Phổ biến văn hóa đọc sách điện tử

- Thứ Bảy, 11/12/2021, 05:35 - Chia sẻ
Dùng máy tính hoặc điện thoại thông minh, người đọc có thể dễ dàng truy cập đọc sách, tài liệu trên các thư viện điện tử. Trong thời điểm dịch bệnh, hình thức đọc này không ảnh hưởng đến văn hóa đọc như nhiều người lo ngại lâu nay mà trái lại góp phần phát triển, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Đẩy mạnh phục vụ đọc sách trực tuyến

Trang thông tin điện tử của Thư viện tỉnh Phú Yên vừa soạn thảo thư mục chuyên đề giới thiệu sách về cách phòng chống dịch Covid-19, nhằm giúp bạn đọc hiểu và có biện pháp ứng phó phù hợp; đồng thời duy trì việc đọc sách nâng cao trí tuệ và vượt qua nỗi lo dịch bệnh.

Theo hướng dẫn, người đọc sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh truy cập địa chỉ: http://thuvienhaiphu.com.vn là có thể đọc được các tài liệu địa phương chí đã số hóa. Gần 100 đầu sách tổng quan, lịch sử, du lịch, văn hóa - xã hội luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu độc giả. Nếu muốn đọc sách điện tử (Ebook), xem giới thiệu sách qua video, sách thiếu nhi… người đọc vào kênh Youtube của Thư viện tỉnh hoặc khai thác thư viện số sẽ dễ dàng tìm được những đầu sách ưng ý và miễn phí.

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Phú Yên Võ Thị Nguyễn Huệ cho biết: "Các hoạt động của Thư viện tỉnh nhằm tạo điều kiện cho người dân sử dụng hệ thống thư viện linh hoạt, duy trì thói quen đọc sách hàng ngày. Khoảng thời gian giãn cách xã hội, việc đọc sách thường xuyên, cả sách giấy và điện tử, giúp cộng đồng trau dồi, tích lũy kiến thức, có thêm hiểu biết về tăng cường sức khỏe, phòng chống dịch bệnh. Đây thực sự là món ăn tinh thần có giá trị, góp phần lan tỏa và nâng cao văn hóa đọc".

Nhiều thư viện các tỉnh, thành phố như Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Nai… cũng tích cực tuyên truyền, giới thiệu sách trên website của đơn vị mình. Với hình thức này, các thư viện cung cấp cho người đọc điểm truy cập nhanh, tìm thông tin với độ tin cậy và tính chính xác cao. Đặc biệt, Thư viện tỉnh Hậu Giang từ tháng 11.2021 đã mở rộng phục vụ tài liệu số cho bạn đọc thông qua Kho sách điện tử - Ebook. Sở hữu 1.200 bản với 600 tên sách nhiều chủ đề, kho sách, độc giả được khai thác vốn tài liệu đa dạng về thể loại và giá trị về nội dung mà không cần trực tiếp đến thư viện. Đại diện Thư viện tỉnh Hậu Giang cho biết, từ kho sách điện tử, Thư viện tỉnh từng bước phát triển theo hướng hiện đại hóa, cung cấp những thông tin chính thống, hạn chế tình trạng bùng nổ thông tin trên internet mà chưa qua xác minh hay kiểm duyệt. Đây cũng là một trong những hình thức tuyên truyền về thư viện, về sách, góp phần nâng cao nhận thức, gia tăng số người sử dụng thư viện.

Khai thác thư viện số sẽ dễ dàng tìm được những đầu sách ưng ý

Nguồn: sggp.org.vn 

Dần phổ biến và phát triển

Khoảng 10 năm trở lại đây, sự xuất hiện của Ebook được đánh dấu bởi sự có mặt của các thiết bị thông minh mang đến cho người đọc cách tiếp cận văn hóa đọc đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm và phong phú hơn. Đặc biệt, sự ra đời của Ebook đã tạo điều kiện cho thư viện đổi mới các hoạt động để khuyến khích, gia tăng số lượng người đọc. Với đặc điểm nổi bật là tính tương tác, Ebook không đơn thuần là sách, độc giả khi sử dụng còn có thể tìm kiếm thông tin tác giả, trao đổi với bạn bè và với nhiều người khác thông qua các trang mạng xã hội.

Anh Phạm Thanh Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, anh rất thích vào trang Ebook của Thư viện Hà Nội vì lượng sách mới được giới thiệu thường xuyên và phong phú. “Cá nhân tôi thấy việc sử dụng ghi chú Ebook cho những trang sách hay, những phần kiến thức bổ ích sẽ hệ thống và dễ dàng hơn. Tính năng tìm kiếm, tra từ điển cũng là điều rất lý thú, cùng với việc chỉnh phông chữ, độ sáng, màu nền qua thiết bị đọc sách của Thư viện, giúp tôi cảm thấy không bị nhàm chán”.

Cách đây 2 năm, anh Hà là độc giả thường xuyên đến đọc và mượn sách tại Thư viện Hà Nội. Gần đây mặc dù không đến Thư viện nhưng anh vẫn truy cập các trang tài liệu, ngoại văn phục vụ nghiên cứu, học tập, các bài báo tạp chí điện tử về văn hóa và thể thao Hà Nội. “Trực tiếp hay gián tiếp sử dụng thư viện đều có trải nghiệm thú vị khác nhau, song với tôi được tìm hiểu và trao đổi thông tin mở trên thư viện số giúp tiết kiệm thời gian, duy trì được mục tiêu đọc và học của bản thân”, anh Hà nói.

Trang Ebook, tra cứu sachweb, thư viện Ebook… của nhiều thư viện tỉnh, thư viện chuyên ngành, thư viện trường học hiện nay đã được nghiên cứu, xây dựng với hình thức bắt mắt, nội dung phong phú, cập nhật liên tục với nhiều tính năng mới, dễ sử dụng, để phục vụ độc giả mọi lứa tuổi. Theo các nhà nghiên cứu, người đọc trẻ hiện nay không có nhiều thời gian và điều kiện để đọc sách giấy sẽ tìm đến Ebook tại các thư viện số. Ngược lại, những người trung niên lại cảm thấy thú vị hơn khi đọc sách in truyền thống. Chính vì vậy, những người công tác trong ngành thư viện cần thiết phải đổi mới các hình thức tuyên truyền để sách giấy và Ebook tồn tại song song, hỗ trợ truyền bá thông tin, kiến thức, hướng tới mục tiêu đưa nhiều cuốn sách hay đến với độc giả, góp phần nâng cao văn hóa đọc trong xã hội.

Hồng Hà