Phiên chất vấn đầu tiên!

- Thứ Bảy, 13/11/2021, 05:53 - Chia sẻ
Hôm qua, phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp, để lại dấu ấn đậm nét về tinh thần đổi mới, dân chủ và trách nhiệm. Với 134 lượt đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn, trong đó có 12 lượt đại biểu chất vấn Thủ tướng Chính phủ, 24 lượt đại biểu thực hiện quyền tranh luận đối với các “tư lệnh” ngành chỉ trong 2,5 ngày làm việc của Quốc hội, có thể nói rằng, những vấn đề nóng nhất, được cử tri quan tâm nhất, băn khoăn nhất, bức xúc nhất thuộc 4 nhóm vấn đề chất vấn đều đã được các ĐBQH chuyển tải đầy đủ, trọn vẹn đến nghị trường và quan trọng hơn nữa là đều đã rõ trách nhiệm, có giải pháp, có cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Thành công của phiên họp đặc biệt này có sự cộng hưởng của rất nhiều yếu tố. Trong đó, trước hết phải kể đến sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi lựa chọn và đề xuất các nhóm vấn đề chất vấn. 12 nhóm vấn đề đã được Tổng Thư ký Quốc hội chắt lọc trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng đề xuất của 63 Đoàn ĐBQH - đại diện cho người dân ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, từ ý kiến của từng ĐBQH, ý kiến cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp, từ những vấn đề nổi lên qua các phiên thảo luận tổ về kinh tế - xã hội… Từ đây, Tổng Thư ký Quốc hội lại tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và tiến hành biểu quyết để chọn ra 6 nhóm vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá thêm một lần nữa, biểu quyết chọn ra 5 nhóm vấn đề trình Quốc hội, và cuối cùng Quốc hội “chốt” lại 4 nhóm vấn đề.

Phải kỹ lưỡng, nhiều vòng như thế, theo Chủ tịch Quốc hội, là bởi “chất vấn không chỉ đơn thuần là một hình thức giám sát, tăng cường trách nhiệm giải trình, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, mà còn phải bổ trợ cho Quốc hội trong thực hiện các hoạt động giám sát khác cũng như thực hiện chức năng lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”. Trong 4 nhóm vấn đề chất vấn thì có 3 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực xã hội (về lao động, việc làm, an sinh xã hội, giáo dục, y tế) và 1 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kinh tế nhưng có tính bao trùm, tổng hợp là kế hoạch - đầu tư. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đó là sự lựa chọn “tinh tế” của Quốc hội bởi các lĩnh vực này đều bị tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng vừa qua, chúng ta nói nhiều đến kinh tế mà ít, thậm chí là chưa quan tâm thỏa đáng đến các tác động xã hội dù điều này có thể gây ra những hệ lụy phức tạp và dai dẳng hơn nhiều so với những hệ lụy về kinh tế. Và như vậy, việc lựa chọn các nhóm vấn đề này không chỉ “đúng, trúng” những vấn đề cử tri quan tâm, thực tiễn phát triển đất nước đang đặt ra mà qua đó, sẽ thúc đẩy hành động của các cơ quan liên quan nhằm tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn.

Thành công của phiên chất vấn còn có sự đóng góp của một “điều chỉnh rất nhỏ” mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị với Quốc hội ngay khi bắt đầu hoạt động này. Đó là, mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi trong phạm vi 1 phút. “Có thể hỏi câu hỏi ngắn, câu hỏi dài, câu hỏi mở hay câu hỏi đóng là quyền của đại biểu nhưng cố gắng lựa chọn một hoặc cùng lắm là 2 vấn đề trọng tâm để chất vấn. Nếu một câu hỏi chúng ta nêu khoảng 5 câu hỏi nhỏ, mỗi câu hỏi nhỏ lại có mấy ý nữa thì báo cáo Quốc hội là không thể nào nhớ nổi, tôi cũng đã có lúc đứng ở vị trí này trả lời chất vấn rồi”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.

Và như vậy, vẫn là cách thức hỏi nhanh - đáp gọn, hỏi 1 phút - trả lời 3 phút đã được áp dụng hiệu quả từ nhiệm kỳ trước, nhưng Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu “chỉ chọn một hoặc vài vấn đề thấy tâm đắc nhất và quan trọng nhất để chất vấn, cố gắng có tốc độ nêu vừa phải, rõ ràng để bộ trưởng, trưởng ngành có thể ghi chép, lĩnh hội được nội dung chất vấn. Một “điều chỉnh rất nhỏ” tưởng chừng chỉ là động tác kỹ thuật, thậm chí còn hơi chi tiết quá khi Chủ tọa điều hành lưu ý cả tốc độ nói của đại biểu, nhưng hiệu quả đem lại thì có lẽ bất cứ ai theo dõi phiên chất vấn cũng đều cảm nhận được. Nội dung chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, không hỏi để được cung cấp thông tin mà trực diện vào trách nhiệm và giải pháp, hành động tới đây ra sao khiến chính các "tư lệnh" ngành cũng không thể “chệch hướng”, không thể tranh thủ diễn đàn của Quốc hội để báo cáo thành tích hay giãi bày khó khăn.  

Cùng với yêu cầu điều chỉnh cách thức đặt câu hỏi như vậy, trong quá trình điều hành, Chủ tịch Quốc hội đã tùy thuộc vào tính chất, nội dung chất vấn để mời ngay bộ trưởng trả lời, các thành viên Chính phủ khác tham gia giải trình hoặc đại biểu Quốc hội muốn tranh luận cũng sẽ được mời tranh luận ngay. Điều này tạo điều kiện để hỏi - đáp liền mạch, liên tục, không bị ngắt quãng, tính đối thoại, tranh luận tăng lên giúp vấn đề được soi chiếu ở những góc độ khác nhau, từ đó “bật” ra vấn đề mấu chốt nhất: trách nhiệm thuộc về ai, tới đây giải quyết thế nào. Với 171 lượt ý kiến trong 2,5 ngày chất vấn nhưng ít vô cùng những câu trả lời vòng vo, dài dòng hoặc né tránh trách nhiệm. Đặc biệt, trong một số tình huống, Chủ tọa điều hành đã “truy vấn” thay đại biểu hoặc cũng có thể chủ động “hạ nhiệt” để phiên chất vấn không trở nên căng thẳng. Theo dõi phiên chất vấn, nhiều chuyên gia, nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng, chính sự điều hành vừa mềm dẻo vừa quyết liệt của Chủ tọa đã góp phần quan trọng kiến tạo không khí tranh luận, dân chủ, thẳng thắn của phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ không ít lần chia sẻ rằng, những thành tựu to lớn, sự đổi mới không ngừng của Quốc hội trong các nhiệm kỳ vừa qua là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức không nhỏ với Quốc hội Khóa XV. Bởi “Quốc hội vừa qua đã rất đổi mới rồi, để tiến thêm được một bước nữa là vô cùng khó khăn”. Nhưng từ thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ này đã một lần nữa cho thấy, Quốc hội Khóa XV đang tiếp nối tinh thần đổi mới của Quốc hội đầy mạnh mẽ và hiệu quả.

Quỳnh Chi