Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp

- Thứ Ba, 14/12/2021, 05:55 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp” mới đây, đại diện các hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp, đơn vị xuất bản, phát hành sách và doanh nghiệp đều cho rằng, sách là một trong những phương tiện phát triển nền tảng tri thức cho đội ngũ doanh nhân, hoàn thiện công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, cần xây dựng giải pháp kết nối phù hợp, mở ra cơ hội phát triển mới cho văn hóa đọc trong doanh nghiệp.

Chưa tạo được phong trào

“Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp góp phần thúc đẩy doanh nhân viết và lan tỏa những kinh nghiệm sống, bài học quản trị của mình. Mỗi doanh nhân được ví như một cuốn sách sống về kinh doanh, có cuốn viết về thành công, có cuốn viết về trải nghiệm thất bại… Nếu doanh nhân chuyển tải được những bài học của mình thông qua những trang sách thì nó sẽ giúp ích được cho rất nhiều người, rút ngắn thời gian vươn lên vượt khó, làm giàu chính đáng, nhất là lớp thanh niên Việt Nam…”.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng

“Hãy xem thói quen của các doanh nhân thành công trên thế giới ngày nay, từ tỷ phú kinh doanh tài chính như Warren Buffett đến các tỷ phú công nghệ như Bill Gate và Steven Job; tỷ phú đi lên từ thất bại Jack Ma hay tỷ phú sáng tạo Elon Musk, họ đều là mọt sách. Trong đó, Bill Gate đọc khoảng 50 cuốn mỗi năm; Elon Musk nhiều hơn, mỗi ngày dành gần 10 giờ để đọc sách”, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên thông tin.

Theo ông Nguyên, trong các con đường để hình thành đội ngũ doanh nhân thời đại 4.0, sách là một trong những phương tiện quan trọng, thậm chí quan trọng hàng đầu. Lan tỏa tri thức và năng lượng tích cực từ bản thân cũng là sứ mệnh mới của mỗi doanh nhân và sách là con đường để doanh nhân thực hiện sứ mệnh này. Do đó, xây dựng văn hóa đọc tại doanh nghiệp, hình thành thói quen đọc sách đến tất cả nhân sự là rất cần thiết.

Tuy nhiên, vấn đề này tại một số doanh nghiệp còn vấp phải nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có thời gian do áp lực công việc, gia đình, bạn bè… và đa số công ty, doanh nghiệp không chú trọng đưa văn hóa đọc vào chương trình đào tạo, hoạt động, dẫn đến nhân viên và ngay cả người quản lý ít có cơ hội được tiếp cận với các đầu sách phù hợp.

Nhà sáng lập Sbooks Nguyễn Anh Dũng cho hay, thông thường có 4 nguyên nhân dễ thấy: Không có sách phù hợp; cán bộ, công nhân viên không có thời gian đọc sách hoặc không tạo được phong trào đọc sách; nhân sự thiếu động lực và lý do để đọc sách; thiếu sự kết nối giữa sách với người đọc.

Xây dựng cách tiếp cận toàn diện

Nhằm lan tỏa tinh thần đọc sách cho doanh nghiệp, tạo nên văn hóa đọc riêng, phát triển bền vững doanh nghiệp, giúp nhân sự trong doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn với sách, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sách Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình cho rằng rất cần một chiến lược và cách tiếp cận toàn diện. "Mục tiêu chính là biến doanh nghiệp trở thành tổ chức học tập. Muốn được như vậy, nên xây dựng hệ sinh thái bao gồm 3 cột trụ chính: Sách và tri thức; không gian đọc và các hình thức khuyến đọc, trao đổi, thảo luận; các hoạt động khuyến đọc thông qua giải thưởng/vinh danh và con người”.

Tủ sách doanh nhân của Sbooks được nhiều độc giả quan tâm tại Tuần lễ Doanh nhân và Sách năm 2021

Nguồn: baogiaothong.vn 

Trong vai trò Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam (VICC), ông Nguyễn Cảnh Bình từng chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các chương trình đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp, của cộng đồng như: Hành trình tri thức, Cùng đọc sách, Đại sứ Văn hóa đọc… Ông Bình cho biết, sách là một trong những phương tiện phát triển nền tảng tri thức cho đội ngũ doanh nhân, hoàn thiện công việc kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nhân trong vai trò lãnh đạo cần xác định điều này để làm gương, lan tỏa tinh thần đọc sách cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, tại Sbooks việc phát triển văn hóa đọc được chú trọng ngay từ thời kỳ đầu thành lập. Vì thế, đơn vị có rất nhiều phong trào, chương trình khuyến đọc, xây dựng thói quen cho nhân viên và biến việc đọc sách trở thành niềm vui. "Chúng tôi muốn mỗi nhân sự tìm thấy động lực đọc sách ngay ở bản thân mình. Việc đọc không chỉ là tìm kiếm tri thức, mà còn là cách để lắng nghe nội tâm, phần nào hình thành và hoàn thiện những điểm còn thiếu sót của chính mình. Động lực như vậy mới có thể lâu dài".

Góp ý thêm các giải pháp, đại diện Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần thay thế hoạt động giải trí của cán bộ công nhân viên trong giờ nghỉ bằng những “giờ thư thái tâm hồn” bên kệ sách, tủ sách tại không gian nghỉ ngơi, sinh hoạt chung. Ngoài ra, việc xây dựng các hội, nhóm trong nội bộ công ty để chia sẻ và nêu cảm nhận về cuốn sách mình yêu thích với đồng nghiệp và lãnh đạo cũng là cách mỗi nhân viên phát triển khả năng viết, giao tiếp, giúp mọi người gần nhau hơn, cùng giúp đỡ nhau trong công việc cũng như cuộc sống.

Hà Linh