Phương án tối ưu

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:27 - Chia sẻ
Tại phiên họp gần đây nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí chuyển đổi phương thức đầu tư đối với 2 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam là đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu do không lựa chọn được nhà đầu tư. Theo đó, 2 dự án này sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công thay vì đối tác công - tư (PPP) như kế hoạch ban đầu.

Đây là phương án tối ưu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quyết định trong điều kiện hiện nay nhằm bảo đảm triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam. Bởi lẽ, nếu tiếp tục đầu tư 2 dự án này theo hình thức PPP thì cần thêm ít nhất 10 tháng nữa để tổ chức lại việc chọn nhà đầu tư, mà dẫu vậy cũng không ai dám khẳng định sẽ chọn được! Trong khi đó, việc giải phóng mặt bằng của 2 dự án thành phần này (đi qua 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An) đã đạt 94%, rất thuận lợi để thi công ngay. Nếu chậm triển khai đầu tư có thể xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, khó khăn trong quản lý mặt bằng. Đáng lo hơn cả là tiến độ của toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng, bởi 2 đoạn tuyến này nằm xen giữa các dự án thành phần khác đang triển khai thực hiện.

Hơn nữa, trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19 còn diễn biến phức tạp cả trên thế giới và trong nước, có thể coi việc dùng toàn bộ ngân sách để xây dựng 2 đoạn cao tốc này như một cú huých góp phần phục hồi kinh tế. Theo hình thức PPP, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43km có tổng mức đầu tư 6.333 tỷ đồng, còn đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km với tổng mức đầu tư 7.371 tỷ đồng. 

Trong số các lý do, yếu tố tác động mạnh đến quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải kể đến cam kết của Chính phủ rằng việc 2 dự án này chuyển sang đầu tư công cũng không làm thay đổi mục tiêu, phạm vi, quy mô đầu tư, không tăng tổng mức đầu tư đã được Quốc hội quyết định.

Cụ thể, tổng nguồn vốn nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam là 78.461 tỷ đồng (gồm 55.000 tỷ đồng tại Nghị quyết 52/2017/QH14 và 23.461 tỷ đồng tại Nghị quyết 117/2020/QH14). Chính phủ cho biết, theo kết quả rà soát, cập nhật, tổng mức đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần đến thời điểm hiện nay là 89.201 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà nước là 77.940 tỷ đồng, đã gồm cả phần vốn nhà nước sau khi chuyển đoạn tuyến Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sang đầu tư công; nguồn vốn nhà đầu tư huy động để tiếp tục triển khai 3 dự án thành phần theo phương thức PPP là 11.261 tỷ đồng.

Vì nhiều lý do, việc triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam hiện đã chậm so với yêu cầu của Quốc hội (cơ bản hoàn thành vào năm 2021). Thực tế này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan - đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải, và các địa phương phải cùng quyết tâm chính trị, một mặt sớm khởi công đoạn tuyến Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu; mặt khác bảo đảm tiến độ chung của toàn tuyến (đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2023 theo tính toán của Chính phủ) nhằm bảo đảm tính kết nối liên tục, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và tuyệt đối không làm tăng tốc mức đầu tư như đã cam kết. 

Việc xây dựng các khu tái định cư cũng phải được đẩy nhanh hơn nữa để sớm ổn định cuộc sống cho người dân, bởi đến nay các địa phương mới chỉ hoàn thành 78/111 khu.

Cùng với đó, Chính phủ sớm xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn nhà nước hoàn trả vào ngân sách Trung ương đối với cả 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được triển khai theo hình thức đầu tư công để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười một (dự kiến vào tháng 3.2021) như Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu. Phương án thu phí phải tính toán kỹ để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng chi trả của người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Hà Lan