Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng dự Phiên họp Ủy ban Xã hội, Đại Hội đồng AIPA 41

- Thứ Tư, 09/09/2020, 17:50 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình Đại hội đồng lần thứ 41, Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA 41), chiều 9.9 đã diễn ra Phiên họp của Ủy ban Xã hội với chủ đề: “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch COVID-19”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41 Tòng Thị Phóng dự và phát biểu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chủ trì Phiên họp.

Tham dự có: đại diện Nghị viện các nước thành viên tại AIPA 41, Ban Thư ký AIPA… tại các điểm cầu.

Tạo dựng bản sắc chung và xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận, rộng mở

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, thế giới hiện nay đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách, như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, xung đột sắc tộc, những hệ lụy trong quá trình phát triển, đô thị hóa tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, gây hại cho tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên quy mô toàn cầu từ cuối năm 2019 đến nay, đã gây ra những hậu quả nặng nề, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đặt gánh nặng rất lớn lên hệ thống y tế của các quốc gia, ảnh hưởng đến mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi quốc gia, cũng như các mục tiêu về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, trong thời kỳ khủng hoảng do dịch bệnh hiện nay, cùng với hậu quả của thiên tai và biến đổi khí hậu, việc thúc đẩy mở rộng các phản ứng và cơ chế khẩn cấp, cũng như bảo đảm mọi người dân được bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội là một nhiệm vụ quan trọng của quản lý mỗi quốc gia. Từ đó, việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vaccine, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, việc chẩn đoán sớm về các bệnh nguy hiểm và trang thiết bị y tế có chất lượng, để có giá cả phải chăng và công bằng là một trong những ưu tiên, để ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro của Covid-19 và các dịch bệnh nguy hiểm khác trong quá trình phát triển bền vững của mỗi nước và của cả cộng đồng ASEAN.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội mang ý nghĩa quan trọng khi hướng tới một cộng đồng có trách nhiệm xã hội, kết nối trực tiếp với người dân và phục vụ cho người dân, nhằm đạt được sự đoàn kết và thống nhất bền lâu giữa các quốc gia và người dân ASEAN thông qua việc tạo dựng một bản sắc chung và một xã hội chia sẻ, đùm bọc, hoà thuận, rộng mở, nơi cuộc sống và phúc lợi của người dân được nâng cao. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này, sự ủng hộ và hợp tác hiệu quả giữa các Nghị viện thành viên AIPA là một yếu tố quyết định.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận các thách thức về dịch bệnh nguy hiểm, đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động mạnh mẽ đến các lĩnh vực lao động, vấn đề việc làm, đến phúc lợi xã hội, văn hóa, giáo dục và dạy nghề, bảo tồn đa dạng sinh học, xử lý chất thải, rác thải và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội... Từ đó, đề xuất các biện pháp ứng phó kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững trong khu vực và trên thế giới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình chủ trì Phiên họp

Quốc hội Việt Nam bảo đảm hành lang pháp lý triển khai biện pháp ứng phó với Covid-19

Tại Phiên họp, đại diện các đoàn Nghị viện thành viên AIPA đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các nước; cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những thách thức, khó khăn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt là sức khỏe nhân dân, an sinh, phúc lợi xã hội, thu nhập, việc làm, giáo dục… Các đại biểu cũng chia sẻ những biện pháp để hạn chế sự lây lan và tác động của dịch bệnh, đó là sự chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp, như thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế đi lại… Chính phủ các nước cũng triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp để ổn định nền kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp có thể bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; các chính sách hỗ trợ đối với những người mất việc làm, thu nhập thấp và hỗ trợ giáo dục bằng hình thức trực tuyến…

Để hạn chế sự lây lan dịch Covid-19, các đại biểu cho rằng, cần chú trọng cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, khu vực và thế giới một cách nhanh chóng để người dân theo dõi kịp thời. Hướng đến vượt qua dịch bệnh, các đại biểu nhất trí khẳng định, cần nâng cao vai trò của AIPA trong ứng phó, xử lý vấn đề trước mắt, đồng thời, tính đến các giải pháp lâu dài, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với đó, cần sự đoàn kết trong nước và giữa các nước trong khu vực để sẵn sàng, chủ động về các giải pháp trước mắt như phát triển vaccine, công nghệ, thiết lập quỹ để ứng phó với đại dịch Covid-19, và các giải pháp lâu dài liên quan đến giáo dục, văn hóa, bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Các đại biểu mong muốn các nội dung này được thể hiện trong Nghị quyết của Ủy ban và sớm đi vào cuộc sống phục vụ cho sự phát triển cộng đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên họp

Chia sẻ tại Phiên họp về kinh nghiệm của Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Việt Nam đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Quan điểm của Việt Nam là "chống dịch như chống giặc" và thực hiện nguyên tắc “chủ động ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng gọn, dập dịch triệt để, điều trị khỏi bệnh”; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” truy tìm F1, F2.

Nhũng biện pháp Việt Nam đã triển khai là thực hiện giãn cách xã hội; cách ly các bệnh nhân và người tiếp xúc (F0, F1) 14 ngày; kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày với tất cả các trường hợp nhập cảnh. Trong phòng và điều trị Covid-19, Việt Nam chủ động sản xuất khẩu trang, trang thiết bị bảo hộ, máy thở... ; nghiên cứu, chế tạo thành công bộ kit xét nghiệm và làm chủ các phương pháp xét nghiệm, sàng lọc và phát hiện người nhiễm Covid-19... Việt Nam cũng thực hiện những giải pháp để ổn định kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trong giai đoạn dịch bệnh, như thực hiện nhiều giải pháp để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; bảo đảm an sinh xã hội (trợ cấp đối với một số nhóm đối tượng); tạo điều kiện thuận lợi đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, đưa người nước ngoài đang ở Việt Nam về nước…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng các đại biểu dự Phiên họp Ủy ban Xã hội
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng các đại biểu dự Phiên họp Ủy ban Xã hội

Đặc biệt, trước những thách thức lớn từ dịch bệnh Covid-19, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời đưa ra các quyết định nhằm bảo đảm hành lang pháp lý khi triển khai các biện pháp chống dịch Covid-19. Thông qua ngân sách thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế cho người dân và các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh Covid-19; thực hiện giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như việc triển khai gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Điều chỉnh ngân sách theo hướng thúc đẩy đầu tư công, phục hồi phát triển kinh tế. Ban hành các Nghị quyết kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng… Nhờ đó, đến nay về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát tốt, ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Sau đó, dưới sự điều hành của Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Lê Thu Hà, thành viên Tiểu ban Nội dung AIPA 41, trên tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác, các đại biểu đã thảo luận và thông qua 3 Nghị quyết: Nghị quyết thông qua Báo cáo Hội nghị Hội đồng AIPA về hiểm họa ma túy lần thứ ba (AIPA CODD 3) kèm theo Nghị quyết về Biến lời nói thành hành động hướng tới một Cộng đồng ASEAN không có ma túy; Nghị quyết thông qua Báo cáo kèm theo Nghị quyết Hội nghị về Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục và văn hóa vì sự phát triển bền vững; Nghị quyết về nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch Covid - 19.

Trung Thành