Phòng dịch là trọng yếu, phát triển kinh tế là trọng tâm

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 08:08 - Chia sẻ
Khẩn trương ổn định, trở lại trạng thái “bình thường mới” là tinh thần nhất quán của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua khi cả nước tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 vừa tập trung duy trì phát triển kinh tế. UBND tỉnh Thái Nguyên đã chủ động xây dựng kịch bản điều hành và chỉ đạo các cấp, ngành tập trung vừa phòng, chống dịch bệnh vừa duy trì, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội. Kết quả những tháng đầu năm nay cho thấy, “bức tranh” kinh tế của Thái Nguyên có nhiều điểm sáng tích cực, là tiền đề để hoàn thành tốt các mục tiêu của cả năm.

Tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh dịch bệnh

Nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, là trung tâm các tỉnh trung du miền núi phía bắc, trung tâm lớn thứ ba cả nước về y tế, giáo dục, sau nhiều năm kiên trì, nỗ lực phấn đấu vươn lên, đến việc thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh của tỉnh Thái Nguyên tiếp tục có nhiều khởi sắc. Kết thúc 4 tháng, toàn tỉnh cấp mới đăng ký kinh doanh cho 275 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 2.277 tỷ đồng; cấp điều chỉnh thay đổi cho 626 doanh nghiệp. Qua đó, đưa tổng số doanh nghiệp đạt 7.726; tổng vốn đăng ký 106.349 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh cũng cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án sử dụng nguồn vốn trong nước với tổng số vốn là 1.008 tỷ đồng; cấp mới và điều chỉnh 9 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn 91,72 triệu USD. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 164 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 8,7 tỷ USD... Là tỉnh có quy mô kinh tế và giá trị xuất, nhập khẩu lớn nên khi đại dịch Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020 làm cho chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy. Mặt khác, tỉnh có nhiều khu công nghiệp hoạt động; nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc, hàng nghìn lưu học sinh quốc tế học tập; đầu mối giao lưu, tiếp giáp với các trung tâm lớn về công nghiệp, dịch vụ nên nguy cơ dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, lây lan trên địa bàn là rất lớn. Nhưng nhờ biện pháp, cách làm phù hợp, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nên Thái Nguyên đã đạt được mục tiêu kép.

Đến nay, ngay từ khi đợt thứ tư dịch Covid-19 bùng phát, tỉnh Thái Nguyên xác định việc phòng, chống dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân, cộng đồng và là điều kiện để phát triển kinh tế nên cả hệ thống chính trị, xã hội vào cuộc với những biện pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình để đẩy lùi dịch bệnh. Không để dịch bệnh xâm nhập là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thái Nguyên phát triển kinh tế, tạo môi trường để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Khi dịch Covid-19 lây lan tại nhiều quốc gia, thương mại thế giới bị đình trệ, các doanh nghiệp có phần lúng túng do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, xuất khẩu “đóng băng”. Nhưng sau đó, nhiều doanh nghiệp đã từng bước vượt khó, biến nguy thành cơ.

Đánh giá 4 tháng đầu năm 2021 cho thấy, chỉ số sản xuất của toàn ngành công nghiệp trên địa bàn tăng trưởng 9% so với cùng kỳ, với các nhóm ngành đóng góp chủ lực là: Công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 9,8%; may mặc tăng 67,3%; sắt thép các loại tăng 33,2%... Giá trị hàng hóa xuất khẩu cũng đạt tới 9,72 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ, bằng 34,5% kế hoạch cả năm; tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chiếm gần như tuyệt đối là 9,58 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn toàn tỉnh đạt 4.934,5 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ, bằng 31,6% dự toán năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 14,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng được khống chế ở mức thấp, chỉ tăng 0,28% so với bình quân cùng kỳ.

Nguồn: ITN

Quyết liệt thực hiện các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm

Tại phiên họp đánh giá nhiệm vụ những tháng đầu năm mới đây đã thảo luận và cho ý kiến 13 nội dung liên quan đến các nội dung: Tiến độ triển khai các dự án sử dụng vốn đầu tư trong và ngoài ngân sách nhà nước; chương trình phát triển văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2021 - 2025; Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025; công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện nhiệm vụ KT - XH tháng 4 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; Tờ trình về quy định chế độ trợ cấp, phụ cấp đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở quản lý người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và cơ sở trợ giúp xã hội công lập; Đề án xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025…

Nhóm các giải pháp, nhiệm vụ được UBND tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2021 là: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng, thẩm định, cấp phép đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; đẩy nhanh hoàn thiện các thủ tục, cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án trong và ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền số và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp; nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI), năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS). Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31.12.2020 của Tỉnh ủy Thái Nguyên; triển khai đồng bộ các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm cho người dân...

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội tỉnh đạt được là tương đối khả quan, nhưng cũng không được chủ quan, nhất là chỉ tiêu về thu ngân sách, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa… mà cần nỗ lực hơn nữa để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đồng chí yêu cầu ngành thuế cần tăng cường quản lý các nguồn thu, nhất là từ khai thác tài nguyên khoáng sản, trong đó có đất và các nguồn thu trong hoạt động xây dựng, bảo đảm thu đúng, thu đủ. Đồng thời yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, nhất là người đứng đầu nêu cao hơn nữa tinh thần quyết tâm, sự nỗ lực và hành động quyết liệt, tích cực triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của năm, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Anh Hiến