Nâng cao giá trị rừng trồng
Năm 2014, cụm từ “Chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn” lần đầu tiên được đưa ra tại Quyết định số 774/QĐ- BNN-TCLN ngày 18.4.2014 của Bộ NN - PTNT về việc phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng suất và giá trị rừng trồng.Theo đó trong giai đoạn từ năm 2014 - 2020 cả nước sẽ chuyển 110.000ha rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, với 2 loài cây chủ yếu là keo lai và keo tai tượng. Luật Lâm nghiệp năm 2017 khuyến khích các thành phần kinh tế thực hiện chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi thích hợp.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, Bộ NN - PTNT giao cho Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì thực hiện Dự án Trồng rừng thâm canh gỗ lớn (keo lai, keo tai tượng) và chuyển hóa rừng cung cấp gỗ nhỏ sang gỗ lớn được thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2019 tại các tỉnh Yên Bái, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Trị và Cà Mau với quy mô chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn 1.120ha (trong đó 360ha keo lai, 760ha keo tai tượng). Theo báo cáo Tổng cục Lâm nghiệp, đến tháng 10.2019 đã trồng 175.535ha, đạt 82,7% kế hoạch năm; bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Rừng phòng hộ, đặc dụng: 7.179 ha; Rừng sản xuất: 168.357ha. Trồng cây phân tán: 47,8 triệu cây phân tán các loại, bằng 100,9% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng diện tích chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn là 1.140ha đạt 101,8% kế hoạch, tại 86 xã, 58 huyện. 451 hộ tham gia.
Thạc sĩ Nhữ Văn Kỳ, Chủ nhiệm dự án chuyển hóa rừng trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn keo lai và keo tai tượng - Tổng cục Lâm nghiệp, cho biết, hiện có khoảng 322,6ha diện tích chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn đã được thực hiện tỉa thưa 2 lần, rừng trồng từ 8 - 10 năm, mật độ hiện tại khoảng 550 - 600 cây/ha, đường kính bình quân từ 18 - 22cm, chiều cao từ 16 - 18m, trữ lượng bình quân từ 140 - 200m3/ha, năng suất đạt khoảng 18 - 20m3/ha/năm.
So với rừng trồng gỗ nhỏ năng suất bình quân không cao hơn nhưng số cây ít hơn đường kính cây to hơn. So với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo lai và keo tai tượng, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha, thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.
Những chuyển biến tích cực
Ông Nguyễn Anh Ðức ở xã Văn Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) là một trong những người đến với nghề trồng rừng sớm nhất và có diện tích rừng lớn nhất. Thế nhưng gần đây, ông đã có suy nghĩ khác khi đánh giá lại hiệu quả của nghề rừng. Ông Ðức cho rằng, ở miền tây Lệ Thủy, do gỗ rừng trồng đường kính còn nhỏ chỉ có thể bán để làm dăm gỗ cho nên giá trị khoảng 45 - 50 triệu đồng/ha. Mức thu nhập này chỉ mới giúp người dân sống được với nghề trồng rừng chứ chưa thể làm giàu. Vì vậy, phải tìm cách nâng giá trị cây rừng để tương xứng với công sức, vốn đầu tư và tiềm năng của vùng đất. “Ðược cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về trồng rừng gỗ lớn và từ kinh nghiệm trồng rừng của mình, tôi quyết định sẽ kéo dài thời gian khai thác để đường kính cây lớn hơn, bán giá cao hơn” - ông Ðức nói. Không chỉ ông Ðức mà nhiều người trồng rừng ở Lệ Thủy đều có chung nhận xét, trồng rừng mà thu hoạch sớm theo kiểu “ăn non” thì mới mang lại nguồn thu trước mắt chứ chưa tính đến lợi ích lâu dài. Ðó là chưa nói tới việc nhiều doanh nghiệp thu mua thường xuyên ép giá người trồng rừng với lý do giá gỗ dăm xuống thấp.
Men theo những con đường rợp bóng cây xanh, chúng tôi ghé thăm trang trại rừng của gia đình ông Lâm Ngọc Hải - Bắc Giang một mô hình phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn hiệu quả, sáng tạo, rất đáng học hỏi, thể hiện được nỗ lực và tâm huyết của người làm. Ông Hải cho biết: “Mức đầu tư bình quân 15 triệu đồng cho 1 ha trồng, chăm sóc và bảo vệ... rừng gỗ lớn. Những năm vừa qua, nhiều tư thương đến “gạ” khai thác gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy giá từ 1,1 đến 1,2 triệu đồng/1 tấn, nguồn thu chưa trừ chi phí khoảng 70 triệu đồng/ha”. Từng có kinh nghiệm nhiều năm nhận khoán bảo vệ và phát triển rừng nên vợ chồng ông Hải nhẩm tính: “4 năm tới là giai đoạn rừng keo của gia đình tăng sinh khối nhanh, năng suất bình quân đạt hơn 20m3/1 ha/năm và giá bán gỗ lớn tăng khoảng 3 lần, doanh thu bình quân đạt hơn 350 triệu đồng/ha”.
Đến Thanh Hóa vào thăm khu rừng của Ông Nguyễn Văn Tám ở xã Xuân Lộc (huyện Thường Xuân), gia đình ông đã thực hiện chuyển hóa 5ha rừng từ năm 2014, năm 2018 đã thực hiện tỉa thưa lần 2, hiện nay đường kính cây to đã đạt 30cm. Ông đã đưa ra so sánh, rừng trồng keo tai tượng để lấy gỗ lớn có chu kỳ từ 12 - 14 năm, sản lượng gỗ ước đạt 220m3/ha, trị giá 300 triệu đồng. Trong khi đó, một chu kỳ khai thác rừng trồng keo cho gỗ nhỏ (bình quân 6 năm sẽ khai thác) chỉ đạt sản lượng 80m3/ha, trị giá 60 triệu đồng. Việc trồng rừng gỗ nhỏ cũng đòi hỏi phải tái đầu tư trồng lại bao gồm chi phí giống, công trồng, chăm sóc ban đầu và có nguy cơ cháy cao hơn so với rừng gỗ lớn.
Dự án Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ cung cấp gỗ lớn giai đoạn 2014 - 2019 đã đạt được những nội dung và mục tiêu đề ra, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân thông qua việc xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền về hiệu quả phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn. Để nhân rộng mô hình công tác tuyên truyền về hiệu quả kinh tế về trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng cần được tăng cường kết hợp thực hiện chủ trương xã hội hóa các nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước cùng các chính sách hỗ trợ đi kèm như bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng, xây dựng mô hình …để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển rừng trồng cung cấp gỗ lớn.