Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh

- Thứ Năm, 05/08/2021, 14:59 - Chia sẻ
Sáng 5.8, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã có cuộc làm việc với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Ủy ban Quốc phòng và An ninh chụp hình lưu niệm

Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh.

Báo cáo về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hải Hưng cho biết, về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban đã phối hợp với các cơ quan hữu quan nắm tiến độ và chuẩn bị nội dung phục vụ công tác thẩm tra sơ bộ dự án Luật Cảnh sát cơ động; phối hợp Ủy ban Pháp luật nắm tiến độ và tình hình xây dựng 3 dự án Luật: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tham mưu, phục vụ công tác phối hợp thẩm tra Nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc làm việc

Về hoạt động giám sát, khảo sát, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ và ngân sách quốc phòng, an ninh những tháng cuối năm 2020, việc triển khai nhiệm vụ, ngân sách quốc phòng, an ninh những tháng đầu năm 2021 báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười một. Tham gia thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025…

Về phục vụ công tác phục vụ bầu cử, trên cơ sở nhiệm vụ được Hội đồng bầu cử quốc gia giao, Ủy ban đã phối hợp chặt chẽ với Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế, Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia xây dựng, ban hành các Nghị quyết về Quy chế làm việc và phân công thành viên Tiểu ban An ninh, trật tự và y tế; xây dựng chương trình hoạt động và kế hoạch phối hợp kiểm tra, giám sát; tổ chức, tham gia một số Đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng bầu cử quốc gia và Tiểu ban về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và y tế; chuẩn bị bầu cử tại một số địa phương…

Về một số hoạt động khác, Thường trực Ủy ban còn tiếp nhận, phân loại xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định; phối hợp chuẩn bị nội dung phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam dự Hội nghị AIPA…

Dự kiến hoạt động 6 tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Ủy ban sẽ tiến hành thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai; tiếp thu, giải trình, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Ba và thẩm tra các dự án luật khác khi Chính phủ trình Quốc hội thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách. Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân sách quốc phòng, an ninh; tình hình bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ và ngân sách quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022… Triển khai khảo sát phục vụ việc thẩm tra, tiếp thu, giải trình các dự án luật do Ủy ban được phân công chủ trì thẩm tra; khảo sát phục vụ hoạt động thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về lĩnh vực Ủy ban phụ trách…

Ủy ban kiến nghị Lãnh đạo Quốc hội giao Thường trực Ủy ban chuẩn bị báo cáo về tình hình quốc phòng, an ninh tại cuộc họp giao ban hàng tháng, nội dung báo cáo tổng hợp từ nguồn báo cáo của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Phó Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Ban Công tác đại biểu đề xuất có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu là thành viên các Ủy ban khi tham gia hoạt động của các Ủy ban...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh trong thời gian qua. 

Gợi mở một số vấn đề trong công tác xây dựng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan đến các dự thảo luật chuẩn bị trình Quốc hội để chủ động dự báo tình hình trong 5 năm, tạo sự chủ động trong việc lập kế hoạch, cách thức tiến hành thẩm tra. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần tiếp tục đổi mới tư duy, bảo đảm lập luận chặt chẽ, phản biện sâu sắc hơn với các dự án luật nhằm nâng cao chất lượng thẩm tra, góp phần nâng cao chất lượng dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Trong công tác tham gia thẩm định dự án luật với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác, cần có sự phân công rõ ràng, tham gia với tinh thần thái độ, trách nhiệm cao nhất, nhất là với những nội dung liên quan đến quốc phòng và an ninh. Trong công tác giám sát, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban cần chú ý tới tính đặc thù trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh để có lựa chọn chuyên đề giám sát xác đáng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Trong công tác tham mưu, cần chủ động cập nhật tình hình, bản lĩnh, đáp ứng tính kịp thời, không để bị động, bất ngờ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu tại cuộc làm việc

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội; khẳng định, Ủy ban và Thường trực Ủy ban sẽ quán triệt sâu sắc những chỉ đạo này để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, khẳng định, Ủy ban sẽ nỗ lực, đoàn kết, dân chủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Nhân dân giao phó.

Trung Thành