4 ngành học khát nhân lực

Minh Hiếu 30/06/2008 00:00

Tài chính, Ngân hàng, Y tế, Đóng tàu là 4 ngành luôn ở tình trạng khát nhân lực, bởi nguồn cung nhân lực chỉ đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu. Theo các chuyên gia giáo dục, đây là những ngành mà thí sinh nếu thi vào sẽ có cơ hội việc làm tốt nhất trong vòng 10 năm tới. Đa số sinh viên học các ngành này ra trường đều có việc làm ngay.

      Cùng với sự phát triển mạnh mẽ để bắt nhịp cùng với xu thế hội nhập của nền kinh tế đất nước, vấn đề nhân lực đang trở thành thách thức lớn đối với các nhà đào tạo và các tổ chức tài chính, ngân hàng hiện nay. Còn Ngành đóng tàu - một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh (30-50%/năm) - đang thiếu nhân lực ở mọi trình độ, từ công nhân kỹ thuật đến đội ngũ cán bộ có trình độ. Đối với ngành y tế, 15 năm qua, tốc độ tăng số cán bộ y tế khá chậm, tính đến nay cả nước chỉ có khoảng 31 cán bộ y tế/1 vạn dân so với năm 1992 là 26,4 cán bộ y tế/1 vạn dân. 
      Mỗi ngân hàng cần 15.000 nhân viên/năm
      Mặc dù số sinh viên theo học Ngành tài chính, ngân hàng, cả chính quy và không chính quy năm 2006-2007 chiếm 29,05% trong tổng số trên 14 triệu sinh viên. Nhưng theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, trong 10 năm tới, ngành này sẽ luôn trong tình trạng khát nhân lực. Kết quả đánh giá về chỉ số nhân lực của Công ty tư vấn Navigos cho thấy, nhu cầu nhân lực kế toán, tài chính ngân hàng của ngành ngân hàng năm 2007 tăng gần 400% và sẽ còn tiếp tục tăng nhanh trong các năm tới.
      Theo dự báo của Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh, đến năm 2010 nhu cầu nguồn nhân lực của các lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, kiểm toán và thẩm định giá khoảng 13.500 người, tăng khoảng 300% so với hiện nay. Trong đó, lĩnh vực chứng khoán cần tới 5.000 người, tăng trên 500% so với hiện nay. Nhu cầu nhân lực đối với ngành kiểm toán đứng thứ hai với tốc độ tăng 103% so với hiện nay (khoảng 3.000 người). Lĩnh vực thẩm định giá cũng được dự báo cần tới 500 người, tăng 20% so với hiện nay.
      Đối với Ngành ngân hàng, tổng nhân sự được tính toán thiếu khoảng 30.000 người. Trong khi đó, tổng số sinh viên ngành này đào tạo mỗi năm chỉ chiếm khoảng 1/3. Tính trung bình, mỗi năm các ngân hàng cần khoảng 15.000 nhân viên tốt nghiệp đại học, nhưng các cơ sở chỉ đáp ứng được khoảng 11.000 sinh viên. Như vậy, cứ 1 sinh viên ngành tài chính, ngân hàng tốt nghiếp sẽ có ít nhất 4 ngân hàng chào đón. 
      Đóng tàu: Cung đáp ứng 50% cầu
      Hiện nay, Việt Nam nằm trong tốp 4 nước dẫn đầu châu Á và tốp 10 nước có số lượng tàu đóng mới và tải trọng lớn trên thế giới. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, từ nay đến 2015, tốc độ tăng trưởng nhân lực ngành đóng tàu tại Việt Nam bình quân sẽ là 10.000- 15.000 người/năm. Trong khi quy mô đào tạo hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 40- 60% nhu cầu. Số lượng đào tạo cho ngành này hàng năm, tính cả các cơ sở đào tạo từ bậc trung cấp nghề đến ĐH, CĐ, mới chỉ cung cấp được khoảng 600-700 kỹ sư và khoảng 2.000 – 3.000 công nhân thuộc các ngành nghề gắn liền với công nghiệp đóng tàu. 
      Hiện nay cả nước có hơn 5.700 sinh viên đang theo học hệ chính quy thuộc 6 trường ĐH, CĐ có đào tạo Ngành đóng tàu. Các DN đóng tàu khẳng định họ sẵn sàng đón nhận ngay lập tức các sinh viên tốt nghiệp ngành này vào làm việc. Theo các chuyên gia giáo dục, ngành đóng tàu không phải là ngành học có yêu cầu điểm chuẩn đầu vào cao hay quá cao như Ngành tài chính, ngân hàng và y tế. Chỉ cần đạt 7 điểm/môn thì đỗ vào ngành học này gần như là cơ hội trong tầm tay.
      Ngành y tế trước thách thức thiếu hụt nhân lực
      Theo tính toán của Bộ Y tế, tính chung đến nay, cả nước chỉ có khoảng 0,2 dược sỹ/1 vạn dân, một tỷ lệ quá thấp so với mục tiêu trong “Chiến lược phát triển ngành dược tới năm 2010” là 1,5 dược sỹ/1 vạn dân. Đối với ngành y tế, Vụ trưởng Vụ Khoa học đào tạo, Bộ Y tế Trương Việt Dũng nhận định, trong thời gian tới khu vực y tế công lập có khả năng sẽ phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực, giống tình trạng thiếu hụt nhân lực dược hiện nay. Ngành y tế sẽ rất cần đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên sâu ở các chuyên ngành khác nhau: BS chuyên khoa, dược, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Ngành y tế dự tính đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD cho công tác đào tạo nhằm đáp ứng nhân lực của ngành trong giai đoạn 2010-2020. Quy mô đào tạo của các trường y dược sẽ tăng từ 24.000 sinh viên/năm lên 28.500 sinh viênh/năm vào năm 2015; 36.000 sinh viên/năm vào năm 2020. Đến năm 2020, tất cả địa phương đều có trường đào tạo cán bộ y tế từ trung cấp trở lên, trong đó đó 80% số tỉnh có trường cao đẳng y tế. Ngành y tế cũng đẩy mạnh việc tăng cường đào tạo sinh viên y tế ở các trường ngoài công lập, mục tiêu sẽ tăng từ 5% năm 2015 đến 20% vào năm 2020.
      Chính vì thế, theo các chuyên gia giáo dục, nhiều khả năng điểm chuẩn của các trường y sẽ không ở ngưỡng chót vót và sẽ giảm dần trong thời điểm từ nay đến năm 2020.

Minh Hiếu