Cần cơ chế, chính sách vượt trội cho các khu kinh tế mở

Vũ Dũng thực hiện 14/10/2010 00:00

Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011 – 2020 nêu: “Lựa chọn một số địa bàn có lợi thế vượt trội, nhất là ven biển để hình thành một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển” và “ Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển”. Góp ý kiến về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược cho rằng, để các khu kinh tế này thực sự trở thành những đầu tàu phát triển thì cần có cơ chế chính sách vượt trội.

02-can-co-28710-300.jpg

- Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020 trình Đại hội XI sắp tới đã nêu một số quan điểm về phát triển kinh tế biển, hình thành một số khu kinh tế làm đầu tàu phát triển. Ông thấy định hướng này như thế nào?

- Đây là định hướng hoàn toàn đúng. Từ trước đến nay, chúng ta đã làm nhưng chưa làm được nhiều. Chúng ta đã lập ra được 15 khu kinh tế ven biển, nhưng thực tế đây chưa phải là khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do hay đặc khu kinh tế theo chuẩn mực hiện đại hiện nay. Lẽ ra, những khu này chủ yếu thu hút vốn FDI, tạo cửa mở cho nền kinh tế, tạo đà tăng trưởng thu hút các nguồn lực thế giới vào trong nước, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Nhưng hiện nay, các khu kinh tế này vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra.

Lý do chính là những khu này tuy là khu kinh tế mở, nhưng cơ chế hoạt động hầu như giống các khu công nghiệp. Có chính sách ưu đãi dành cho các khu kinh tế nhưng mới chỉ ở mức ngang bằng ưu đãi dành cho nhà đầu tư khi đầu tư vào những địa bàn khó khăn. Các loại thuế thì mức thuế ưu đãi cao nhất cũng mới chỉ bằng mức thuế ở các khu kinh tế cửa khẩu. Nghĩa là cơ chế, chính sách dành cho các khu kinh tế mở ven biển chưa thực sự nổi trội so với các khu kinh tế khác trong nước. Chính vì thế mà các khu kinh tế mở ven biển chưa đủ sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư FDI.

- Dự thảo Chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020 mới chỉ nêu quan điểm “hình thành các khu kinh tế ven biển” mà chưa xác định rõ đó là các khu kinh tế mở hay đặc khu kinh tế, thưa Ông?

- Gọi là khu kinh tế mở hay đặc khu kinh tế cũng không quan trọng lắm. Khu kinh tế tự do là từ chung nhất để chỉ cho các loại khu kinh tế này. Mức độ cao nhất của khu kinh tế tự do là đô thị quốc tế như ở Dubai, tức là mở ra cho 80 đến 90% người nước ngoài làm việc, đầu tư sản xuất ở đó. Nhưng có thể có những đặc khu kinh tế như Thâm Quyến của Trung Quốc, chủ yếu để thu hút người nước ngoài đến kinh doanh. Ngoài ra còn có hình thức là thành phố mở cửa như của Trung Quốc, với 14 thành phố. Hay các cảng tự do, khu thương mại tự do... Điều quan trọng là các khu kinh tế này phải có thể chế hiện đại và theo thông lệ quốc tế thì mới thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ chúng ta mở ở Miền Trung là nơi nghèo, địa lý, giao thông không phát triển, không phải vùng phát triển năng động. Trong khi các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng chưa có khu này. Miền Bắc có Khu kinh tế Đình Vũ Hải Phòng, nhưng cũng chỉ như khu công nghiệp. Như thế nên hiệu quả thấp, ít có các nhà đầu tư lớn của quốc tế đến đầu tư.

- Trong điều kiện cụ thể của nền kinh tế nước ta, có nhất thiết phải hình thành các khu kinh tế tự do như Ông vừa đề cập hay không?

- Tôi cho rằng nước ta nhất thiết phải có các khu kinh tế tự do. Tất cả những nước phát triển đều có các khu kinh tế tự do. Nước Mỹ có khoảng 145 khu, châu âu hàng trăm khu. Các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao như Trung Quốc, ấËn Độ cũng có rất nhiều khu kinh tế mở, đặc khu kinh tế. Nếu chúng ta không mở các khu kinh tế tự do thì vẫn có thể phát triển, nhưng đó sẽ là sự phát triển mang tính hướng nội, khó có thể thu hút được các nguồn lực bên ngoài. Một nước kém phát triển mà thiếu nguồn lực từ bên ngoài thì tốc độ phát triển sẽ kém đi.

- Theo Ông thì cơ chế, chính sách dành cho các khu kinh tế mở nên như thế nào? 

- Cơ chế chính sách về hành chính và kinh tế dành cho khu kinh tế mở phải vượt trội so với các khu kinh tế khác. Bộ máy điều hành các khu kinh tế này cũng phải khác. Hiện nay, các khu kinh tế mở đã được hình thành nhưng chưa khu nào có bộ máy hành chính, mà chỉ có Ban quản lý đặt dưới sự lãnh đạo của UBND tỉnh. Ban quản lý này không phải là cấp hành chính đủ quyền lực mà lệ thuộc vào UBND tỉnh. Việc giao cho UBND tỉnh điều hành là không phù hợp. Tính tự quản của các khu kinh tế này chưa có. Trong khi khu kinh tế tự do ở Hồng Kông, Thâm Quyến của Trung Quốc có tính tự quản rất cao. Đây là những hạn chế cần khắc phục sớm nếu muốn phát triển các khu kinh tế mở.

- Hiện nay, nước ta đã có 15 khu kinh tế mở, nhưng sức lan tỏa của các khu kinh tế này còn hạn chế. Theo Ông, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

- Địa điểm xây dựng các khu kinh tế mở của chúng ta chưa ổn. Các nhà đầu tư nước ngoài phải là người được lựa chọn địa điểm còn chúng ta chỉ giới thiệu địa điểm và phê duyệt dự án kinh doanh sẽ tốt hơn. Nếu chúng ta lựa chọn địa điểm, các nhà đầu tư nước ngoài không đến thì không thành công. Về cơ chế, cần lắng nghe đề xuất của các nhà đầu tư, trên cơ sở đó xem xét, điều chỉnh cho phù hợp. Các khu kinh tế mở hiện nay vẫn do chúng ta tự quyết định cả về cơ chế chính sách về địa điểm nên khó thu hút được vốn FDI, hoạt động kém hiệu quả nên sức lan tỏa không được như mong đợi.

Các Văn kiện Đại hội VII,VIII, IX và X, đều đề cập đến việc xây dựng đặc khu kinh tế hay khu kinh tế. Nhưng từ Văn kiện đến thực tế rất phức tạp. Để các khu kinh tế mở thực sự phát triển thì cần liên doanh với một số nhà đầu tư quốc tế, nhà đầu tư chiến lược, thành lập một vài khu kinh tế mở, với cơ chế chính sách đặc biệt. Nếu cơ chế chính sách dành cho các khu kinh tế mở của chúng ta không nổi trội hơn so với các khu kinh tế mở của các nước khác thì sẽ khó hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài. Việc xây dựng và phát triển các khu kinh tế mở thuộc diện làm thí điểm nên cũng có thể có những cơ chế, chính sách vượt trội mà không bị trái với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới.

- Xin cám ơn Ông!

Vũ Dũng thực hiện