Nhiều thách thức ở thị trường Australia và New Zealand

Mạnh Quang 02/08/2012 08:33

Việc các quốc gia tuân thủ nghiêm túc Hiệp định khu vực thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) được cho là sẽ tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ta trong quá trình tìm kiếm, khai thác thị trường xuất khẩu mới. Song trên thực tế, kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường này chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn kim ngạch nhập khẩu. Lợi thế từ AANZFTA chưa được tận dụng triệt để có nguyên nhân từ đâu?

Theo Tổng cục Hải quan, sau hai năm thực hiện AANZFTA, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Australia trong năm 2011 là 2,5 tỷ USD, giảm hơn 7% so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường New Zealand là 151 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu từ Australia là 2,1 tỷ USD, nhập khẩu từ New Zealand  là 383,9 triệu USD. Như vậy có thể thấy, doanh nghiệp nước ta chưa tận dụng được những lợi thế của AANZFTA. Nhất là khi các quốc gia này đã đưa thuế suất về 0% cho các nhóm hàng sớm hơn so với quy định của Hiệp định. Cụ thể là trong năm 2010, Australia đã đưa về mức lãi suất 0% đối với 96,4% tổng số dòng thuế, New Zealand đưa về 84,7% tổng số dòng thuế. Năm 2011, mức thực hiện lần lượt là 96,7% và 91,3% tổng số dòng thuế.

Nguồn: jcapt.com
Nguồn: jcapt.com

Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho rằng, kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường này chưa như kỳ vọng do mặt hàng da, giày, dệt may chưa được hưởng mức thuế xuất nhập khẩu thấp. Nhưng quan trọng hơn cả là hàng rào phi thuế quan chặt chẽ, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp chưa hợp lý. Trong đó, hai thị trường Australia, New Zealand có quy định về kiểm dịch khắt khe, tương đương với Mỹ, EU và Nhật Bản. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, hải sản, thực phẩm cần nghiên cứu kỹ những quy định về kiểm dịch, thiết kế bao bì, cách thức đóng gói, tính trọng lượng, mạ băng... Bởi một lô hàng nông sản, thủy sản, thực phẩm bị phát hiện lỗi thì từ 5-6 chuyến hàng sau đó sẽ bị kiểm tra 100%.

Yêu cầu về xuất xứ sản phẩm, hàng hóa của hai thị trường này cũng cao hơn yêu cầu trong một số hiệp định tự do thương mại khác. Cụ thể, hàm lượng giá trị khu vực của hàng hóa không được dưới 40%, trong khi trong hiệp định ASEAN - ấn Độ, hàm lượng này chỉ yêu cầu 35%. Quy tắc xuất xứ trong AANZFTA khá mở, nhưng phức tạp, liên quan nhiều đến kỹ thuật. Ngoài ra, hai thị trường này có thị hiếu tiêu dùng khác biệt, chưa có nhiều thông tin được cung cấp cho doanh nghiệp. Trong khi đó, tại các quốc gia này, hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam cũng chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các loại sản phẩm tương tự từ Trung Quốc, ấn Độ.  Và kinh phí để tiếp cận, tìm hiểu các thị trường này là áp lực không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Một số doanh nghiệp đã khai thác được cơ hội từ AANZFTA. Đại diện Công ty cổ phần chế biến gỗ Đức Thành cho biết, qua tìm hiểu của công ty thì, người tiêu dùng New Zealand chưa quan tâm đến sản phẩm của Việt Nam do không đa dạng về loại hình, chức năng sử dụng không nhiều. Hiểu được nhu cầu tiêu dùng như vậy, doanh nghiệp đã phát triển thêm nhiều loại hàng hóa và đang thu được những kết quả tích cực. Vì thế, doanh nghiệp nên tìm hiểu đặc điểm chung và riêng về sản phẩm, đối thủ cạnh tranh và các kênh phân phối tại quốc gia này.   

Cùng quan điểm này, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á Thái Bình dương, Bộ Công thương Chu Thắng Trung nhấn mạnh, doanh nghiệp Australia muốn có giá chào sát thực tế và làm việc với người cung cấp trực tiếp để cắt giảm chi phí trung gian. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ thông tin khi tham gia các hội chợ xúc tiến xuất khẩu sang Australia, New Zealand. Bởi doanh nghiệp hai quốc gia này thường đến xem xét thông tin tại hội chợ và đưa ra kết luận ngay lập tức, không xem xét lại như doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Ngoài ra, doanh nghiệp Australia, New Zealand đánh giá cao việc giữ chữ tín của đối tác hợp tác, cũng như việc trả lời nhanh các thư điện tử tìm hiểu thông tin. 

AANZFTA là một cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam khai thác các thị trường mới. Nhưng có lẽ, không chỉ với hai thị trường này, mà về nguyên tắc, muốn khai thác thị trường xuất khẩu hiệu quả thì phải am hiểu về thị trường đó. Đặc biệt là cần nắm chắc các thông tin về thị hiếu, pháp luật, hàng rào phi thuế quan... Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp, thì cơ quan quản lý cần chú ý hỗ trợ việc khảo sát, tiếp cận các thị trường này để tận dụng tốt cơ hội từ AANZFTA.

Mạnh Quang