Phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn

- Thứ Ba, 29/06/2021, 06:37 - Chia sẻ
Ngày 1.7 tới, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực. Đây cũng là thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân chính thức vận hành - thể hiện một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhằm mục đích phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

2 dự án tiết kiệm 1.000 tỷ đồng 

 Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đầu tư 3.367 tỷ đồng, nhằm tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam được chuẩn hóa, số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân có tổng mức đầu tư 2.696 tỷ đồng, nhằm thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký Căn cước công dân tự động; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về Căn cước công dân, tạo  thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử.

Thực hiện Luật Căn cước công dân năm 2014 và Đề án 896 của Chính phủ, Bộ Công an đã được giao chủ trì thực hiện dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Mặc dù là 2 dự án độc lập nhưng Bộ Công an đã chỉ đạo lồng ghép tối đa để bảo đảm đồng bộ tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng. 

Đến nay, chúng ta đã xây dựng được Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư hiện đại, kết nối đường truyền đến tận cấp xã, bảo đảm an ninh, an toàn, theo đúng nguyên tắc đã đề ra là "hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí". Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân đi vào hoạt động có ý nghĩa quan trọng, góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công sang hiện đại. Thay vì người dân, doanh nghiệp phải khai báo, nộp, chứng thực các giấy tờ khi thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước thì các thông tin đó sẽ được trích xuất tự động khi thực hiện các giao dịch hoặc các cơ quan nhà nước tra cứu, khai thác từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân.

Bên cạnh đó, quản lý dân cư thông qua mã định danh cá nhân khắc phục tình trạng thiếu thống nhất trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, các cấp. Qua đó, tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Động lực để phát triển kinh tế số, xã hội số

Nhận định về tiện ích của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Huỳnh Quang Liêm, quyền Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT nhấn mạnh, hệ thống này là nền tảng quan trọng, là điều kiện tối cần thiết để hình thành định danh số cho mỗi công dân Việt Nam trên môi trường số, giúp kích thích, vận dụng được năng lực số không bị giới hạn về thời gian và địa giới hành chính trong các giao dịch giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và giữa người dân, doanh nghiệp với nhau. Đó cũng chính là động lực để phát triển nền kinh tế số, xã hội số.

Cấp căn cước công dân gắn chíp tại trụ sở 58 Vũ Trọng Phụng, Công an Quận Thanh Xuân (Hà Nội). Nguồn INT

Cùng chung nhận định này, Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho rằng, khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động sẽ bảo đảm chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, giảm những chi phí mà hiện nay người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính gồm: chi phí do phải đi lại, chứng thực các loại giấy tờ...

Ngoài ra, việc quản lý cư dân thông qua mã số định danh cá nhân sẽ góp phần kết nối, chia sẻ thông tin về dân cư giữa các ngành, trong đó mã số định danh cá nhân được coi là chìa khóa để các cơ quan nhà nước kết nối, cập nhật tra cứu thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác quản lý ngành, lĩnh vực được giao quản lý, ông Cường thông tin thêm.

Có thể nói, việc đưa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào hoạt động là một bước tiến trong tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Và để tránh tình trạng “cát cứ” thông tin, cơ sở dữ liệu, cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối, liên thông, tương tác và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan quản lý hành chính các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội liên quan. Phát huy hiệu quả các cơ sở dữ liệu này để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật mới là điều mà người dân và xã hội mong mỏi, kỳ vọng.

Hà An