Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy - Phó Trưởng Đoàn thường trực Đoàn giám sát; các thành viên Đoàn giám sát.
Theo Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15, Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy làm Phó Trưởng đoàn Thường trực; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng đoàn giám sát.
Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng theo quy định của pháp luật liên quan trên phạm vi cả nước (trọng tâm là các Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Dầu khí, Luật Năng lượng nguyên tử, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Quy hoạch) từ ngày 1.1.2016 đến hết ngày 31.12.2021. Đối tượng giám sát là Chính phủ; các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND cấp tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nội dung giám sát là việc ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và các công văn hướng dẫn việc thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan; kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, gồm: Quy hoạch tổng thể và quy hoạch các phân ngành năng lượng; cung cầu và an ninh năng lượng; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường; khoa học, công nghệ trong phát triển năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng…
Đoàn giám sát báo cáo kết quả giám sát và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề tại phiên họp tháng 8.2023; hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và Nghị quyết chuyên đề trình Quốc hội khoá XV xem xét tại Kỳ họp thứ Sáu.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, chuyên đề giám sát lần này hết sức lớn, quan trọng, với nhiều nội dung chuyên sâu, trong quá trình triển khai thực hiện, phải phát huy được vai trò của các Đoàn ĐBQH, HĐND các địa phương… Đoàn giám sát được thành lập với nhiều thành phần, gồm nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực có chuyên môn cao.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thành viên tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiến cho Thường trực Đoàn giám sát, Tổ giúp việc nhằm hoàn chỉnh các văn bản để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, lưu ý xây dựng đề cương báo cáo kết quả giám sát phải bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; phân công, phối hợp, triển khai thực hiện khoa học, chặt chẽ, tránh chồng chéo… Đồng thời, cần nắm rõ mục đích của giám sát chuyên đề này nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021; phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân (làm rõ những tồn tại, hạn chế là do quy định pháp luật hay do tổ chức thực hiện); làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, kết quả của giám sát là kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc, bất cập; kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan… Qua hoạt động giám sát, rút ra các bài học kinh nghiệm để phục vụ cho việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn tiếp theo. “Kết quả quan trọng nhất là ra được Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ Sáu (dự kiến diễn ra vào tháng 10.2023)”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
+ Trước đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến chuyên gia phục vụ Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021” dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ: Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng. Trong đó, ngày 11.2.2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55-NQ/TW về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nước ta đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hoá thạch, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sạch. Thủ tướng Chính phủ đã tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26) là Việt Nam sẽ thực hiện mục tiêu đạt trung hòa carbon (Net-zero) vào năm 2050…
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, giai đoạn 2016 -2021 vừa qua, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.
“Mục tiêu đặt ra là cần tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra được một đầu bài đúng, để cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thật sự thực chất, hiệu quả, “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng. Trong khi đó, nội dung và phạm vi giám sát rất rộng, nhiều nội dung rất chuyên sâu, tính chất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, chuyên gia thảo luận, cho ý kiến về những nội dung có liên quan để phục vụ Đoàn Giám sát. Trong đó tập trung vào các vấn đề như: Xác định, giới hạn phạm vi giám sát; nội dung và góc độ tiếp cận của dự thảo Đề cương báo cáo kết quả của Đoàn giám sát; tính hợp lý và đầy đủ của việc lựa chọn đối tượng giám sát; sự phù hợp của dự thảo đề cương báo cáo tương ứng với từng đối tượng giám sát; sự phù hợp giữa nội dung giám sát và việc lựa chọn địa bàn giám sát; dự kiến phân công nhiệm vụ, tiến độ thực hiện Kế hoạch giám sát.
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về: Bảo vệ môi trường, giảm phát thải, khí thải; bảo đảm an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường; sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả khai thác và sử dụng năng lượng; phát triển khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển năng lượng; chính sách dành cho thực hiện bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng…
Nhiều ý kiến đề nghị Tổ giúp việc tiếp tục rà soát lại toàn bộ dự thảo kế hoạch, hoàn chỉnh đề cương giám sát, kế hoạch làm việc với các bộ, ngành và địa phương; chú trọng mời các chuyên gia tham gia Đoàn giám sát... Trong quá trình triển khai thực hiện, Đoàn giám sát cần tiếp tục bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng… để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, chất lượng cao.