"OPEC khí đốt" - ý tưởng và hiện thực
Dù chưa chính thức ra đời, song "OPEC khí đốt" là giải pháp mà giới phân tích phải tốn khá nhiều giấy mực khi đề cập đến. Kế hoạch này được đề ra tại Tehran ngày 21.10 vừa qua, khi ba nước trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) là Nga, Iran và Qatar quyết định phối hợp hành động trong lĩnh vực xuất khẩu khí đốt. Những lợi ích và bất cập của một tổ chức kiểu này đang thu hút sự chú ý của nhiều nước, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

Về hình thức, "OPEC khí đốt" sẽ chính thức ra đời vào ngày 18.11, khi Moscow tổ chức Hội nghị các nước xuất khẩu khí đốt. Ý tưởng thành lập "OPEC khí đốt" để kiểm soát gần 55% trữ lượng khí đốt thế giới và áp đặt giá bán khí đốt, lần đầu tiên được nêu ra hồi cuối năm ngoái tại cuộc gặp lãnh tụ tinh thần Iran Ali Khamenei và Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Igor Ivanov. Nhưng do sự phản đối quyết liệt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), ban lãnh đạo Nga đã không ủng hộ ý tưởng này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc thành lập một "OPEC khí đốt" được coi là cần thiết và không có ảnh hưởng nhiều như OPEC. Chiếm hơn 1/2 trữ lượng khí đốt của thế giới nên việc ba nước trên đứng ra thành lập "OPEC" khí đốt là việc không mấy khó khăn. Người đứng đầu Tập đoàn công nghiệp khí đốt Nga "Gazprom" Aleksey Miller tuyên bố: "Ba nước đã thỏa thuận thành lập Ủy ban kỹ thuật với nhiệm vụ thảo luận những dự án được thực hiện trên cơ sở ba bên và thỏa thuận hợp tác khi ký kết các hợp đồng xuất khẩu khí đốt".
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong tổng trữ lượng khí đốt thế giới (khoảng 150,2 nghìn tỷ m3), Nga chiếm vị trí số một với 48 nghìn tỷ, Iran xếp thứ hai với gần 23 nghìn tỷ và Qatar đứng thứ ba với hơn 11 nghìn tỷ m3. Khác với dầu mỏ, khí đốt chủ yếu được vận chuyển qua đường ống dẫn và các bên trước tiên phải ký hợp đồng dài hạn về mua- bán khí đốt. Ngoại lệ chỉ có khí đốt hóa lỏng là có thể vận chuyển khắp thế giới như dầu mỏ. Nhưng khí đốt hóa lỏng hiện chiếm dưới 10% và để hóa lỏng khí đốt, cần phải xây dựng các nhà máy với chi phí cao. Ba nước Nga, Iran và Qatar không dễ dàng khi phối hợp hành động trên thị trường khí đốt vì Nga chủ yếu xuất khí đốt theo đường ống dẫn với thời hạn các hợp đồng đã ký tới năm 2030-2040, trong khi Qatar xuất khẩu khí đốt hóa lỏng là chính và Iran đang phải nhập khẩu khí đốt. Một yếu tố quan trọng cần phải tính đến là cho đến nay, các nước xuất khẩu khí đốt hàng đầu thế giới như Algeria và Venezuela chưa tỏ ý ủng hộ ý tưởng thành lập "OPEC khí đốt".
Tất nhiên, việc thực hiện ý tưởng thành lập "OPEC khí đốt" không tránh khỏi những khó khăn. Nga và Iran vẫn bất đồng quan điểm khi xác định Điều lệ của tổ chức mới. Tehran muốn "OPEC khí đốt" lặp lại mô hình của OPEC trong khi Moscow chỉ muốn đó là "Tổ chức quốc tế kiểm soát giá và hợp tác xây dựng các đường ống dẫn mới". Vấn đề đặt trụ sở của "OPEC khí đốt" cũng gây tranh cãi giữa Nga, Qatar và Iran vì cả ba nước này đều muốn đặt trụ sở tại thủ đô nước mình. Phía Nga đề xuất "phương án nhượng bộ chọn thành phố Sug của Thụy Sĩ làm nơi đặt "đại bản doanh" của "OPEC khí đốt". Nếu mọi chuyện được thu xếp ổn thỏa và "OPEC khí đốt" có thể ra đời vào cuối tháng 11 tới thì cần có các thành viên mới như Algeria, Indonesia, Libya, Malaysia, Ai Cập, Venezuela...
Triển vọng về một liên minh khí đốt đã tạo ra những mối quan ngại của EU và Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) cho biết sẽ cực lực phản đối việc thành lập liên minh. Các chuyên gia cho rằng mặc dù một liên minh về khí đốt giống như mô hình OPEC sẽ không có nhiều ảnh hưởng lên giá cả như là của OPEC đối với dầu lửa, nhưng lại đem lại những lợi ích to lớn cho những nước xuất khẩu. Một liên minh như vậy sẽ giúp ba nước Nga, Iran và Qatar có ảnh hưởng hơn trong việc đưa ra giá cả mặt hàng khí đốt trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á. Ngoài ra, điều này còn dự báo một tương lai mà các nguồn cung cấp dầu khí toàn cầu sẽ trở nên khan hiếm và đắt đỏ hơn.
Thông tin liên quan đến "OPEC khí đốt" có thể khiến các nước tiêu thụ ở Tây Âu lo ngại và buộc họ phải hoạch định một chính sách năng lượng thống nhất. Nhưng sau vụ xung đột vũ trang tại Nam Ossetia, EU quyết định bằng mọi cách phải đa dạng hóa các nguồn cung ứng năng lượng, do vậy, "OPEC khí đốt" có ra đời cũng không thể gây được ảnh hưởng và quyền lực to lớn như OPEC vốn đã tồn tại từ lâu.