Tủ sách cổ điển: Những tên cướp

22/02/2008 00:00

Đây là vở kịch đầu tay của nhà văn Đức Friedrich Schiller, mở đầu loạt vở kịch lên án chế độ phong kiến của ông. Tác phẩm được viết trong những năm tác giả đang học Đại học Y.

      Cac Mo và Phranx Mo là hai anh em ruột trong một gia đình quý tộc. Cac, một thanh niên phóng khoáng, sôi nổi và thẳng thắn, được bố cho đi học đại học; Còn Phranx là một kẻ thâm hiểm, ti tiện và gian ác, ở nhà trông nom trang trại. Từ lâu hắn đã có ý định cướp người yêu của anh và độc chiếm toàn bộ gia tài bố sẽ để lại. Hắn viết thư báo cho Cac biết bố đã từ bỏ chàng, vì nghe tin chàng không chuyên cần học tập mà chỉ ăn chơi đàng điếm. Bất mãn với thời cuộc, với hoàn cảnh xã hội, lại bị bố ruồng bỏ, Cac thôi học, rủ một số bạn thân vào rừng làm cướp. Chàng quyết trả thù xã hội, trừng phạt bọn quý tộc, cha cố và phú thương, những kẻ chà đạp lên quyền sống của con người. Và chàng luôn tìm cách cứu giúp những người cùng khổ, phân phát cho họ những của đã cướp được của bọn bóc lột. Bị bọn phong kiến thống trị truy nã, Cac trốn về quê nhà. Chàng được tin Phranx đã cướp người yêu của chàng, lại còn giam bố vào một hầm nhà định bỏ cha chết đói để chiếm đoạt gia sản. Chàng định bắt Phranx để xử tội nhưng hắn sợ hãi đã tự tử. Cuối cùng Cac phản bội lời thề suốt đời trung thành với nhóm cướp, từ bỏ bạn bè, tìm đến nộp mình Tòa án.
      Schiller đã sử dụng motip “gã kẻ cướp cao quý” rất thịnh hành trong văn học thế kỷ XVIII. Cac Mo thuộc vào hệ thống hình tượng nhân vật thanh niên nổi loạn tiêu biểu của văn học trong phong trào Bão táp và Xung kích, với đặc điểm, tính cách nổi bật là căm thù bọn vua chúa quan lại, chán ghét lối học tập kinh viện xa thực tế, khao khát tự do cá nhân, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi tình yêu và tình bạn. Tuy Schiller sử dụng chất liệu quen thuộc của các tác giả khác về sự hiềm khích giữa anh em một nhà, nhưng ông không dừng lại ở việc biểu hiện xung đột gia đình mà dùng chất liệu đó để phản ánh một hiện thực xã hội. Cac và Phranx Mo không chỉ là những anh em thù địch nhau mà còn là đại diện cho những lực lượng xã hội đối kháng. Phranx là hiện thân của giai cấp quý tộc phản động và đồi trụy, một kẻ coi “màu tái nhợt vì nghèo đói và khiếp sợ là màu đẹp nhất”. Cac, trái lại, đại biểu cho khát vọng tự do của nhân dân lao động, luôn luôn nói những lời nồng cháy kết tội chế độ phong kiến, lên án cái “thế kỷ ố mực” mà chàng đang sống. Chàng nổi loạn, làm cướp, muốn lật đổ cái chế độ xã hội lỗi thời ấy. Là một người sùng bái tư tưởng của Ruxô, chàng muốn cải tạo cái xã hội mục ruỗng đó thành một xã hội công bằng, “hợp lẽ tự nhiên”. Nhưng cuối cùng, Cac Mo đã thất bại. Qua việc để cho nhân vật ra đầu hàng pháp luật phong kiến, tác giả có ý phê phán phong trào Bão táp và Xung kích. Cách nổi loạn vô chính phủ mà phong trào này ca ngợi không thể lật đổ được chế độ phong kiến.

Đỗ Ngoạn