Trong lúc ăn một bát phở Gia truyền (Phần 1)
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ

03/03/2010 00:00

>> Trong lúc ăn một bát phở Gia truyền (Phần cuối)

05-Trong-luc-6210-300.jpg

Đúng lúc thằng nhóc mặt đầy trứng cá vừa bóp nặn bung bét bê đặt trước mặt cô bát phở tái gầu, ngoài cửa, hai chiếc xe máy mới bóng màu sơn đỗ xịch. Bốn thanh niên, đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang dựng xe, tỉnh bơ, vênh váo đi thẳng vào bàn góc trong. "Ba nạm gân, một tái không hành, hai quẩy, bốn trà đá, tám trứng chần cả lòng trắng, bát hành tây giá sống riêng". "Có ngay". Chủ quán đang dán băng dính cầm máu khắp mặt, kết quả của cuộc tân trang sắc đẹp xăm lông mày tẩy nốt ruồi, hào hứng đáp. Liền đó là tiếng dao chặt trên thớt chan chát, tiếng đập bẹt những củ hành sống. Rồi những bát phở nghi ngút hơi thơm ngậy mùi mỡ bò ngang qua cô.

Cô vắt chanh, lấy thìa dấm tỏi thơm vị chua, vài lát ớt vàng, chút tương ớt cho màu sắc, bắt đầu ăn sợi phở nóng đầu tiên.

Phở Gia truyền này có từ thời Pháp. Ông chủ người Nam Định, kéo cả nhà lên Hà Nội lập nghiệp. Ông chết đã lâu. Con trai trưởng, con trai thứ tiếp quản Gia truyền cũng chết đã lâu. Nay là đời cháu. Sau mỗi một lần thay chủ, dù là người chính tộc, hương phở gốc lại một lần phôi pha. Ngày xưa. Ông già cẩn thận tự muối vài chục chum mắm chắt cá cơm để nấu nước dùng. Thịt bò tự tay chọn, không chỉ dẻo dính mà phải thơm. Miếng gầu luộc chín, cách mấy dãy phố nhà nào ăn cơm nước rau muống chay, vẫn như ăn miếng bò chín đậm đà hương luộc bằng nước mắm cốt. Bây giờ, bọn cháu ông bán thêm phở xào, phở tươi cuốn, bò cuốn pho mát hay cải xanh. Phở Bắc nhưng thả giá sống kèm hành tây.

Cô ăn phở ở đây từ bé. Trí nhớ tốt, nên mỗi đời đổi chủ, bát phở quen không chỉ thay từ bát men sứ sang bát nhựa cứng, mùi hương phở đậm cốt mắm chắt sang mùi hoa hòe, quế nướng, mà thay luôn cách phục vụ. Ngày xưa, từ ông chủ đến người chạy bàn thấy khách giống như gặp họ hàng xa, lịch sự ân cần thuộc tính từng người nếu đã ăn một lần. Hai năm sau quay lại, vẫn nhớ bác này nước trong, không hành, hay cô kia nhiều bánh, ít thịt. Giờ, nhân viên thuê dễ dãi miễn lương tháng rẻ. Rẻ thì luôn kèm theo sự bẩn, giọng điệu lời nói bỗ bã, coi khách đến ăn không khác ăn xin, ăn quỵt.

Biết là thế, nhưng cô vẫn tự thưởng cho mình mùi hương phở bò quen quen, góc phố quen quen mỗi sáng chủ nhật. Sáng duy nhất thong dong. Lát ăn xong, cô sẽ băng ngang đường, nơi ngã ba phố, dưới tán cây bàng lá đỏ mùa đông, vào "Héo hon cà phê". Nơi cô có thể ngắm xe máy ô tô vùn vụt lao qua trên bờ đê cao, có thể ngồi hàng giờ, chỉ để nhìn, để nghe trong hơi gió lạnh, thoảng mùi cà phê nồng ấm, mùi lá cây giập vỡ sau cơn mưa, mùi nhà ai kho cá, mặn đắng nước mắm, hay mùi bánh chuối rán bà béo gốc cây đa sát cổng đình.

Choảng.

Sau tiếng bát rơi, không vỡ, là mẹ mày, ăn uống lúc nào cũng hậu đậu.

Đang nhấm miếng gầu mỡ thái mỏng thơm ngậy, cô giật mình, quay sang.

Quán đã đông. Phía bát rơi là góc bốn thanh niên. Ăn nhiều thứ hỗn độn, trước mặt đến chục cái bát. Cốc trà đá la liệt. Thằng gạt tay rơi cái bát xuống đất, tỉnh bơ. Thằng bên cạnh nhặt, im lặng. Thằng chửi bậy là thằng không làm rơi, cũng không cúi nhặt. Phía khác. Hai ông bà già, quần áo trang trọng từ trong tới ngoài, cốt cách ngay ngắn như đang tiếp khách ngoại giao chứ không phải ngự nơi hàng phở. Bà vợ lịch sự khều từng sợi phở như sợ bánh phở đau. Ông chồng thì nhấm củ hành với chén rượu. Nhìn vu vơ, nhưng tâm trạng. Phía khuất nhất, là một người đàn ông râu rậm, mặt lì, cắm cúi nhai.

Tất cả đều nhìn cô ẩn chứa điều gì. Trừ bàn của bốn thanh niên ăn uống ồn ào. Nếu là người quen, gặp ánh mắt kiểu này là đọc được họ muốn nói gì. Nhưng là người lạ, nên cô chịu. Nhưng dứt khoát là họ muốn nói điều gì đó. Bà già còn vờ kéo sợi phở vào miệng, hất hất cái đầu ra hiệu. Khi cô chăm chú nhìn, bà lại cúi xuống, tỉnh bơ. Người đàn ông rậm râu cũng nhìn cô chăm chú. Đôi mắt đen, sâu như xoáy xuyên vào ruột, nhưng không thể hiểu ông ta muốn gì. Cô lại cúi xuống ăn. Dấm và chanh cộng tương ớt, cho vào bát không nhiều, nhưng để lâu thành chua. Miếng phở trong miệng không còn thơm ngọt và thấm thía qua lưỡi. Có cảm giác bất an, cô ngẩng lên. Lần này thì bà già không e dè, lấp ló nhìn cô qua sợi phở nữa, mà là hất hất mặt ra hiệu. Vòng hất của bà rất cụ thể như sau: hất cái một, về phía bốn thằng thanh niên bặm trợn. Hất veo cái thứ hai quyết liệt hơn, vào cái túi da khá to của cô để trên chiếc ghế cách người khá xa. Hất cái thứ ba, ánh mắt xuyên thấu sắc lẹm, lời nhắn: "Cất ngay cái túi đi"

Cô lạnh người. Không kịp gật đầu đáp lễ thì bà già đã duyên dáng trở lại, cúi xuống tiếp tục khều những sợi phở, như không có ba cú ra lệnh vừa rồi. Tự gồng mình che giấu từng cơn run đang chạy khắp người, cô lấy chân, kéo cái ghế lại gần, chợt thấy cái túi to thật. Một hộp trang điểm. Hai tuýp kem. Một bôi tay, một bôi cổ dưỡng da mùa đông. Cuốn truyện đọc dở, định sang "Héo hon cà phê" đọc nốt. Vài cái đồ lặt vặt. Tiền chắc không đến một triệu. Nhưng đúng là cái túi rất to, bằng da thật, nên không thể nghĩ trong đó lỉnh kỉnh những thứ vô giá trị.

Bát phở chua loét. Cô ăn cố, vẫn còn một nửa.

Ngoài cửa. Một chiếc xe thùng đỗ xịch. Bên thành xe, là những ngọn lửa đỏ chót, nhảy múa giữa dòng chữ "Bà Hỏa đã đến". Nhảy phốc từ thùng xe xuống một thanh niên cao, gầy bụng mỏng lép, tóc cợp gáy, tay xách cái cân bàn to, đặt xuống sát đuôi ô tô. Trên thùng xe, còn hai thằng, tóc cũng dài, người cũng gầy. Chúng hoạt động như rô bốt điều khiển, rất uyển chuyển, nhịp nhàng. Thả ba cái bình ga cao bằng đầu người xuống ầm ầm. Chúng hô hét bà chủ băng dán linh tinh trên mặt ra mà nhìn cân. Bà chủ đang đếm tiền lẻ, chổng mông quần đính đầy đá lấp lánh xanh đỏ lên quát lại "Để bố mày tìm cái sổ ghi lần trước đã. Cân chúng mày điêu bỏ mẹ, lần nào cũng hao". "Thế thì bố lấy cân nhà bố ra đi cho nó chắc. Bọn tôi cũng chỉ là cái thằng chở đến, thay lắp. Chẳng may nổ cụ nó cái bình nhà hỏa này, chúng tôi thành vịt quay Bắc Kinh, chứ chủ nó ở nhà vểnh râu xem vô tuyến". "Thì tao nói để chúng mày nhìn cân cho kỹ, chứ có phạt chúng mày đâu mà đã cãi. Tao nói chưa xong chúng mày đã cãi xong thế là thế nào". "Gớm, hôm nay trông bố gớm quá. Đàn bà con gái lại cứ thích làm bố mới akay chứ". Hai bên chan chát qua lại, nghe thì như sắp có đánh nhau, nhưng miệng ai cũng toét ra cười. Gần đấy. Bếp ga lửa phun phừn phựt. Thằng bếp chính mặt cũng đầy mụn, mặc áo trắng nấu bếp toàn thân ố vàng màu phẩm đang xào đĩa phở cho một thằng nhóc liếm mép nuốt nước bọt nhìn chằm chằm đợi. Tay đeo găng dày, cầm một bên cán chảo điệu nghệ như múa. Hất bánh phở tung lên cao rồi hứng dưới, đặt vào quầng lửa ngùn ngụt bao quanh, liếm cả vào trong lòng chảo. Hất. Hạ. Hất. Hạ. Một màn tung hứng xiếc điêu luyện. Ba bình ga to được vần vào gần khu nấu nướng. Những ngọn lửa nhảy nhót liếm quanh chiếc chảo mỡ. Thỉnh thoảng gió tạt phải, lửa lượn sang phải. Gió tạt trái, lửa phần phần hắt sang phía mấy bình ga.

Mắt cô bùng sáng ánh lửa đỏ của bình ga bắt cháy. Cột lửa lúc ấy chắc cao bằng tòa nhà bốn tầng bên cạnh, kèm theo một tiếng bom phá. Những người trong quán phở này, kèm khu vực xung quanh bán kính một kilômét, và cô, sẽ bay vút thẳng lên trời, mỗi người là một ngọn đuốc, hai chân vẫy vẫy bay. Điểm rơi chắc ở Ba Vì, mắc trên những ngọn cây.

Đang miên man nghĩ, nếu mình bay đến núi Ba Vì, cô chợt giật mình về thực tại. Bình ga cao to chưa nổ. Cô chưa thành ngọn đuốc để được bắn đến nơi cô thích là Ba Vì. Mấy thằng chở ga chưa thành vịt quay Bắc Kinh. Tiếng bà cụ lịch sự hét thất thanh "Các cháu ơi, không đùa với lửa được. Phải đẩy mấy bình ga mới ra xa bếp ngay. Nguy hiểm quá". "Gớm. Bà già sợ chết quá đấy. Thanh niên trai tráng chưa vợ con đây còn chẳng tiếc, bà thế kia thì tiếc cái gì. Nổ được nó đã nổ rồi. Cứ chén ngon đi, chết khó lắm bà ơi". Thằng nhóc tung hứng chảo phở xào đáp lại chan chát.

Mặt bà cụ xanh lét. Ông cụ thất thần, dáng xiêu vẹo. Chân bà đá vào chân ông. Hai người bỏ dở những thứ đang ăn, đứng dậy. Mắt họ nhìn ánh lửa, thêm sự phản chiếu của mấy bình ga đỏ, mặt chuyển màu cam. Bà cụ không chọn lối đi thẳng, để ra đường ngay theo ông, tiến sang phía cô. Thật nhanh, bà ghé xuống nhặt một cái tăm ở cái ống đũa, trước mặt cô: "Cẩn thận cái túi. Bốn thằng kia là cướp. Chúng có dao trong túi áo". Bà nói nhanh, đi như lướt ra đường, mặt tỉnh bơ như thám tử tư chuyên nghiệp. Từ sống lưng, như có một luồng hơi nóng chạy qua. Rất nhanh, sức nóng tỏa lên mặt, và các chân tóc. Thoáng chốc, cô sũng mồ hôi.

Cả quán phở, một mình cô có túi. Bốn thằng kia ăn mãi không xong. Giờ cô mới để ý, chúng mặc áo choàng dài gần đầu gối. Hai xe máy không biển số. Thằng nào khi vào cũng có đeo khẩu trang. Thôi đúng là cướp rồi. Cô có đọc trên báo, dạo này, cướp hay đi xe không biển số, đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang che mặt. Vũ khí chúng dùng là dao, kiếm hay súng tự chế. Những thứ chúng cướp là xe máy, túi xách, điện thoại di động, máy tính xách tay, dây chuyền… Và nếu đối tượng chống cự, sẽ chém dằn mặt hoặc là bắn phi tang.

(Số sau đăng hết)