Tàu Noah lưu dấu nơi nao?

Đăng Bẩy 17/12/2008 00:00

Mặc dù gặp những trắc trở khôn lường, nhà leo núi Vladimir Shataev đã khảo sát được hai điểm nghi là bến đỗ của con tàu Noah. Ảnh của ông chụp lúc hiện trường có nắng và rất ít tuyết khiến ít ai tin vào giả thuyết của người Mỹ dựa vào những bức ảnh chụp từ vệ tinh được CIA công bố. Ảnh chụp từ vệ tinh không thấy được dấu vết gì ở sườn tây bắc Ararat.

      Theo Sáng Thế ký, Chúa Trời phán cho Noah đóng chiếc tàu ba tầng, ngăn từng phòng, bằng một thứ gỗ có nhựa chai, bề dài ba trăm thước, bề ngang năm mươi thước, chiều cao ba mươi thước, mở năm cửa sổ cao một thước và một cửa ngách. Sau khi giao ước, Noah được đưa lên tàu vợ, con đẻ và con dâu cùng vạn vật, nhưng mỗi loài chỉ mang một con đực một con cái, nhờ đó mà sống sót qua cơn đại hồng thủy. Đến lúc Chúa Trời cho nước rút, vào tháng bảy ngày mười bảy thì con tàu dạt lên núi Ararat. Nước cứ dần dần hạ cho đến tháng mười; Ngày mồng một, mấy đỉnh núi mới lộ ra... 
      69 tuổi, 7 lần lên núi thám hiểm
      Nhà leo núi huyền thoại Vladimir Shataev 69 tuổi, Chủ tịch Hội các Nhà leo núi Liên bang Nga, đã tiến hành 7 chuyến thám hiểm dãy núi Ararat mong tìm dấu tích của con tàu Noah. Năm 2004, mặc dù một cánh của đoàn thám hiểm Nga không được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho phép, nhưng cánh của ông cùng Igor Yakovlev vẫn thực hiện được cuộc khảo sát sườn núi phía đông. Họ đã kiểm tra được tin đồn rằng một tu sỹ tên là Nauma ở Serghieva Posada hồi tháng 10.1942 đã phát hiện được con tàu Noah ở sườn phía đông dãy Ararat, thậm chí đã chui được vào đó (?) Nhưng đến đúng tọa độ đã chỉ, hai nhà leo núi đã... chẳng thấy gì.
Mùa leo núi năm 2005, Shataev lại có chuyến thám hiểm lên Ararat trong đội hình quốc tế mang tên "Leo núi 2005", gồm 6 người, trong đó có nhà leo núi Andrei Alexandrov từng lên tới đỉnh Everest và Vartan Vardanian từng hai lần thám hiểm Ararat. 
      Những sự cố khôn lường
      Theo lẽ thường tình, các nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra kỹ lưỡng từng nhân sự (đặc biệt là người Armenia bên kia dãy núi và người Nga) đăng ký khảo sát sườn tây Ararat thuộc lãnh thổ của họ. Bất cứ một đoàn thám hiểm nước ngoài nào lên dãy Ararat cũng được đặt dưới sự bảo vệ của lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ở mọi lúc, mọi nơi. Liên đoàn Leo núi Thổ Nhĩ Kỳ chỉ phát giấy mời cho 2 người, nên phải qua thỏa thuận, phía Nga mới được chấp nhận đi đủ đội hình. Họ bay tuyến Moskva – Istanbul – Van, nhưng xuống sân bay vẫn gặp trục trặc về hành lý, phải chờ. Nhân dịp đó các nhà thám hiểm Nga tranh thủ đến tu viện nổi tiếng Akdamar (vốn là thủ phủ của Hội đồng Nguyên lão Armenia trong thời kỳ đầu tiên kể từ khi Công giáo được truyền bá), thấy tu viện này đang được phía Thổ Nhĩ Kỳ chủ động trùng tu và bảo vệ ngặt nghèo, cấm lại gần quay phim chụp ảnh. Một ngày một đêm sau, họ nhận được hành lý và bắt taxi đi Doubejazit, nhưng chỉ chạy được 40 phút, xe hỏng, mất hàng giờ thay bánh xe vẫn không chạy được – đó là sự cố thứ hai.
      Sự cố thứ ba không tránh khỏi: đến Doubejazit, khi làm thủ tục mới phát hiện bản danh sách Đoàn thám hiểm Nga ghi không đủ tên 6 người, thiếu nhà du lịch nổi tiếng. Mời được Chủ tịch Liên đoàn Leo núi Thổ Nhĩ Kỳ đến, sau một hồi tranh cãi và liên lạc về nước, rốt cuộc, các nhà leo núi Nga bị gạt ra ngoài chuyến thám hiểm quốc tế. 
      Phiêu lưu trong xứ sở người Kurd
      Họ liên hệ với người Kurd có hãng du lịch riêng tổ chức tour lên Ararat, nhờ đó cả đoàn lên xe tới làng Elly ở độ cao 2.000 mét rồi được cấp ngựa và người dẫn đường, đi như những khách du lịch bình thường. Đi theo kiểu này rất khó, không thể đúng lộ trình của đoàn thám hiểm quốc tế bởi người Kurd dẫn đường phải luôn luôn tránh né nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ. Rốt cuộc, phải chậm mất đôi ngày, thậm chí đành bỏ lỡ cả vé máy bay chuyến về, đoàn thám hiểm Nga mới lên được tới độ cao 4.200 mét sau khi đoàn thám hiểm quốc tế đã rút xuống được một ngày. 

      Tới đây, đỉnh Ararat đã ở trong tầm tay. Chờ đến 2 giờ sáng, đoàn thám hiểm Nga bắt đầu leo tiếp, may được ngày tạnh ráo. Muốn đến chỗ con tàu Noah, phải hỏi thăm người Kurd. Một tu sỹ kể vòng vèo, nghe đâu phải tới độ cao 4.900-5.000 mét. Hai bên tranh luận và thỏa thuận đến khuya, rốt cuộc, vị tu sỹ người Kurd nhượng bộ: "Xét nguyện vọng của các ông, tôi sẽ cử một người đã tận mắt trông thấy con tàu Noah đưa đường". Nghe đâu cả vùng này mới chỉ có hai người biết chỗ con tàu Noah, một người không thuộc dân trong vùng, còn người kia gần đây. Khi bàn bạc, vị tu sỹ người Kurd vẽ ra một mảnh giấy ăn phác đồ đường đi, nhưng vò nát ngay và quẳng vào sọt rồi nói một cách bí hiểm: "Có hai người Mỹ đã đến được chỗ con tàu Noah, nhưng rồi cả hai người đều bị giết đấy". Thỏa thuận giá cả chán chê, nhưng sáng hôm sau thì người dẫn đường nọ viện cớ từ chối. Hai ông Shataev và Yakovlev quyết định trở lại tìm chỗ đậu của con tàu Noah, để bốn người kia về nước trước. Hai người quyết định đi theo hướng ngược với tin đồn của tu sỹ Nauma, nhằm hướng khe Akhor ở sườn tây bắc dãy Ararat. Họ chiêu mộ được hai chú bé dẫn đường và thuê một con lừa với giá 20 USD để chở đồ, nhưng lạ thay, đi được 500 mét, con lừa cứ đứng như chôn chân tại chỗ. Đến đây đã có thể nhận ra lờ mờ một lối mòn chứng tỏ vẫn có người qua lại chốn này, hai người quyết định nghỉ để sáng hôm sau tiếp tục thám hiểm.
      Lưu dấu nơi nào...
      Hôm sau, Yakovlev bị mệt, Shataev một mình trèo lên. Đó là ở khoảng độ cao 3.000 mét. Sau một đêm mưa, những đỉnh núi phủ khá nhiều tuyết, Shataaev đã đến được một chốn đóng đầy băng chưa hề lưu dấu chân người và một mình không thể tiến lên một chút nào nữa. "Tôi lấy ống nhòm ra: hình như xuất hiện bóng dáng một con tàu như trong một số hình vẽ, duy có điều bên trên nó trông khá phẳng phiu. Trong tôi lóe lên một tia hy vọng. Cách đó không xa còn một chỗ nữa từa tựa một chiếc máng khổng lồ, bên trong không rõ là tuyết hay là băng. Tôi lưu được khung cảnh này trong máy ảnh và về ngắm rất kỹ, thấy có gì đó giúp ta mường tượng ra phần mũi của con tàu...". Tất cả những người theo quan điểm này xem bức ảnh đều coi đấy là phần mũi của con tàu đã bị tách rời ra và trượt xuống đó. Chính đấy là chỗ hai người Kurd nọ đã chỉ...
      Nhưng Shataev kể tiếp: "Hôm đó trời đầy mây, tôi trở xuống với Igor Yakovlev kể lại sự tình và bàn cách khảo sát tiếp. Đêm đó, trời mưa rất to, sáng ra mưa tạnh nhưng đầy mây mù, không nhìn thấy gì cả. Tôi nai nịt xong, lên đường tới đúng chỗ cũ, rẽ chếch sang bên phải và trèo lên một mái đá, hành trình rất cheo leo. Lên đến độ cao 3.500 mét, chờ đến 2 tiếng đồng hồ mà mây mù vẫn chưa chịu tan, tôi đành phải tụt xuống. Lúc này, tầm nhìn xa chỉ không quá mươi mét, lối đi cũ đã hoàn toàn đổi khác, như vừa thình lình mọc lên những vách đá mới, những mỏm đá mới, khác hẳn lúc sáng. Tất cả chìm trong màu trắng, tuyết đổ không ngừng, đầy những quả cầu bằng băng nằm lăn lóc đây đó. Có lẽ cả năm thời tiết chỉ diễn ra như thế một lần. Tôi đã nuôi hy vọng rằng có một cái gì đó đặc biệt, nhưng vỡ lẽ ra tất cả chỉ là băng tuyết, những tảng băng có vết lõm rất to và sâu. Chỗ thứ hai cũng là một kỳ quan của thiên nhiên. Tôi đi đến kết luận rằng ở chỗ này không có khả năng tìm ra con tàu Noah. Trở về trao đổi với Igor, ông ấy cũng tin rằng nên đi đến điểm mà tu sỹ nọ đã chỉ... Quan điểm của tôi là nếu như con tàu Noah tồn tại thì nó phải nằm ở khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt căn cứ quân sự hiện nay, mà nơi ấy thì, đương nhiên, chẳng người ngoài nào lọt vào được. Đấy là vùng nằm giữa Đại Ararat và Tiểu Ararat”. Ông dự tính rằng để khảo sát địa điểm nghi là con tàu Noah đã tấp vào, cần phải có một đội ngũ các nhà chuyên nghiệp và chuyến thám hiểm đòi hỏi thời gian ít nhất là hai tuần.
      Xét về độ tuổi của con tàu và vô vàn thay đổi địa chất địa hình qua hơn hai chục thế kỷ, rõ ràng, cuộc tìm kiếm dấu tích con tàu Noah chỉ có thể thành công nhờ khảo sát trực tiếp. Nhưng muốn thế, phải thỏa mãn tối thiểu ba điều kiện: thứ nhất - được sự tán đồng chính thức của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đối với những công việc cần làm; Thứ hai - những ý đồ trong sáng và những trái tim rộng mở; Và thứ ba thì... chẳng ai biết nữa, ngoài ý Chúa! Tất cả những người tin vào Thánh tích và đang tìm con tàu Noah đều hiểu rõ rằng: bí mật chỉ được hé mở vào khi nào Chúa muốn.

Đăng Bẩy