Phim Thái Tổ Lý Công Uẩn
Các nhà làm phim hứa: Sẽ là một bộ phim thuần Việt
Sau 4 năm phát động thi viết kịch bản, cuối cùng, những người thực hiện đã tuyên bố, bộ phim Thái Tổ Lý Công Uẩn sẽ hoàn thành đúng dịp kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và sẽ thuần Việt, mặc dù nhiều cảnh được quay ở Trung Quốc và có cả sự tham gia của các nhà làm phim nước ngoài.
Ngoài kịch bản do người Việt Nam viết, toàn bộ diễn viên, đạo diễn cũng là người Việt Nam. Bộ phim sẽ có sự cộng tác về âm thanh, võ thuật, kỹ xảo... của các chuyên gia Mỹ, Hong Kong, Nhật Bản, Trung Quốc... |
Trang phục, chiến thuyền... thuần Việt
Sau chuyến gặp gỡ các nhà làm phim sử thi và khảo sát các trường quay ở Trung Quốc, đoàn làm phim gồm đạo diễn Lê Đức Tiến, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc... đã quyết định sẽ quay một số cảnh trong phim Thái Tổ Lý Công Uẩn tại Trung Quốc. Phác thảo cho những bối cảnh này đã có, nhưng theo một thành viên trong đoàn làm phim: “Tất cả bối cảnh mới chỉ là hình dung một cách tương đối, chứ chưa đi vào chi tiết. Trong giai đoạn chuẩn bị chính thức sắp tới, với sự giúp đỡ của các nhà chuyên môn, chúng tôi sẽ có số lượng bản phác thảo nhiều hơn”.

Tuy nhiên, các nhà làm phim khẳng định, dù được quay ở Trung Quốc hay ở Việt Nam, tất cả những đạo cụ trong phim sẽ được làm theo đúng “phong cách Việt”. Họa sỹ Dân Nam, người phụ trách về đạo cụ, bối cảnh trong phim đã dày công nghiên cứu tư liệu trong các bảo tàng, chùa chiền, đồ gốm. Ông cho biết: “Ở thời Lý, quốc pháp là đạo Phật, nên mọi thứ về đạo cụ và những thứ phục vụ cho sinh hoạt chúng tôi cũng bám vào những thứ của đạo Phật, bởi nó rất gần với cuộc sống của người dân Việt Nam”. Về chiến thuyền, thuyền rồng, các nhà làm phim đã hệ thống lại trên cơ sở tranh cổ Việt Nam và trên cơ sở những chiến thuyền lớn đời Đường, đời Tống của Trung Quốc. Họa sỹ Dân Nam cho biết: “Chúng tôi cũng đã phác thảo xong những vũ khí chủ yếu thô sơ như vũ khí bắn lửa, công thành, vũ khí của bộ binh, kỵ binh... với độ chính xác là 80- 90%”.
Về trang phục của các diễn viên trong phim, các nhà làm phim cũng khẳng định “sẽ là những trang phục thuần Việt”. Trang phục của người Việt thời Lý, dù có ảnh hưởng của Trung Quốc qua giao lưu, nhưng sự giao lưu này đã có sự Việt hóa từ chất liệu đến màu sắc, hoa văn. Ngay màu sắc của trang phục cũng phải mang được tư tưởng của bộ phim và đăng tải được hồn dân tộc, chất Việt. Mỗi dân tộc phải có sắc thái riêng. Chủ trương của các nhà làm phim là sẽ dùng hàng Việt Nam với các chất liệu tơ tằm, lụa, gấm, vóc…

Thái Tổ Lý Công Uẩn: Vị vua trí tuệ và nhân ái
Trong phim, Thái Tổ Lý Công Uẩn sẽ xuất hiện ở tuổi 36 với tư cách là người mở ra một kỷ nguyên mới, từ vua Hùng sang vua Hiền, người khai sáng vương triều nhà Lý, mở ra kỷ nguyên mới về văn hóa, đó là văn minh Đại Việt và khai sinh kinh đô Thăng Long. Nhân vật lịch sử này sẽ hội đủ trí tuệ và lòng nhân ái. Hiện đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn đang tìm kiếm diễn viên cho vai quan trọng này. “Chúng ta không thể tưởng tượng ra một khuôn mặt cụ thể rồi đi tìm bằng được người đó để đóng vai Lý Công Uẩn. Hiện tôi vẫn chưa tìm thấy nhân vật của mình, nhưng chắc chắn đó sẽ là một gương mặt thuần Việt mà bạn cảm giác như đã gặp ở đâu đó và chắc chắn, nhân vật Thái Tổ Lý Công Uẩn của tôi sẽ không giống ông Lý Công Uẩn đang đứng ở Hồ Hoàn Kiếm và ông ấy sẽ không nhảy lên cột gỗ để đánh mai hoa quyền hay thiếu lâm quyền”.
Dự kiến bộ phim sẽ bấm máy vào ngày 1.11.2008 và công chiếu trên toàn quốc vào ngày 1.5.2010. Đạo diễn Lê Đức Tiến khẳng định: Hãng phim truyện Việt Nam sẽ triển khai thực hiện bộ phim đúng tiến độ, thực hiện song song tại nhiều địa điểm ở Trung Quốc và Việt Nam. Đương nhiên việc xây dựng bối cảnh phải kéo dài hàng năm và các bối cảnh chính trong phim sẽ được xây dựng tại Việt Nam, như cung điện của các vua Lê tại Hoa Lư và các cung điện tại Thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ, đặc biệt là khu phố cổ trên bến dưới thuyền.
Thu Hường