Phải bảo đảm tính bền vững của thị trường tài chính và an toàn cho người tham gia bảo hiểm

Minh Vân lược ghi 27/10/2010 00:00

Chiều qua, 26.10, QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Cơ bản tán thành với việc cần thiết phải xây dựng luật nhằm bảo đảm phù hợp với các cam kết khi gia nhập WTO, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, thúc đẩy thị trường bảo hiểm ổn định và phát triển bền vững… Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần làm rõ…

ĐBQH Phạm Thị Loan (Hà Nội): Nhất thiết phải yêu cầu trích lập quỹ dự phòng

Về vấn đề dịch vụ qua biên giới, theo Điều 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. Trong Điều 6 của luật này quy định: tổ chức, cá nhân có nhu cầu bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên Việt Nam đã tham gia WTO, theo đó có cam kết về vấn đề tham gia hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam của các công ty nước ngoài. Như vậy các công ty bảo hiểm nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và luật hiện hành chưa cho phép cho nên tôi đồng tình sửa đổi và cho phép dịch vụ qua biên giới của bảo hiểm. Tuy nhiên cần phải có những quy định rất cụ thể, đặc biệt trong đó có vấn đề thuế nhà thầu và có hướng dẫn cụ thể hơn trong vấn đề thuế nhà thầu để tránh đánh thuế hai lần.

Vấn đề thứ hai là bảo hiểm bắt buộc, tại Điều 8 tại Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định: các doanh nghiệp trong nước phải mua một số bảo hiểm bắt buộc, ví dụ bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm trách nhiệm. Tuy nhiên hiện nay không có hướng dẫn cụ thể nào quy định mức tối thiểu mà doanh nghiệp trong nước phải mua cũng như có một chế tài chặt chẽ đảm bảo việc thực hiện quy định này một cách nghiêm túc, việc này có thể dẫn đến việc quy định không có tác dụng. Cho nên, tôi đề nghị xem lại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm nhằm quy định cụ thể hơn về bảo hiểm bắt buộc.

Về trích lập quỹ dự phòng, nhất thiết phải yêu cầu trích lập quỹ dự phòng. Bởi vì hoạt động của bảo hiểm cũng có nhiều rủi ro như hoạt động của ngân hàng. Cho nên trích lập quỹ dự phòng là một điều kiện bắt buộc. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị cần phải quy định rõ hơn và cụ thể ngay trong luật về hình thức, nội dung cũng như mức độ, tỷ lệ trong trích lập Quỹ dự phòng.

ĐBQH Cao Ngọc Xuyên (Bạc Liêu): Doanh nghiệp đã phá sản thì còn trích lập quỹ làm gì?

Tôi cơ bản nhất trí với sự cần thiết và nhiều nội dung của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh Bảo hiểm.

Về đề nghị bổ sung quy định về việc lập quỹ bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm, tôi có cùng quan điểm với Ủy ban Kinh tế không cần thiết lập quỹ này, vì chính tại Điều 97 đã quy định việc lập quỹ dự trữ bắt buộc để bổ sung vào vốn điều lệ và bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm. Như vậy vấn đề bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp với khách hàng là người mua bảo hiểm tức là bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm đã được quỹ này cung cấp. Ban soạn thảo dự án luật cho rằng, trong trường hợp gặp khủng hoảng, khó khăn tài chính hoặc phá sản doanh nghiệp bảo hiểm không có tài chính để trích quỹ dự trữ này nên phải lập thêm quỹ mới là bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm là chưa phù hợp. Khi doanh nghiệp bị phá sản thì còn trích quỹ làm gì? Tuy nhiên nếu trong thực tiễn hoạt động mà mức trích cho quỹ dự phòng bắt buộc chưa thực sự phục vụ tốt cho việc bảo đảm khả năng thanh toán của doanh nghiệp, có thể xem xét quy định mở rộng tỷ lệ trích quỹ cũng như nguồn trích quỹ của quỹ này nhưng không đặt vấn đề mở thêm quỹ mới từ nguồn doanh thu của phí bảo hiểm của doanh nghiệp.

Tuy vậy để quy định của Luật thực sự cần thiết, tôi đề nghị Bộ Tài chính cần đánh giá toàn diện và đầy đủ hơn việc thực hiện Điều 97 của luật hiện hành, vì tại Khoản 2, Điều 97 còn có quy định: Ngoài quỹ dự trữ bắt buộc tại Khoản 1 điều này doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có thể lập quỹ dự trữ khác từ lợi nhuận sau thuế của năm tài chính theo quy định của điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm. Vậy thực tế, các doanh nghiệp đã trích và sử dụng các dự trữ đó ra sao, cần phải được đánh giá tổng kết và từ đó có quy định cho phù hợp hơn.

ĐBQH Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh): Cơ quan nào sẽ quản lý qũy này?

Theo tôi việc trích lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm là cần thiết để bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm khi doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán và thực hiện trách nhiệm đối với người được bảo hiểm. Còn việc trích quỹ dự phòng tài chính được quy định đối với việc đảm bảo cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Về nội dung quy định trích, lập quỹ bảo vệ quyền lợi người được bảo hiểm tại Khoản 3, Điều 97 dự án luật và dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) quy định như sau: "Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải trích lập quỹ bảo vệ người được bảo hiểm trên cơ sở doanh thu phí bảo hiểm". Tuy nhiên trong dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành luật có một số điểm chưa đồng nhất với dự án luật. Cụ thể, trong Chương V dự thảo nghị định quy định tên gọi của quỹ là Quỹ bảo vệ bên mua bảo hiểm. Như vậy không đồng nhất tên gọi. Theo tôi nên lấy tên gọi là quỹ bảo vệ người được bảo hiểm như dự thảo luật cho đồng nhất. Một điểm nữa không đồng nhất nữa đó là quy định các khoản thu trích lập quỹ. Theo dự án luật thì nguồn trích lập quỹ là từ doanh thu phí bảo hiểm còn quy định của dự thảo nghị định lại là lệ phí do các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp, thu nhập từ hoạt động đầu tư, thu do thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản và tiền vay các khoản khác… Như vậy chưa thống nhất thu từ lệ phí hay thu từ doanh thu phí bảo hiểm. Hơn nữa, trong cả dự án luật cũng như trong dự thảo nghị định chưa quy định cơ quan nào sẽ quản lý quỹ này và cơ chế quản lý quỹ như thế nào cũng chưa được rõ. Vì vậy, tôi đề nghị cần quy định rõ hơn tại dự án luật, nếu không cũng phải được quy định rõ trong dự thảo nghị định...

ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Phải bảo an toàn cho người tham gia bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ

Thị trường bảo hiểm là một trong 3 bộ phận của thị trường tài chính của một nước gồm thị trường tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm. Ba thị trường này luôn luôn liên thông với nhau. Ở các nước phát triển chính thị trường bảo hiểm là nơi cung cấp nguồn vốn chung, dài hạn rất quan trọng cho thị trường vốn. Hiện nay ở nước ta các công ty bảo hiểm đều hình thành các quỹ đầu tư, các công ty đầu tư và dùng nguồn bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ đó là nguồn cung cấp vốn dài. Chính vì vậy có những rủi ro rất lớn do cơ chế đầu tư từ hoạt động của các công ty bảo hiểm. Do đó tôi yêu cầu luật phải sửa đổi để hoàn thiện, vừa phát triển thị trường bảo hiểm nhưng phải bảo đảm tính bền vững của thị trường tài chính và an toàn cho người gửi bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ.

Thứ hai liên quan đến vấn đề có nên thiết lập quỹ bảo vệ người bảo hiểm hay không. Tôi ủng hộ giải trình của UBTVQH và Ban soạn thảo. Bởi vì bảo hiểm nhân thọ là bảo hiểm rất dài nên phải có quỹ này, nhất là các công ty nước ngoài hoạt động trên thị trường, nhất là bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Về hợp tác xã, nay mai sửa Luật Hợp tác xã trong đó khuyến khích các hợp tác xã nếu đủ điều kiện là lập các công ty bảo hiểm thì không có lý do gì mà một tổ chức kinh tế tập thể có đủ điều kiện làm bảo hiểm mà lại không cho. Theo tôi, vấn đề là quy định điều kiện, nếu “anh” có đủ điều kiện có thể tổ chức...

ĐBQH Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam): Các hợp tác xã có được tham gia kinh doanh bảo hiểm không? 

Đối với tái bảo hiểm bắt buộc, theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành có quy định trước khi tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động trong nước phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm cho doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm trong nước, cụ thể là Công ty tái bảo hiểm quốc gia. Tuy nhiên để phù hợp với các cam kết khi tham gia WTO cũng như cam kết trong Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ tôi thấy cần phải bỏ các quy định này. Tuy nhiên cũng cần phải có quy định về các tổ chức như tái bảo hiểm, đặc biệt doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, tổ chức nhận tái bảo hiểm của nước ngoài.

Về sửa đổi các quy định về hình thức doanh nghiệp, theo luật hiện hành có quy định 5 loại hình là doanh nghiệp bảo hiểm Nhà nước, công ty cổ phần bảo hiểm, công ty bảo hiểm tương hỗ, doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh và doanh nghiệp bảo hiểm 100% nước ngoài. Những loại hình này theo quy định cũ là phù hợp. Nhưng đến nay các quy định về các loại hình doanh nghiệp cũng đã khác, cho nên tôi nhất trí việc sửa đổi, bổ sung các quy định về các loại hình tổ chức kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp. Cụ thể có thể quy định ba loại hình là công ty cổ phần bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm và các tổ chức bảo hiểm tương hỗ…

Một vấn đề khác đó là các luật kinh tế nói chung cũng như Luật Hợp tác xã nói riêng xác định rất rõ là hợp tác xã là một tổ chức kinh tế và được hoạt động trong tất cả mọi lĩnh vực và ngành nghề. Vì vậy, để tạo điều kiện khuôn khổ pháp lý cho các loại hình hợp tác xã phát triển, tôi nhất trí như Ủy ban Kinh tế đã đề nghị trong báo cáo thẩm tra là nghiên cứu bổ sung quy định hợp tác xã kinh doanh bảo hiểm vào trong dự án luật, cụ thể trong Điều 59.

Minh Vân lược ghi