Phát triển theo tín hiệu thị trường

- Thứ Hai, 29/11/2021, 06:05 - Chia sẻ
Để tạo bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đồng Nai đã và đang tổ chức liên kết các vùng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao về sản xuất giống, cung cấp quy trình, công nghệ sản xuất để từ đây xuất khẩu đi nhiều nơi khác.
Tỉnh Đồng Nai đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản
Nguồn: ITN

Từ vùng chuyên canh đến mạng lưới tiêu thụ

Phát triển nông nghiệp bền vững nhờ xây dựng các chuỗi liên kết giữa các vùng sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến là mục tiêu của ngành nông nghiệp đặt ra trong giai đoạn tới. Theo đó, vài năm trở lại đây, Đồng Nai không chỉ quan tâm đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh nông nghiệp mà còn xây dựng chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất), cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao (huyện Cẩm Mỹ), cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán)…

Với lợi thế gần với cảng hàng không quốc tế Long Thành, đô thị Long Giao được định hướng phát triển trở thành vùng đệm phụ trợ cho sân bay với các dịch vụ logistics, công nghiệp phụ trợ phục vụ cho hàng không… Theo kế hoạch đầu tư công của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 bằng ngân sách tỉnh, tuyến hương lộ 10 nối trung tâm hành chính của huyện Cẩm Mỹ với đoạn quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Xuân Lộc sẽ được đầu tư, kết nối Cẩm Mỹ với các địa phương lân cận. Khi đó, Long Giao sẽ trở thành trung tâm trung chuyển nông sản cho các xã của Cẩm Mỹ đi nhiều nơi.

Đánh giá những lợi thế để Đồng Nai phát triển những vùng liên kết trong sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ, ông Trương Minh Tiến - Giám đốc Công ty CP Bất động sản Thống Nhất (TP. Biên Hòa), chủ đầu tư dự án chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây, cho biết, Đồng Nai có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi để tiếp cận những thị trường lớn trong tiêu thụ nông sản, nhất là kết nối với nhiều tuyến đường cao tốc lớn, thuận lợi đưa hàng đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác cũng như tham gia xuất khẩu. Hiện nông sản của tỉnh đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50 - 60% trên tổng sản lượng nông sản tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây. Đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản của tỉnh mà của cả khu vực với mục tiêu vươn lên tầm quốc tế, góp phần đưa nông sản nội địa tham gia sân chơi hội nhập.

Nhìn từ tiềm năng quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành với công suất 100 triệu hành khách/năm là một thị trường tiềm năng rất lớn cho nông sản Đồng Nai cộng thêm các giải pháp tích hợp công nghệ 4.0 và xây dựng thương hiệu sẽ hứa hẹn đưa nông sản Đồng Nai cất cánh trong tương lai gần.

Bắt kịp xu hướng thị trường

Tháng 6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 với mục tiêu nâng cao giá trị, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.

Bắt kịp xu thế thị trường, đòi hỏi của người tiêu dùng về các sản phẩm nông sản hữu cơ, nông sản an toàn, tại Đồng Nai, những mô hình sản xuất nông sản hữu cơ ở quy mô nhỏ đã thu thút được sự tham gia của đông đảo giới trẻ khởi nghiệp bởi những sản phẩm nông sản này luôn được thị trường ưu ái lựa chọn vào giỏ hàng tiêu dùng.

Cụ thể, theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2020 tỉnh đã hỗ trợ cho hàng trăm hecta cây trồng thực hiện thủ tục đánh giá tư vấn cấp chứng nhận VietGAP. Trước đó, Đồng Nai được biết đến là tỉnh đi đầu trong hình thành các vùng chuyên canh với những cây nông nghiệp mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nên gần đây ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, các vùng trái cây đặc sản VietGAP, GlobalGAP như bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu); vùng chôm chôm VietGAP (xã Bình Lộc, TP. Long Khánh); vùng sầu riêng VietGAP (huyện Long Thành)... đang dần trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Xác định đây là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nhiều dự án nông nghiệp hữu cơ với vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng đã được hình thành. Nông nghiệp Đồng Nai thời kỳ 4.0 định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp nhìn vào tín hiệu thị trường và theo quy mô hàng hóa lớn. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư cho nhãn hàng hóa và khâu quảng bá với mục tiêu tạo những tên tuổi, thương hiệu nông sản lớn được thị trường nhận diện mà nông sản hữu cơ chính là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho nông sản Đồng Nai.

Nhằm định hướng và đồng hành cùng nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch với mục tiêu chuyển dần tập quán canh tác của nông dân từ hướng sản xuất nông nghiệp vô cơ sang sản xuất hữu cơ, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản địa phương, tạo sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nhiều lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ được tổ chức đã mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân cả về hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả về mặt xã hội.

Tận dụng những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, con người và thị phần sản phẩm nông sản, Đồng Nai hứa hẹn sẽ trở thành vùng trồng trọt, chăn nuôi có ưu thế hàng đầu cả nước.

Tâm Anh