỉ nghe tiếng bà nói vọng lại:

- Tôi sẽ gọi cho cô vào buổi tối.

***

 Nhận được điện thoại của bà Nguyệt, cô trưởng phòng Khang vội đến khách sạn X ở phố Chu Văn An. Bà tươi cười ra tận cửa phòng thường trực để đón cô.

- Em uống gì: nước cam nhé?

- Dạ. Cho em ly nước suối.

Bà rót nước mời khách, phong thái thật ung dung, khác hẳn với gương mặt khô khan, khó gần vốn có, khiến cô cán bộ trẻ bớt sự xa cách.

- Thưa cô, sao em thấy cô rất quen, như là đã gặp ở đâu… Nhất là khi cô cười - Khang nói.

- Vậy à? Thế em trước đây có là cán bộ đoàn không? Hồi trẻ tôi làm công tác đoàn đấy.

- Thế ạ? Nhưng em không phải là cán bộ đoàn.

Câu chuyện lan man, chẳng ăn nhập gì nhau. Rồi cũng đến lúc vấn đề chính được đưa ra. Dường như mấy câu chuyện đẩy đưa lúc nãy chỉ để làm dịu đi nỗi bẽ bàng của sự bị từ chối. Bà đưa Khang chiếc phong bì còn nguyên, dán kín:

- Em nói tổng giám đốc không nên làm thế, mình đều là cán bộ nhà nước để thực thi nhiệm vụ, sao lại phải đưa phong bì? Đưa phong bì sẽ là một thói quen làm hư cán bộ đấy.

 Cô cán bộ trẻ tròn mắt rồi kính cẩn chào bà ra về. Bà lịch thiệp nhưng không tiễn cô ra cổng.

Và một đêm trằn trọc với bao suy nghĩ về những việc làm lẽ ra phải là chuyện đương nhiên bình thường, sao giờ đây nó lại trở thành cái điều làm họ ngạc nhiên, cho rằng không giống ai thế nhỉ? Bà cố nhắm mắt để có giấc ngủ ngon.

Một tuần sau, bà Nguyệt có có điện thoại. Đầu dây bên kia là giọng rất quen:

- Thưa cô, em là Khang đây. Khang ở ngân hàng V. đây ạ.

- À, cô nhớ ra rồi. Có chuyện gì vậy em?

- Thưa cô, sau lần gặp cô ở khách sạn X, em cứ vương vấn mãi. Em không buồn về việc cô trả lại chiếc phong bì của tổng giám đốc em, mà chỉ thấy ngạc nhiên thôi ạ. Nhiều năm làm ở đây, em đã có thói quen theo lệnh sếp đưa phong bì cho một số cán bộ có quyền đến làm việc. Có khi chưa kịp đưa, số cán bộ này còn hỏi thẳng: Ồ, ngồi suông với nhau thế à? Không có gì cho sự “tươi mát” à? Khi đó sếp em vội vàng: vâng, có chứ, có chứ. Cứ như vậy, một năm không biết bao nhiêu lần ngân hàng em được cán bộ thanh tra viếng thăm. Em là cán bộ trẻ mới ra trường, lúc đầu bất mãn lắm sau rồi cũng quen cô ạ. Vì vậy, việc cô trả lại phong bì khiến em rất ngạc nhiên và cứ suy nghĩ mãi… Thật lạ phải không, thưa cô? Nhưng giờ đây những suy nghĩ trong đầu em không còn bàng bạc, thờ ơ như trước đó… Hình như em đã trở lại những cảm xúc, ước mong khi mới ra trường. Chỉ có điều em chưa biết làm thế nào để thực hiện được…

- Em có suy nghĩ như vậy là tốt rồi. Hãy bắt đầu từ niềm tin em ạ. Khi có niềm tin em sẽ thực hiện được. Bà Nguyệt hồn hậu.

***

 Bà Nguyệt bất giác nhìn ra cửa, nơi chiếc xe hơi màu đen vừa đỗ. Một cô gái cao ráo, với chiếc đầm dài và cặp kính đen bước ra khỏi xe. Bà càng ngạc nhiên hơn khi thấy cô gái trông chẳng khác gì một du khách nước ngoài đang bước nhanh về phía căn hộ của bà ở chung cư N. Anh lái xe đi sau, ôm trên tay một cái hộp khá dài.

- Em chào cô ạ. Cô gái lễ phép.

- Bà Nguyệt nhận ra ngay cô Khang ở ngân hàng V:

- Chào em, thật là bất ngờ…

Vâng, em vừa xuống sân bay là ghé cô ngay. Cô vẫn khỏe chứ ạ? Em vào Sài Gòn công tác một tuần cô, em ghé thăm cô trước rồi mới về chỗ nghỉ. Thưa cô, từ lần gặp cô ở khách sạn X em thấy cô rất quen, nhất là khi cô cười. Em cố lục trong trí nhớ, và không biết có chính xác không. Cô ơi, có phải ngày xưa cô là cô giáo dạy ở trường nội trú B phải không? Cô hay đi với cô Mai, người mập, trắng…

- Ồ, đúng rồi, đúng rồi. Thế em là học sinh trường ấy à? Bà Nguyệt vui vẻ.

- Vâng, em là học sinh lớp cô Mai chủ nhiệm. Em không được học cô giờ nào.

- Đúng rồi. Hồi ấy cô mới ra trường, mới hai mươi hai tuổi. Cô dạy lớp đầu cấp, em học lớp cuối cấp nên không học cô. Nhanh quá mới đó mà đã hơn ba mươi năm rồi. Ba mươi năm trôi qua, con người phải trả giá biết bao lần cho sự trưởng thành nhận thức của mình, phải không em? Nhưng rất may là chúng ta đã không lầm lạc. Cô không có gì phải ân hận về những ngày đã qua.

- Em cảm ơn cô. Gặp cô, em như người vừa tỉnh thức. Những suy nghĩ khi còn học trong trường ào đến, và em tìm đến cô, như một nơi nương tựa của niềm tin. Chiều nay em có cuộc họp. Không ở chơi lâu với cô được. Có dịp đi công tác, em sẽ ghé thăm cô nữa ạ. Em mang ít hoa hồng Hà Lan mua từ Hà Nội. Vì em vẫn nhớ, hình như cô rất thích hoa hồng?

- Cám ơn em. Bà Nguyệt xúc động. Đúng là cô rất thích hoa hồng, loài hoa vừa có sắc, vừa có hương, tinh khiết nhất…

Năm mươi bông hồng còn tươi nguyên, tỏa hương ngào ngạt. Bà Nguyệt lấy năm bông cắm vào chiếc bình sứ trên bàn, số còn lại, bà chia ra từng bó nhỏ, đem trao tặng bạn bè, như món quà tin yêu…

Hạnh Linh