Thành phố Hà Nội

Phối hợp liên ngành, bảo đảm quyền lợi người lao động

- Thứ Bảy, 22/01/2022, 06:09 - Chia sẻ
Ngày 20.1, liên ngành cơ quan Công an, Lao động, Thương binh và xã hội, Y tế, Liên đoàn Lao động, Thuế, Thanh tra và Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP. Hà Nội tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả phối hợp bảo đảm quyền lợi BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.

Tích cực, trách nhiệm và hiệu quả

Triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 588 ngày 1.2.2021 với sự tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của Liên ngành, quyền và lợi ích hợp pháp về BHXH, BHYT của người dân trên địa bàn Thủ đô được đánh giá đã bảo đảm tốt hơn.

Đại diện BHXH TP. Hà Nội cho biết, hiện tại, số người tham gia BHXH bắt buộc đạt trên 1,86 triệu người, tăng 3,7%, tương ứng tăng 65.736 người so với năm 2020, đạt 100,07% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, chiếm 39% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số tham gia BHXH tự nguyện đạt 63.304 người, tăng 30,06%, tương ứng tăng 14.630 người so với năm 2020, đạt 100,21% kế hoạch BHXH Việt Nam giao; chiếm 1,3% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Tăng cường phối hợp liên ngành nhằm bảo đảm quyền lợi, chế độ bảo hiểm cho người dân

BHXH Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, đã thực hiện giảm đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho 84.510 đơn vị, với số tiền 1.177,6 tỷ đồng. Hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho trên 1,68 triệu lao động với số tiền 4.094,81 tỷ đồng.

Cùng với đó, sự phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH được đẩy mạnh. BHXH Thành phố đã phối hợp với các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện thanh tra chuyên ngành, thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 3.740 đơn vị, đạt 147,3% kế hoạch được giao. Trong đó, thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 491 đơn vị; thanh tra, kiểm tra điện tử đối với 10.765 đơn vị.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp tham gia BHXH chưa đầy đủ theo quy định của pháp luật; số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp so với tiềm năng. Số đơn vị được thanh tra, kiểm tra hàng năm trên địa bàn còn ít trên tổng số đơn vị đang hoạt động, đơn vị đang đóng BHXH, BHYT; số đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính còn ít so với số đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

Năm 2021, TP. Hà Nội có 7,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 91,8% dân số, tăng 2,84%, tương ứng tăng 243.038 người so với năm 2020, vượt 0,9% kế hoạch giao. BHXH thành phố đã giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho 800.411 lượt đối tượng, với số tiền 6.948,51 tỷ đồng; thực hiện chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tới 573.549 người hưởng với tổng số tiền 33.611 tỷ đồng, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT với trên 8,6 triệu lượt người.

Quyết liệt thanh tra, kiểm tra liên ngành

Năm 2022, Liên ngành sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện, đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp về phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, giảm tỷ lệ nợ BHXH, quản lý hiệu quả quỹ khám, chữa bệnh BHYT và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động về các chế độ bảo hiểm trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt, chú trọng đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT. Đẩy mạnh tuyên truyền tại cơ sở, trên đài phát thanh các xã, phường, thị trấn, trên các nhóm tổ dân phố; tuyên truyền lưu động, tổ chức các lễ ra quân. Đồng thời, chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên các ứng dụng internet.

Song song với đó, thanh tra Thành phố, Thanh tra huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH. Các Sở, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội; BHXH Thành phố; Công an Thành phố; Cục Thuế; UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Sở Y tế tăng cường thanh tra các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong việc quản lý sử dụng dự toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Tăng cường phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Bên cạnh đó, BHXH Thành phố cần kịp thời thông tin với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Ban Thi đua -  Khen thưởng Thành phố, các Ban Quản lý dự án, các cơ quan liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị, doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp BHXH...

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội Nguyễn Đức Hòa đánh giá, việc thực hiện quy chế phối hợp là thực sự cần thiết, đã và đang đem lại hiệu quả tích cực, với tinh thần trách nhiệm cao. Điều này thể hiện rõ qua các chỉ tiêu về BHXH, BHYT trên địa bàn TP. Hà Nội đã được hoàn thành, tăng so với năm 2020. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Hòa cũng chỉ rõ hạn chế lớn nhất tồn đọng là tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT còn cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.

Theo đó, Giám đốc BHXH TP. Hà Nội đề nghị, liên ngành tiếp tục quan tâm phối hợp tích cực hơn nữa vào việc bảo đảm quyền lợi BHXH, BHYT cho người dân. Quản lý chặt chẽ quỹ khám, chữa bệnh BHYT, yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm việc liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh, bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của hệ thống các đại lý thu trên địa bàn, qua đó, tăng cao hơn nữa số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Hải Yến