Sổ tay:

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

- Chủ Nhật, 13/06/2021, 07:53 - Chia sẻ
Tại Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình (thay thế Nghị định số 167/2013), Bộ Công an đề xuất nâng mức phạt hành chính đối với hành vi mua dâm và bán dâm, đồng thời có thêm hình thức phạt bổ sung đối với hai hành vi trên. Xung quanh đề xuất này nhiều ý kiến cho rằng, cần kết hợp với các giải pháp hỗ trợ người bán dâm.

Theo quy định tại Điều 24 Dự thảo về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình quy định mức phạt tiền đối với hành vi mua dâm từ 1 - 2 triệu đồng (mức phạt hiện tại là 500.000 - 1 triệu đồng); phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng trong trường hợp mua dâm từ 2 người trở lên cùng một lúc. Cũng theo Điều 24 của Dự thảo, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi bán dâm; phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng trong trường hợp bán dâm cho 2 người trở lên cùng một lúc.

Về các hành vi khác có liên quan đến mua dâm, bán dâm, Điều 26 Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi che giấu, bảo kê cho các hành vi mua dâm, bán dâm. Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi giúp sức, lôi kéo, xúi giục, ép buộc hoặc cưỡng bức người khác mua dâm, bán dâm; phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm; góp tiền, tài sản để sử dụng vào mục đích hoạt động mua dâm, bán dâm; môi giới mua dâm, bán dâm. Đặc biệt, mức phạt tiền sẽ tăng lên, từ 50 - 75 triệu đồng đối với một trong những hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín để bảo vệ, duy trì hoạt động mua dâm, bán dâm.

Đối với hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm, Dự thảo đề xuất mức phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh; Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với người đứng đầu, người đại diện theo pháp luật, người được giao quản lý cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoặc tổ chức, cá nhân khác để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm, khiêu dâm, kích dục ở cơ sở do mình quản lý...

Rõ ràng, so với Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, chế tài cho những hành vi mua bán dâm được nâng cao hơn gấp 2-3 lần. Dẫu vậy, bình luận về vấn đề này, các chuyên gia luật cho rằng, chế tài hành chính đối với hành vi mua dâm và hành vi bán dâm theo quy định của Nghị định đang áp dụng hiện nay cũng như trong dự thảo là chưa đủ sức răn đe, bởi thực tế có nhiều vụ mua bán dâm được cơ quan điều tra phát hiện có giá 8.000-10.000 USD, thậm chí có vụ lên đến 25.000 USD/ lần mua dâm. Theo đó, mức phạt đưa ra không khiến đối tượng vi phạm sợ nộp phạt. Do vậy, Dự thảo cần xem xét, cân nhắc đối với mức phạt của một số hành vi vi phạm để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh của pháp luật.

Ở khía cạnh khác, có thể thấy các chế tài hành chính hoặc hình sự về hành vi vi phạm phòng, chống mại dâm là cần thiết, song đây sẽ là giải pháp cuối cùng khi tất cả các biện pháp khác chưa đạt hiệu quả. Vì xét cho cùng, chế tài dù có nghiêm khắc đến đâu cũng không phải là giải pháp tích cực để phòng chống mại dâm hiệu quả. Thay vào đó, các cơ quan chức năng phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ việc làm, tái hoà nhập, nhất là đối với người lao động trẻ, lao động nông thôn; những trường hợp rơi vào hoàn cảnh éo le, khó khăn, bất hạnh để họ không tìm đến con đường “bán thân” để kiếm sống...

Hải Thanh