Chiến thuật vòng vo

14/04/2007 00:00

Với tuyên bố Iran đã nâng chương trình làm giàu uranium lên quy mô công nghiệp, quy mô cho phép sản xuất vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad mới đây lại khiến đất nước Hồi giáo trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Hơn bao giờ hết, vấn đề mà giờ đây ai cũng quan tâm là có phải Iran đang thực sự chế tạo bom nguyên tử và liệu Mỹ có ý định nghiêm túc tấn công Iran?

      Dù luôn khẳng định không thể chứng minh Iran đang chế tạo bom nguyên tử và khả năng này là không lớn song Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) vẫn chưa làm nhiều người an lòng bởi theo một số chuyên gia, có vài dấu hiệu cho thấy Tehran đang phát triển một chương trình hạt nhân không hề có dấu vết “dân sự” như nước này vẫn từng khẳng định.
      Còn nhớ, năm 2005, Moscow đã đề nghị Tehran làm giàu uranium  trên lãnh thổ nước Nga, đổi lại Nga đảm bảo hoàn toàn nguồn cung nhiên liệu cho tất cả các lò phản ứng hạt nhân của Iran. Tehran đã tìm cách trì hoãn lời đề nghị này cũng như đề nghị của các thành viên thường trực HĐBA LHQ và Đức, theo đó, Iran sẽ nhận được trợ giúp để trở thành thành viên đầy đủ của WTO, được hỗ trợ trong việc xây dựng các nhà máy hạt nhân...nếu chấm dứt các hoạt động làm giàu uranium. Tuy nhiên, trước  những đề xuất béo bở đó, Iran vẫn trước sau như một, kiên quyết từ chối với lí do duy nhất: không có chuyện làm giàu uranium dưới sự kiểm soát của người khác. Nhiều người băn khoăn liệu có phải Tehran đang chơi chiến thuật kéo dài các cuộc thương lượng trong thời gian cần thiết để có thể chế tạo thành công một quả bom? Song điều đó cũng khó lý giải vì theo các nhà phân tích, Iran không thực sự cần đến quả bom này. 
       Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng lí do chỉ đơn giản là vì nếu ra đời, quả bom này của Iran sẽ không có mục tiêu. Mỹ ở quá xa. Israel ở gần nhưng tấn công đất nước Do Thái cũng đồng nghĩa với việc không chỉ có những người dân Do Thái thiệt mạng mà cả những người Arập, phần lớn theo đạo Hồi đang sinh sống trên lãnh thổ Israel và Palestine cũng sẽ trở thành nạn nhân. Cộng hòa Hồi giáo chắc chắn không đời nào đánh đổi vai trò làm người soi đường chỉ lối cho thế giới Hồi giáo đang cố gắng gây dựng bấy lâu nay bằng việc gây thương vong cho những người anh em của mình. Như vậy, khả năng sử dụng quả bom này để loại trừ Israel cũng bị loại bỏ. Vậy thì tại sao Iran lại tiến hành chương trình hạt nhân gây ồn ào nhiều đến vậy? Theo một số chuyên gia, Iran đang áp dụng chiến thuật đẩy tới thật nhanh và chỉ dừng tất cả lại trong những phút cuối cùng. Iran sẽ dừng lại nhưng không phải bây giờ và không một ai có thể bắt Iran làm điều đó, ngay cả Mỹ. 
      Những gì mà Iran thể hiện trong thời gian qua chứng tỏ nước này hoàn toàn không lo sợ khả năng bị Mỹ tấn công. Vì với họ, điều này là không thể. Các chuyên gia quân sự Iran cho rằng Mỹ không thể phát động một cuộc chiến bằng đường bộ vì Washington hiện còn đang sa lầy tại Iraq. Những cuộc oanh tạc bất ngờ trên không vào các trung tâm hạt nhân của Iran cũng không đáng lo vì tấn công như thế chỉ có thể làm chương trình hạt nhân của Iran chậm mất vài năm nhưng không thể làm cho chế độ Iran hiện thời bị sụp đổ. Mặt khác, Washington hẳn cũng cân nhắc trước sau mà không đánh Iran vì không ai dám đảm bảo rằng Iran sẽ không trả đũa. Đất nước Hồi giáo hoàn toàn có thể tấn công những mỏ dầu tại các nước láng giềng hay những căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực. Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là thảm họa với quân Mỹ tại Iraq. Hiện nay, quan hệ giữa những người Shiite tại Iraq và lính Mỹ vốn đã rất tồi tệ và nếu chiến tranh xảy ra, người Shiite Iraq cũng sẽ không ngần ngại vùng lên theo gót Iran. Và điều đó đồng nghĩa với thất bại cầm chắc trong tay của phe Cộng hòa trong kỳ bầu cử năm 2008. Cá nhân Tổng thống George Bush dù có thể rất muốn đánh Iran cũng không thể bỏ ngoài tai ý kiến những người cùng đảng. 
      Iran dường như đang làm tất cả để cho ra lò một quả bom nguyên tử, nhưng quả bom ấy lại rất có thể sẽ không ra đời vào những giây phút cuối cùng. Mỹ đe dọa sẽ có biện pháp cứng rắn nếu Iran tiếp tục làm ngơ trước sức ép của cộng đồng quốc tế nhưng chiến tranh có lẽ không có nhiều cơ hội để xảy ra. Tất cả các chiến thuật đều được các bên áp dụng để giành lợi thế trong cuộc đấu trí này. Mỹ có thể dựa vào cộng đồng quốc tế để gây sức ép với Iran. Tuy nhiên, nếu không thể tiếp tục làm ngơ được nữa trước sức ép của cộng đồng quốc tế, Iran vẫn hoàn toàn có thể lội ngược dòng vào những giây phút cuối thông qua việc từ bỏ tham vọng hạt nhân. Hành động trên không hề khiến chính quyền Iran mất mặt vì họ chưa từng công nhận điều gì khác ngoài một chương trình hạt nhân dân sự. Từ bỏ tham vọng hạt nhân vào những giây phút cuối, các nhà lãnh đạo Iran vẫn chiếm được lòng tin của dân chúng, chiếm được vị trí thống lĩnh trong thế giới Hồi giáo mà lại còn có thể ra điều kiện với Phương Tây. Căn cứ vào những gì đang xảy ra hiện nay, nhiều người không phải không có lí khi cho rằng trong bất kỳ trường hợp nào, dù có thể chế tạo ra bom nguyên tử hay không, Iran cũng khó lòng trở thành kẻ thua cuộc.

Phong Á