Đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh 4.0

Phối hợp giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp

- Thứ Sáu, 19/11/2021, 20:42 - Chia sẻ
Tại Hội thảo về đào tạo các ngành công nghệ - kỹ thuật trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0 do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức chiều 19.11, nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hình thức đào tạo liên thông để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Ưu tiên đào tạo nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ

Phát biểu khai mạc, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân cho biết, hội thảo đóng góp trực tiếp cho Chiến lược phát triển ngành, chuyên ngành đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội. Thời gian tới, Đại học Quốc gia Hà Nội ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường lao động 4.0, với mục tiêu 25% quy mô sinh viên thuộc các ngành này.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân phát biểu khai mạc hội thảo

Đại học Quốc gia Hà Nội mong muốn đẩy mạnh hợp tác toàn diện với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các trường cao đẳng chất lượng cao để phát triển đội ngũ và triển khai hiệu quả các chương trình đào tạo kỹ thuật - công nghệ. Mục tiêu quan trọng là có thể thí điểm mô hình liên thông trong đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, qua đó các học viên cao đẳng có kỹ năng nghề, trình độ ngoại ngữ có thể liên thông lên các bậc đào tạo kỹ sư, cử nhân, góp phần xây dựng xã hội học tập, tổ chức học tập đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. 

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, nhu cầu phát triển nền kinh tế số trong xu thế 4.0 đòi hỏi sự thích ứng nhanh của nguồn nhân lực được trang bị kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và công nghệ. Đẩy mạnh liên kết giáo dục nghệ nghiệp và giáo dục đại học có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kỳ vọng, Đại học Quốc gia Hà Nội với vai trò đầu tàu trong hệ thống giáo dục Việt Nam và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội với vai trò quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp sẽ cùng trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp phát triển nguồn nhân lực kĩ thuật - công nghệ; thực hiện trách nhiệm quốc gia của hai bên với sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài góp phần xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước.

Cần đa dạng hóa hình thức học liên thông

Quy mô sinh viên đại học chính quy các ngành đào tạo ngành kỹ thuật - công nghệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội hiện chiếm 22%. Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho biết, các ngành kỹ thuật - công nghệ của Đại học Quốc gia Hà Nội bắt nhịp với xu thế mới, từ đó tăng nguồn lực cho sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội, đặc biệt trong bối cảnh tự chủ đại học; phù hợp với định hướng phát triển và yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng chia sẻ một số giải pháp và lộ trình triển khai đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cũng chia sẻ một số giải pháp và lộ trình triển khai đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ: Đánh giá thực trạng đào tạo các chương trình liên ngành, kỹ thuật - công nghệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội; sửa đổi, xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp khung trình độ quốc gia; đổi mới chính sách tuyển sinh; đổi mới chương trình, hình thức tổ chức đào tạo và hỗ trợ người học; thu hút đội ngũ giảng viên chất lượng cao; đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, phòng thực hành; phối hợp giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đào tạo gắn với doanh nghiệp; xây dựng văn bản quản lý…

Trong báo cáo “Hội nhập quốc tế: một định hướng quan trọng trong đào tạo nghề”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ về định hướng hội nhập quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp, gồm: Hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư; hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và các nước, các tổ chức quốc tế; tích cực tham gia các tổ chức, diễn đàn, hiệp hội khu vực, quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và các cuộc thi kỹ năng nghề; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam và nước ngoài; trao đổi giảng viên, chuyên gia quốc tế…

Báo cáo “Đào tạo liên thông, liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cơ sở giáo dục đại học - kinh nghiệm từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp” của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cao Thắng Lê Đình Kha chia sẻ lý do phải đào tạo liên thông giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với giáo dục đại học, xuất phát từ đơn vị sử dụng lao động là nâng cao trình độ và kỹ năng cho người lao động cũng như nhu cầu học tập suốt đời của các cá nhân. Để nâng cao hiệu quả, ông Lê Đình Kha cho rằng cần đa dạng hóa hình thức học liên thông, bao gồm cả liên thông chính quy; các trường đại học nên công bố lộ trình tăng học phí; cần có đội ngũ hỗ trợ, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người học và tư vấn hỗ trợ kịp thời nhằm hỗ trợ người học duy trì mục tiêu học tập; vận động doanh nghiệp hỗ trợ người học trong quá trình tham gia học liên thông.

Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Việt Hà, đối với đào tạo các ngành kỹ thuật - công nghệ, hoạt động thực hành, thực tập luôn đóng vai trò quan trọng. Trường có hệ thống phòng thực hành, phòng thí nghiệm hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu khoa học của người học. Bên cạnh đó, trường đã được Đại học Quốc gia Hà Nội đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất trang thiết bị khoa học - công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao… tập trung cho các ngành đào tạo mới như kỹ thuật năng lượng, công nghệ kỹ thuật xây dựng… và củng cố cho các ngành cần đẩy mạnh như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.

Đỗ Vũ