Phòng vệ thương mại - "Van an toàn" cho hàng Việt

- Thứ Ba, 27/10/2020, 20:13 - Chia sẻ
Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa rất mạnh theo các hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan hầu như không còn là cản trở đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thì phòng vệ thương mại được coi là “van an toàn” cho hàng Việt. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện chưa nắm vững hoặc hiểu biết nhất định để sử dụng hiệu quả công cụ này. Nhận định này được đưa ra tại hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" diễn ra ngày 27.10.

Bộ Công thương đang điều tra 20 vụ 

Tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, với 13 hiệp định thương mại tư do (FTA) hiện đang có; đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh mẽ thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác. Điều này giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động và cạnh tranh hơn.

Theo bà Trang, nói về thách thức trong hội nhập chúng ta nghĩ ngay tới cạnh tranh trên thị trường nội địa. Song đây không phải là rủi ro đáng lo ngại nhất. Doanh nghiệp đã chấp nhận cuộc chơi là chấp nhận hội nhập và cạnh tranh. Điều đáng lo nhất là hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam cạnh tranh không lành mạnh, họ bán phá giá để cạnh tranh, về lâu dài gây thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 xảy ra khiến chúng ta có nhiều lí do để lo ngại. Bởi lẽ, những nguồn hàng bị dư thừa, chuyển hướng sẽ vào Việt Nam bằng cách này hay cách khác. Từ đó nhu cầu sử dụng phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước càng cần thiết.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã cho những kết quả tích cực. Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện cơ quan này đang điều tra 20 vụ phòng vệ thương mai để bảo vệ các ngành sản xuất khác nhau. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng góp phần bảo vệ các ngành, trong đó chiếm gần 6% tổng GDP năm 2019, bảo vệ việc làm cho khoảng 150 nghìn việc làm, phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản để đóng góp vào sự phát triển nói chung. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đang điều tra, xem xét áp dụng phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng ảnh hưởng đến 1,5 triệu việc làm và đời sống nông dân.

Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng nhấn mạnh, phòng vệ thương mại được xem là “van an toàn” bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa. Đồng thời là “phao cứu trợ” doanh nghiệp đi ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Theo ông Dũng, các nền kinh tế hội nhập, tự do nhất cũng là nước có nền kinh tế sử dụng phòng vệ thương mại nhiều nhất. Các doanh nghiệp cần nghiên cứu, sử dụng để bảo vệ lợi ích trên chính thị trường nội địa trước hoạt động cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu.

Trong khoảng 5 năm gần đây, pháp luật đã đi vào cuộc sống, cơ quan Nhà nước cũng tích lũy được năng lực và kinh nghiệm về phòng vệ thương mại. Tuy vậy, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Phạm Châu Giang thừa nhận, năng lực của cơ quan phòng vệ thương mại còn nhiều hạn chế, cần nâng cao và hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, còn nhiều doanh nghiệp chưa có khái niệm về vấn đề này và thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý.

Đối với hàng Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại, đã có 189 vụ việc, trong 5 năm gần đây có tới 91 vụ việc. Điều này khiến kim ngạch xuất khẩu giảm, chúng ta mất thị trường đó và cả những thị trường khác. Tác động đến các vấn đề về an sinh xã hội và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Doanh nghiệp phải nắm rõ thông tin thị trường

Bà Giang khuyến cáo, khi tham gia kinh doanh, doanh nghiệp phải hiểu biết, nắm bắt được ngành nghề, sản phẩm mình kinh doanh, sản xuất, luôn để ý đến các biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm của mình để đối phó kịp thời. Nếu bị áp dụng phòng vệ thương mại chúng ta không chỉ mất đi thị trường đó mà sẽ mất thêm nhiều thị trường khác. Hiện nay, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài làm công tác nắm bắt thông tin rất tốt. Họ có hẳn một đội ngũ chuyên tìm hiểu các thông tin về thị trường xuất khẩu. Nhưng doanh nghiệp trong nước rất thờ ơ với công tác này. “Một doanh nghiệp sản xuất túi dệt trong nước dự định xuất khẩu đi Mỹ nhưng lại không biết thông tin trước kia Mỹ kiện chống bán phá giá với sản phẩm này của Việt Nam nên họ vẫn sản xuất, cuối cùng bị hủy tất cả đơn hàng” bà Giang dẫn chứng.

Toàn cảnh Hội thảo

Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Trang khuyến nghị, các ngành sản xuất, xuất khẩu và doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên xem việc phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu.

Không những thế, doanh nghiệp cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại cũng chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại. Ngoài ra, các doanh nghiệp theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ. Đặc biệt, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc.

Đối với các biện pháp phòng vệ trong nước, bà Giang lưu ý, các ngành sản xuất trong nước cần phải theo sát thị trường, số liệu xuất nhập khẩu cũng như giá bán của hàng nhập khẩu bán trên thị trường Việt Nam và thị tường ở các nước xuất khẩu. Nếu doanh nghiệp gặp khó khăn có thể liên hệ với Bộ Công thương. Bộ Công thương sẽ đề nghị các đại sứ quán, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm hiểu dấu hiệu ban đầu về việc giá bán của các mặt hàng nhập khẩu ở nước ngoài như thế nào? Chính phủ nước ngoài có trợ cấp hay không? Sau đó, các doanh nghiệp hiệp hội phối hợp và thống nhất xây dựng bộ hồ sơ nộp cho Bộ Công thương để tiến hành điều tra.

Về phía cơ quan quản lý, bà Giang cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA. Đồng thời Bộ Công thương cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về phòng vệ thương mại. Về Đề án được Chính phủ giao, mục tiêu của Đề án nhằm hoàn thiện quy định pháp luật, thể chế về phòng vệ thương mại. Đồng thời tuyên truyền, đào tạo cho các doanh nghiệp, xây dựng chiến lược chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế về phòng vệ thương mại.

An Thiện