Dự phòng nghiện ma túy

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

- Thứ Bảy, 31/10/2020, 06:34 - Chia sẻ
Hiện, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động dự phòng nghiện ma túy, nhất là cho đối tượng thanh niên, học sinh, sinh viên, song cho đến nay chưa có một đánh giá tổng thể nào về hoạt động này, dù hoạt động dự phòng nghiện cũng quan trọng không kém hoạt động cai nghiện.

Cần tổng kết thí điểm

Dự phòng nghiện có vai trò quan trọng như cai nghiện, giảm thiểu được những tác hại về tài chính, sức khỏe... Ở nhiều quốc gia, chương trình này đã thực hiện từ lâu với nhiều mô hình, kết hợp theo chuỗi liên quan từ gia đình, nhà trường, xã hội, cơ quan, công sở, doanh nghiệp. Ở Việt Nam, liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã đưa vào chương trình Phòng, chống ma túy giai đoạn 2016 - 2020 nhưng đến nay dự phòng nghiện mới ở giai đoạn thí điểm.

Thực tế, thời gian qua Việt Nam đã thực hiện công tác phòng ngừa với nhiều hoạt động mang tính chất “dự phòng nghiện” như: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cùng nhiều hình thức đa dạng khác (pano, poster, tờ rơi, sách mỏng, triển lãm, chiếu phim, mittinh, thi tìm hiểu chính sách, pháp luật…). Nhiều nhà trường đã phối hợp với ngành lao động, thương binh và xã hội; công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động, đa dạng, phong phú cho học sinh, sinh viên về phòng, chống ma túy nói chung và dự phòng nghiện nói riêng.

Trong đó có thể kể đến việc hỗ trợ duy trì, nhân rộng câu lạc bộ phòng, chống ma túy tại Bến Tre, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng; tổ chức tọa đàm, tuyên truyền về phòng chống ma túy ở Thái Nguyên, Bắc Kạn, Đắk Lắk...; tổ chức cho học sinh tham gia Lễ phát động hưởng ứng ngày phòng, chống ma túy tại Nghệ An, Hải Phòng; tổ chức giao lưu tìm hiểu về phòng chống ma túy tại Quảng Ninh, Hà Nội... Đặc biệt, các nhà trường đã lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy vào nội dung, chương trình giảng dạy phù hợp với các môn học như: giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, khoa học, hóa học, sinh học…

Nhiều hoạt động liên quan đến dự phòng nghiện đã được triển khai 
Nguồn: ITN

Gần đây nhất, Đề án “Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đến năm 2020” kèm theo Quyết định số 2140/QĐ-TTg ngày 30.12.2017 của Thủ tướng Chính phủ đã thu hút sự vào cuộc của bộ, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội. Theo đó, đã tuyên truyền cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên người lao động, bà con vùng biên giới… trong hoạt động dự phòng nghiện.  

Đồng thời để hỗ trợ, giúp đỡ nhóm người có nguy cơ cao, không mắc nghiện ma túy, nhiều địa phương đã lồng ghép với các chương trình kinh tế - xã hội, phân công đoàn viên, hội viên, tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện, những người có uy tín trong cộng đồng như cựu chiến binh, già làng, trưởng bản, trưởng tộc khuyên nhủ, kèm cặp… Các hoạt động truyền thông, tư vấn, hỗ trợ trên đã góp phần giảm nguy cơ nghiện ma túy, giảm áp lực cho công tác điều trị, cai nghiện.

Sớm có chương trình tổng thể

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Xuân Lập, hiện chưa có một chương trình tổng thể, một chiến lược dự phòng nghiện; công tác phòng ngừa mới thiên về truyền thông và tư vấn. So với nhiều nước, cách tiếp cận, các nội dung về dự phòng còn chưa có chiều sâu với nhiều hoạt động can thiệp đa dạng như: Giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên; biện pháp can thiệp tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc; hệ thống cung cấp dịch vụ về dự phòng nghiện…

Dự phòng nghiện là chương trình phòng chống ma túy lớn, là công việc khoa học, cấp thiết trực tiếp tác động hàng triệu người, đến từng gia đình, học sinh và phụ huynh, thanh thiếu niên, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… với nhiều hoạt động rất đa dạng, đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và vào cuộc của cả xã hội, có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực quốc gia cần thiết để thực hiện.

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền

Nguyên Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Lê Đức Hiền cho biết thêm, ở ta chưa có thực tiễn để đánh giá tác động bài bản nhưng có nhiều tư liệu ở nhiều quốc gia đã thực hiện và không có nước nào thất bại. Việc sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy lần này là cơ hội tốt để đánh giá công tác dự phòng nghiện, từ đó đề xuất những chính sách phù hợp.

Thực tế cho thấy, ở nhiều quốc gia, chủ thể của dự phòng nghiện gồm: Nhà trường - Gia đình - Môi trường - Truyền thông - Nơi làm việc - Hệ thống dịch vụ dự phòng - Giám sát và Đánh giá. Có thể là mô hình 3 cấp độ như ở 1 số nước: Dự phòng phổ cập (ứng phó với các nguy cơ đối với cộng đồng); Dự phòng chọn lọc (đối với cá nhân hoặc nhóm dân cư có nguy cơ sử dụng ma túy); Dự phòng chỉ định (đối với các cá nhân có hành vi sử dụng ma túy). Trong đó, đặc biệt chú trọng dự phòng chọn lọc đối với cá nhân đã hoàn thành các chương trình cai nghiện hoặc sau khi rời các trại cải tạo, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng có tiền sử sử dụng ma túy. Đây là những kinh nghiệm hay để chúng ta tham khảo.

Nguyễn Minh