Mozart của toán học

30/05/2007 00:00

Chỉ số IQ 220, bắt đầu học chữ từ năm lên 2 tuổi, học toán đại học lúc 9 tuổi, và được phong giáo sư khi mới chỉ tròn 24 tuổi. Đó là những nét sơ qua về Terence Tao, người vừa được đưa vào danh sách bình chọn nhân vật tiêu biểu của nước Úc năm 2007.

      Mùa hè năm 1975, gia đình bác sĩ David Tao, một trong những thế hệ người Hồng Kông đầu tiên di cư sang Úc, hân hoan chào đón sự ra đời của cậu con trai đầu lòng, Terence Tao. Lớn lên trong một gia đình trí thức với cha là bác sĩ khoa nhi còn mẹ là giáo viên dạy toán, ngay từ nhỏ Terry (tên gọi thân mật của Terence Tao) đã sớm bộc lộ trí thông minh và năng khiếu toán học. Khi được 2 tuổi, cậu bé đã lấy các món đồ chơi của mình để dạy những đứa trẻ lớn hơn về phép đếm. Nhắc lại kỉ niệm này, ông David Tao vẫn nhớ như in cảm giác ngỡ ngàng: “Trông thấy nó ngồi giữa lũ trẻ lớn tuổi hơn và bi bô nói trong khi những đứa kia yên lặng lắng nghe, chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười. Có lẽ nó đã tự học khi xem chương trình Phố Hạt Vừng (Sesame Street - một chương trình chơi mà học hấp dẫn dành cho trẻ em của Mỹ), chúng tôi luôn bật chương trình này cho Terry xem hàng ngày”. Lúc đủ tuổi đi học, Terence được sắp xếp tham gia ngay vào chương trình học bồi dưỡng thần đồng đặc biệt, và cậu đã nhanh chóng thể hiện năng khiếu tự nhiên bằng những điểm số ấn tượng ở môn toán và môn khoa học. Lên bảy tuổi, Terence Tao bắt đầu học chương trình toán của cấp ba, và cũng chỉ mất hai năm để hoàn thành, sau đó Terence được tham dự vào những lớp học toán và vật lý ở trường đại học. Trong thời gian này, Terence đều đặn tham gia các cuộc thi toán học quốc tế và thường đoạt giải cao; còn hàng ngày cậu cần mẫn đi học tại cả trường trung học và trường đại học Flinders ở Adelaide. Tròn 14 tuổi, trong khi các bạn cùng trang lứa phải học hành căng thẳng để thi vào trung học thì Terence đã cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp loại ưu của trường đại học Flinders, con đường học vấn rộng mở với hàng chục học bổng của các trường đại học danh tiếng trên khắp thế giới.
      Sau khi được phong chức danh giáo sư vào năm 24 tuổi, hiện nay Terence Tao đang nghiên cứu và giảng dạy tại đại học California (University of California, Los Angeles - UCLA). Năm 2006 vừa qua, nhờ những nghiên cứu sâu sắc về số nguyên tố, Terence được Ủy ban toán học quốc tế tặng huy chương để ghi nhận đóng góp của các nhà toán học trẻ dưới 40 tuổi, đây là phần thưởng cao quý nhất của toán học thế giới. Terence Tao đã chứng minh tính vô hạn của dãy số nguyên tố và chỉ ra rằng có thể tìm được các cặp số nguyên tố cách nhau bởi một số đơn vị bất kì (ví dụ, 3 và 5, 11 và 13 là những số cách nhau 2 đơn vị). Cách chứng minh của anh thật đơn giản và làm nhiều người bất ngờ. Ngay chính Terence cũng ngạc nhiên khi biết mình vinh dự là người Úc đầu tiên đoạt huy chương cao quý này trong 70 năm lịch sử của giải thưởng. Trước những lời khen tặng của đồng nghiệp, Terence Tao khiêm tốn phát biểu: “Sự phát triển của tôi là một quá trình tích lũy kéo dài, nó không chỉ là trí thông minh bẩm sinh hay sự nhanh nhạy với toán học. Có thể so sánh việc làm toán cũng như là đi leo núi, nếu bạn nhanh, khỏe và có nhiều dây thừng thì rất tốt, nhưng bạn vẫn cần phải có một cái nhìn tổng quan để tìm ra con đường hợp lý lên tới đỉnh”.
      Tuy là người nổi tiếng, nhưng Terence Tao vẫn giữ nguyên phong cách điềm đạm, giản dị và anh được rất nhiều sinh viên yêu quý. Những buổi học có giáo sư Terence Tao đứng lớp luôn thu hút đông đảo sinh viên, họ ấn tượng, thích thú những bài giảng về các vấn đề phức tạp của toán học nhưng lại thật dễ hiểu, đơn giản qua lời giảng của người thầy trẻ. Các giảng viên và sinh viên ở UCLA đã trìu mến gọi Terence là “Mozart của toán học” vì lòng đam mê và nhiệt huyết toán học trong anh dường như luôn tràn đầy và “Mozart” thường truyền cảm hứng cho những người xung quanh. Hiện nay, Terence đang mong muốn sẽ dạy cho những người bình thường cách tư duy logic của toán học, đây là một kỹ năng hữu ích trong cuộc sống hàng ngày. Anh tâm sự: “Đối với nhiều người, toán học thật khô khan, nhưng riêng đối với tôi, đó là niềm đam mê, là công việc hàng ngày. Tôi sẽ giúp những người không thích toán thay đổi ý kiến bằng cách chỉ cho họ làm thế nào để áp dụng môn toán vào đời sống một cách hiệu quả nhất, tôi tin mình sẽ làm được!”.

Nguyễn Đức Duy