Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Ban chỉ đạo; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng và các thành viên Ban chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử là cần thiết, nằm trong quá trình đồng bộ với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phục vụ cho hoạt động thường xuyên của Quốc hội trên 3 lĩnh vực: lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Về chương trình xây dựng Quốc hội điện tử, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, vừa qua đã được tiến hành một bước do Văn phòng Quốc hội triển khai thực hiện nhằm phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội. Theo yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng như phương hướng tăng cường xây dựng Quốc hội điện tử nên Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tăng cường, củng cố Ban chỉ đạo xây dựng Đề án Quốc hội điện tử và bổ sung các thành viên của các cơ quan có liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm nhất là xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Do đó, tại Phiên họp này, Ban chỉ đạo sẽ nghe công bố Nghị quyết thành lập Ban chỉ đạo; dự thảo Quy chế hoạt động, Kế hoạch hoạt động, Quyết định phân công nhiệm cụ các thành viên Ban chỉ đạo và Báo cáo quá trình xây dựng, thực hiện Đề án Quốc hội điện tử.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên Ban chỉ đạo trên cơ sở lĩnh vực chuyên môn sẽ đóng góp các ý kiến, kịp thời đề xuất những vấn đề trước mắt và lâu dài nhằm tiếp tục kế thừa các hoạt động đang vận hành, không gây ách tắc, không gây trở ngại, nhưng phải đạt chất lượng cao hơn.
Theo Nghị quyết thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo trình bày, Ban chỉ đạo gồm 14 thành viên, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng Ban; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng ban thường trực; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy là Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Ban chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Cụ thể, thay mặt và chịu trách nhiệm trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc xây dựng Đề án Quốc hội điện tử để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt; chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện Đề án bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ đề ra. Quyết định hoặc đề xuất, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các cơ chế, chính sách, giải pháp trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện Đề án; quyết định giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và thực hiện Đề án.
Định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Quốc hội điện tử. Ban Chỉ đạo thành lập và quy định nhiệm vụ của Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo…
Tại Phiên họp, các đại biểu đã cho ý kiến bước đầu vào dự thảo Báo cáo quá trình xây dựng, thực hiện Đề án Quốc hội điện tử; Quy chế hoạt động; Kế hoạch hoạt động và Quyết định phân công nhiệm cụ các thành viên Ban chỉ đạo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao sự tham gia đầy đủ của các thành viên Ban chỉ đạo; cho rằng, cơ cấu thành viên Ban chỉ đạo là hợp lý, có đầy đủ năng lực, chuyên môn trên các lĩnh vực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, xây dựng, thực hiện Đề án Quốc hội điện tử là công việc có nhiều thách thức, khó khăn, đòi hỏi phải đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và cả trong tương lai. Do đó, đòi hỏi mỗi thành viên cần có cách tiếp cận và xác định rõ trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia xây dựng và thực hiện Đề án.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, dựa trên ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo cần tiếp thu, hoàn thiện Đề án Quốc hội điện tử; Quy chế hoạt động; Kế hoạch hoạt động và Quyết định phân công nhiệm cụ các thành viên Ban chỉ đạo. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng Quốc hội điện tử phải đáp ứng yêu cầu về tính khả thi, hiệu quả, có định hướng tương lai; đồng thời, bảo đảm đồng bộ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, bảo đảm tính đồng bộ, liên thông trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Bên cạnh đó, chú ý đến các yếu tố khoa học, công nghệ quốc tế, bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội trong quan hệ đối ngoại song phương, đa phương và các tổ chức nghị viện mà Quốc hội Việt Nam là thành viên; tham gia chủ động, tích cực, có tiếng nói của Quốc hội Việt Nam về các diễn đàn chuyển đổi số; tăng cường hợp tác đã có với các tổ chức quốc tế đã có ở Việt Nam…