Phát triển thư viện số trong thư viện đại học

- Thứ Hai, 13/12/2021, 20:05 - Chia sẻ
Từ những năm 1990, thư viện đại học Việt Nam dần chuyển đổi từ mô hình thư viện truyền thống sang mô hình thư viện hiện đại với những bước đi đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục, hỗ trợ hoạt động tra cứu, tìm kiếm thông tin. Sang thập niên đầu thế kỷ XXI, thư viện số (TVS) được triển khai trong nhiều thư viện đại học với việc ứng dụng phần mềm quản trị thư viện tích hợp. Đến nay, TVS đã phổ biến trong các thư viện đại học trên cả nước, phát huy vai trò quan trọng trong phục vụ nhu cầu người sử dụng.
Thư viện Trường ĐH Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên                                                                 
Nguồn: htqt.tueba.edu.vn

Lưu trữ thông tin và tăng khả năng tìm kiếm

TVS có chức năng cung cấp hệ thống tri thức khoa học đầy đủ và luôn cập nhật thông tin mới, là bộ phận không thể thiếu của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong môi trường đại học, với khả năng cung cấp tối đa thông tin, tài liệu cho bạn đọc, vai trò của thư viện số càng được khẳng định. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, vai trò của TVS rất lớn, thể hiện rõ nhất qua 3 khía cạnh.

TVS chọn lọc và lưu trữ các tài nguyên thông tin số. Theo đó, tất cả tài liệu của thư viện truyền thống như sách, bài báo, phim, ảnh chụp, bản nhạc, bản đồ và các loại tài liệu lưu trữ khác đều có thể được số hóa và lưu trữ trong kho chứa của TVS.

Định dạng số hóa, metadata lưu trữ trong TVS có thể được tái sử dụng để sản xuất sản phẩm dạy và học điện tử (e - learning productions), ví dụ như gói tài liệu giáo khoa (course - packages), tài liệu giảng dạy dựa trên ứng dụng web...

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, việc đào tạo từ xa đã và đang trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn nhờ sự trợ giúp của TVS. TVS còn cung cấp các chương trình đào tạo thông qua mạng diện rộng toàn cầu (World Wide Web) của các trường cao đẳng, đại học.

Đối với xã hội nói chung và những người làm công tác thư viện nói riêng, TVS mang lại nhiều lợi ích to lớn. Cụ thể, tăng cường khả năng tìm kiếm và chia sẻ thông tin; tăng cường sự cộng tác giữa các bộ phận nghiệp vụ trong cùng một cơ quan thông tin - thư viện, giữa thủ thư với người dùng tin, giữa các cơ quan thông tin - thư viện thông qua các hoạt động liên kết và chia sẻ nguồn tin...  

Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt internet và TVS đang làm phẳng thế giới và làm giảm khoảng cách giữa mọi người, ai cũng có cơ hội tiếp cận thông tin khắp nơi trên thế giới một cách bình đẳng, không phụ thuộc vào vị trí địa lý, thời gian.

Tổ chức thư viện số tại đại học Việt Nam

Là hệ thống luôn tiên phong trong hiện đại hóa, tin học hóa, thư viện đại học Việt Nam sớm áp dụng các chuẩn nghiệp vụ tiên tiến cùng với việc đưa công nghệ thông tin và truyền thông vào hoạt động. Các lớp tập huấn hội thảo về Bảng Phân loại Dewey, Khổ mẫu MARC, Quy tắc biên mục AACR2, phần mềm nguồn mở Dspace, GreenStone, Khổ mẫu Dublin Core, tài nguyên giáo dục mở... được 2 Liên Chi hội Thư viện Đại học Khu vực phía Bắc và phía Nam tổ chức đã trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ thư viện. Nhờ đó, thư viện đại học Việt Nam đã cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ thông tin - TVS hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin, tài liệu của thầy và trò các nhà trường.

Nhiều thư viện đại học được đầu tư hệ thống phần mềm và trang thiết bị công nghệ
Nguồn: caodangykhoa.vn

Để xây dựng và phát triển TVS, các thư viện Việt Nam cần đặc biệt lưu ý:

Trước hết là yếu tố công nghệ: Triển khai TVS phải có đầy đủ bộ công cụ tương ứng. Sản phẩm và dịch vụ của TVS khó có thể xây dựng và vận hành nếu thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại với bộ phần mềm hoàn chỉnh, có thể cung cấp các giải pháp công nghệ tối ưu. Cùng với nó là hệ thống trang thiết bị bảo đảm thực hiện tự động hóa, tin học hóa cho toàn bộ chu trình tổ chức, hoạt động thông tin - thư viện để triển khai công nghệ nội dung, công nghiệp nội dung số.

Ngoài các công nghệ phần mềm, thiết bị tự động hóa góp phần quan trọng vào tăng cường trải nghiệm giữa người và máy, giảm tải rất lớn công việc quản lý của thư viện, nâng cao chất lượng và thời gian phục vụ người đọc. Đáng mừng là nhiều thư viện đại học của Việt Nam đã được đầu tư hệ thống phần mềm và trang thiết bị công nghệ khá tốt, bảo đảm vận hành thư viện hiện đại.

Yếu tố thứ hai là dữ liệu lớn: Một số xu hướng sẽ ảnh hưởng mạnh tới việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong các thư viện như tạo lập, quản trị dữ liệu lớn; nâng cao trải nghiệm người dùng; tương tác đa chiều; tái cấu trúc không gian thư viện; liên kết, hợp tác chặt chẽ mạng lưới thư viện quốc gia, khu vực và quốc tế; ứng dụng mạng xã hội... Đặc biệt, những đột phá công nghệ sẽ diễn ra với tốc độ rất nhanh theo cấp số nhân chứ không theo cấp số cộng như trước đây. Trong đó, tự xuất bản sẽ trở thành xu thế phổ biến tại các tổ chức thông tin - thư viện. Bên cạnh nhiệm vụ thu thập, quản trị, phân phối thông tin/tư liệu và tạo các siêu dữ liệu, thư viện đại học sẽ đẩy mạnh hoạt động tái tổ chức thông tin, dữ liệu để xuất bản các sản phẩm thông tin khoa học, công nghệ mới…

Yếu tố thứ ba là con người: Cách mạng Công nghiệp 4.0 tác động rất lớn đến con người. Phổ biến là sự tích hợp người - máy trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Người làm thư viện trong giai đoạn mới cần sớm thích ứng, sẵn sàng đối mặt với sự thay đổi. Cùng với đó, chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng ngành thông tin thư viện cũng cần thay đổi mang tính đột phá để sản phẩm đầu ra là con người có đầy đủ ý thức và kỹ năng của công dân toàn cầu. Ngoài kiến thức nghiệp vụ thông tin - thư viện, nhân viên thư viện cần bổ sung các khối kiến thức tin học, ngoại ngữ, khả năng phân tích, thẩm định tài liệu cùng các kỹ năng mềm.

 

TS. Nguyễn Huy Chương