Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự Hội nghị tổng kết Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

- Thứ Hai, 22/03/2021, 21:08 - Chia sẻ
Chiều 22.3, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức hội nghị tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tới dự.
	Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Quốc hội Khóa XIV là nhiệm kỳ rất thành công, đổi mới toàn diện, sâu sắc, hiệu quả và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Trong thành tựu chung của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, có sự đóng góp rất quan trọng của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Hoạt động của Ủy ban trong nhiệm kỳ này hết sức sôi nổi và toàn diện. Hiện nay, đất nước đang chuyển mình cả về tư duy, về kinh tế nhưng quan trọng nhất là chuyển mình về công nghệ và khoa học. Nhấn mạnh điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, khoa học và công nghệ có vai trò rất lớn trong việc thay đổi công tác quản lý, bảo vệ môi trường. 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng phát biểu tại Hội nghị

Thời gian qua, Chính phủ đã trình Quốc hội rất nhiều dự án luật trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường. Chưa nhiệm kỳ nào mà Chính phủ trình và Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra tới 12 dự án Luật và rất nhiều dự án khác liên quan, trong đó có rất nhiều dự luật phức tạp, khó và nhạy cảm. Ví dụ như dự án Luật Bảo vệ môi trường, nhiều người đã lo lắng khó có thể thông qua được nhưng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tập trung phối hợp cùng với Bộ Tài Nguyên và Môi trường tiếp thu, chỉnh lý, giải trình cặn kẽ các nội dung và cuối cùng đã thuyết phục được Quốc hội thông qua. 

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là một tập thể trí tuệ, đoàn kết, có tư duy đổi mới và phần lớn đều là những thành viên có năng lực vượt trội để có thể thẩm tra, xem xét và giúp Quốc hội các vấn đề quan trọng của đất nước.

	Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại Hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì thẩm tra và phối hợp thẩm tra 12 dự án Luật và rất nhiều dự án khác liên quan, trong đó có rất nhiều dự án luật phức tạp, khó và nhạy cảm như dự án Luật Bảo vệ môi trường, dự án Luật Lâm nghiệp... Các dự án luật đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, tham mưu tiếp thu những chính sách phù hợp với nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân, chuyển tải ý kiến của Nhân dân, của cử tri tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Ủy ban cũng rất chú trọng việc giám sát thực thi pháp luật và giám sát việc xây dựng các văn bản hướng dẫn, bảo đảm các nội dung của luật được chuyển tải dễ hiểu, minh bạch và dễ tổ chức thực hiện, tháo gỡ khó khăn cho các bộ ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và Nhân dân; thực hiện tốt việc xử lý đơn thư, kiến nghị của cử tri trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; bảo vệ môi trường. Các chuyên đề giám sát của Ủy ban đã lựa chọn các nội dung giám sát phù hợp, được đông đảo cử tri quan tâm để tổ chức thực hiện tốt các hoạt động giám sát, khảo sát, đảm bảo đúng nguyên tắc, hiệu quả...

Toàn cảnh hội nghị

Báo cáo cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của Ủy ban như: do khối lượng các dự án luật khá nhiều, trong khi đa số thành viên hoạt động kiêm nhiệm nên chưa có đủ điều kiện, nhất là về thời gian để xem xét thật cụ thể, kỹ lưỡng. Thêm vào đó, hoạt động giám sát chưa kết nối được các kênh thông tin từ cơ sở nên vẫn giám sát chủ yếu căn cứ trên hồ sơ, báo cáo của các cơ quan. Việc giám sát trách nhiệm của các cơ quan giải quyết kết luận, kiến nghị sau giám sát còn hạn chế. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội dù đã có bước tiến vượt bậc tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH, các cơ quan Quốc hội, nhưng chưa được nhiều, chưa xử lý được công việc thường xuyên trên môi trường mạng...

Hồ Long