Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự bế mạc Phiên họp toàn thể của Ủy ban Quốc phòng và An ninh

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 21:49 - Chia sẻ
Chiều 8.10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiến hành thẩm tra Báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2014/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022 của Ủy ban.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo Phiên họp 

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và chỉ đạo.

Cùng dự có đại diện Bộ Công an, Ủy ban ATGT Quốc gia…

Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2014/QH14 của Quốc hội, đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) cho biết, từ ngày 15.9.2020 đến 15.9.2021, toàn quốc xảy ra 2.402 vụ cháy (giảm 609 vụ so với cùng kỳ năm 2020), làm chết 87 người (tăng 5 người chết), 126 người bị thương (giảm 15 người bị thương), tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 614,05 tỷ đồng…

Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ tại các khu công nghiệp, hộ gia đình… còn phức tạp; nhận thức một số bộ phận người dân về công tác PCCC chưa cao; việc xử lý các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 có hiệu lực gặp khó khăn…

Chính phủ kiến nghị, Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác xây dựng pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho PCCC và CNCH; tăng cường giám sát nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ban, ngành, UBND các cấp…

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/2014/QH14 của Quốc hội, đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp và Bộ Công an đã tổ chức các hoạt động chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 99/2014/QH14 trong năm 2021 và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ủy ban cho rằng, trong năm 2020 - 2021, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra PCCC được nâng cao, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC; công tác tuyên truyền đã có sự chuyển biến với một số hình thức tuyên truyền mới được áp dụng đem lại hiệu quả tích cực…

Để công tác PCCC và CNCH đạt hiệu quả theo các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 99/2014/QH14, Ủy ban kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các bộ, ngành, địa phương để nâng cao chất lượng, hoàn thành tiến độ các công việc được phân công. Triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng, trình Quốc hội ban hành các văn bản luật có liên quan; ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính…

Đánh giá kỹ hoạt động giao thông dưới tác động của dịch bệnh Covid-19

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022, đại diện Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2021; cho rằng, kết quả đạt được là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân nói chung.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu bế mạc Phiên họp

Về tình hình tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông từ ngày 15.12.2020 đến 14.9.2021, xảy ra 8.161 vụ TNGT, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2020, số vụ giảm 2.527 vụ (bằng 23,64%), số người chết giảm 817 người (bằng 16,37%), số người bị thương giảm 2.237 người (bằng 28,38%), chủ yếu là xảy ra trên đường bộ. Đa số ý kiến Ủy ban cho rằng, từ cuối tháng 6.2021 đến nay, do nhiều địa phương áp dụng các quy định phòng, chống Covid-19 ở cấp độ cao, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông giảm sâu là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tai nạn giao thông cũng như số lượng các vụ ùn tắc giao thông giảm. Mặt khác, do sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của Chính phủ trong việc thực hiện nghiêm nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lưu thông hàng hóa thuận lợi gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, cần đánh giá kỹ hơn về tình hình hoạt động giao thông vận tải bị ảnh hưởng trong giai đoạn dài do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Các đại biểu dự Phiên họp 

Nhằm tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022, các thành viên Ủy ban kiến nghị, Quốc hội, cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp tục hoàn thiện pháp luật có liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông, khẩn trương sửa đổi, bổ sung, ban hành các Luật về lĩnh vực giao thông mà Quốc hội Khóa XIV đã cho ý kiến. Tăng cường công tác giám sát, khảo sát việc chấp hành chính sách, pháp luật về trật tự an toàn giao thông…

Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, sau một ngày rưỡi làm việc với tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, Ủy ban đã hoàn thành chương trình Phiên họp toàn thể lần thứ Hai.

Tại phiên họp, Ủy ban đã tiến hành thẩm tra một số báo cáo của Chính phủ và dự án Luật Cảnh sát cơ động. Cũng tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban đã cho ý kiến về dự thảo Báo cáo giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách; Báo cáo kết quả hoạt động năm 2021, phương hướng hoạt động năm 2022 của Ủy ban và một số nội dung khác có liên quan đến hoạt động của Ủy ban.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, ý kiến tham gia của thành viên Ủy ban và các đại biểu, Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị, Thường trực Ủy ban tổ chức nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra bảo đảm chất lượng tốt nhất để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai tới.

T. Thành