Ông phó cối chữa câu đối
Mấy năm nay làng tôi có điện, có máy xát gạo. Thế nhưng thầy tôi vẫn bắt con cháu xay giã giần sàng ăn mới ngọt cơm, thầy tôi bảo thế. Cuối năm, nhà tôi nhờ ông phó cối đến đóng lại cái cối xay đã bật răng. Trong lúc làm, vui chuyện, ông phó cối khen thầy tôi cơ chỉ, khéo làm ăn, gây dựng được cơ ngơi bề thế, nhà ngói sân gạch đủ cả. Được lời như cởi tấm lòng, thầy tôi khoe:
- Chú em tôi là nhà thơ lớn của tỉnh cũng phục tôi sát đất đấy. Phởn lên, chú còn viết câu đối vải đỏ chữ vàng tặng tôi, tôi vẫn cất giữ cẩn thận trong tủ, mời ông phó xem.
Thầy tôi mở tủ, cởi gói áo mưa lấy ra bức câu đối quý, vải còn tươi màu, chữ còn tươi nét:
Nhà ngói đủ năm gian, làm bằng một đỏ
Con trai vừa sáu tuổi, quý tựa ngàn vàng
Ông phó cối dừng tay ngắm nghía, vừa đọc vừa gật gù sái cổ làm thầy tôi vô cùng đắc ý nhắc lại:
- Chú nó là nhà thơ lớn của tỉnh đấy. Hồi lên nhà mới, khách khứa đều khen chú nó là tay bút cự phách, hiếm có.
Tôi vốn rất tự hào có ông chú giỏi chữ nghĩa, làm rạng danh cả dòng họ nhiều đời chỉ giỏi cày cuốc, nên cũng nói leo đế vào:
- Thầy khen tài thơ chú thì bằng khen phò mã tốt áo.
Ông phó cối lúc này mới nhẹ nhàng nói:
- Hay, hay thật, lại mỗi vế chín chữ, vừa đúng chữ sinh, rất hợp cho việc làm nhà, sinh con. Có điều, tôi thấy có một chữ hơi gờn gợn.
Thầy tôi đang vui, sững lại hỏi dồn:
- Chữ nào, chữ nào, ông phó biết thì sửa giúp cho.
- Thì tôi chỉ thấy gợn thôi, chứ tôi dốt chữ đâu dám bàn.
- Ông phó cứ giúp cho, một chữ ngàn vàng là thế đấy.
Ông phó cối cứ rào chắn mãi làm thầy tôi sốt ruột. Mãi sau ông phó cối mới thong thả nói:
- Chữ bằng. Làm nhà tất nhiên phải làm bằng gỗ bằng gạch rồi. Nhưng vật liệu ấy ở đâu ra, tất nhiên phải có tiền mua. Mà tiền thì kiếm bằng nhiều cách lắm. Người thì trộm cắp, người thì tham ô, người thì cờ bạc, người thì buôn lậu, người thì cơ chỉ như ông đây. Cứ theo văn tự của câu đối, người ta sẽ hiểu ông có tiền làm nhà là do gặp một vận may, vận đỏ nào đó, như được canh bạc to, hoặc có chuyến buôn lậu trót lọt chẳng hạn. Chứ chẳng ai hiểu “làm bằng một đỏ” là làm một lèo, một mạch, muốn người ta hiểu vậy phải giảng mới hiểu ép hiểu gượng thôi.
Mới nghe thấy thế, thầy tôi tuy không phải là tác giả mà cũng vã mồ hôi đỉnh mũi. Lẽ nào chú nó xỏ mình? Thầy nói, giọng đã nghèn nghẹn:
- Xin ông phó chữa cho chữ đó được chăng?
- Ngay bây giờ tôi chưa nghĩ ra, xin hẹn cuối buổi, xem sao.
Ông phó cối cứ nhẩn nha làm. Thầy tôi thì sốt ruột chờ ông phó cối xong việc. Gần tối thì công việc hoàn thành, cối xay thóc rào rào, vừa nhanh vừa nhẹ. Uống chén nước trước khi chia tay, ông phó cối mới nói:
- Thú thật chữ tôi chưa nghĩ ra, nhưng ông thử thay chữ liền vào chữ bằng xem sao: Nhà ngói đủ năm gian làm liền một đỏ. Đọc lên, chẳng cần giải thích, người ta vẫn hiểu ngay là làm một mạch, mà vẫn giữ được chữ đỏ, đồng âm “vận đỏ” như ý cao thủ làm câu đối.
- Vâng, xin cám ơn, xin cám ơn!
Chẳng biết thầy tôi có đem chuyện này kể với chú tôi không, cũng chẳng biết chú tôi có đồng ý với việc sửa chữ của ông phó cối hay không, còn tôi thì mãi phục lăn cái tài chữ nghĩa, tài làm câu đối của dân ta qua sự việc trên.