Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Thứ Tư, 22/12/2021, 07:12 - Chia sẻ
Xác định ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất là góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, Long An đã và đang tích cực triển khai các giải pháp cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng hạ tầng, áp dụng khoa học và công nghệ. Nhờ đó, nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, cũng như thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU, ngày 2.11.2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng rau và nuôi tôm nước lợ gắn với tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, huyện Cần Giuộc đã tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đến nay, toàn huyện có trên 1.000ha rau ứng dụng công nghệ cao ở các xã: Phước Hậu, Phước Lý, Mỹ Lộc, Long Thượng... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay, nhờ chú trọng công tác phối hợp các sở, ngành trong xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản, tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất nên các sản phẩm rau của huyện đã dần xây dựng được thương hiệu. Theo đó, thu nhập của nông dân tăng đáng kể; nông sản của huyện được tiêu thụ rộng rãi, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như mở ra cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân. Đến năm 2025, toàn huyện phấn đấu có 1.300ha đất trồng rau công nghệ cao.

	Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho nông dân Nguồn: ITN
Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao góp phần tăng thu nhập cho nông dân
Nguồn: ITN

Tại huyện Cần Đước, những năm qua, diện tích rau được duy trì ổn định trên 600ha/vụ; năng suất ước đạt gần 16 - 18 tấn/ha, tập trung tại 6 xã: Phước Vân, Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Mỹ Lệ, Tân Trạch. Trong đó, xã Long Khê được xem là vùng rau lớn nhất của huyện với trên 160ha. Trong đó, chủ yếu trồng các loại như xà lách, rau muống, cải, rau thơm... cung cấp cho các chợ đầu mối, thương lái trong và ngoài huyện.

Nhiều nông dân chia sẻ, trồng rau sạch theo chuẩn VietGAP là một trong những tiêu chuẩn bảo đảm cho chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm, có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng. Do lắp đặt hệ thống tưới tự động nên không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Ngoài ra, việc sử dụng phân hữu cơ giúp cải tạo đất, giảm sâu, bệnh, thuốc bảo vệ thực vật và không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ đó, giảm được chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Từ đó, tạo ra các sản phẩm có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới. Nói cách khác, các mô hình ứng dụng công nghệ cao đang mang lại thu nhập cao hơn so với lối canh tác truyền thống.

Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Long (xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa), từ 15 thành viên ban đầu, sản xuất trên diện tích 22ha, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, bên cạnh nhiều chính sách ưu đãi cho các thành viên, hợp tác xã đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sử dụng máy bay không người lái để phun xịt thuốc trên đồng ruộng, góp phần nâng dần chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Đến nay, Hợp tác xã tổ chức phun xịt dịch vụ được gần 300ha cho nông dân một số xã lân cận trên địa bàn huyện Đức Hòa và Đức Huệ. Hiện nay, có nhiều hộ nông dân liên hệ Hợp tác xã An Long để thuê sử dụng dịch vụ máy bay không người lái trong sản xuất vì thấy được hiệu quả thiết thực của việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào đồng ruộng.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng nông nghiệp

Việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Long An đã và đang khẳng định được cả về số lượng và chất lượng sản phẩm. Điều này không chỉ giúp thu nhập của người dân ngày càng nâng lên, mà còn góp phần không nhỏ trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đây là kết quả của việc các cấp chính quyền địa phương luôn chú trọng, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng nông nghiệp. Qua đó, người dân yên tâm mở rộng quy mô sản xuất để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Cụ thể, hầu hết các tuyến đường tại xã Long Khê, huyện Cần Đước đều đã được mở rộng lên 4m và được cứng hóa, bê tông hóa để thuận tiện cho việc giao thương. Các công trình thủy lợi nội đồng cũng được quan tâm đầu tư, cung cấp đủ nguồn nước tưới. Còn tại huyện Cần Giuộc, công tác xây dựng các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng cũng được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện; đồng thời, thường xuyên kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao trên địa bàn huyện, bảo vệ các công trình thủy lợi, chống triều cường và xâm nhập mặn…

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp thông qua việc ban hành thực hiện các chính sách hỗ trợ, tạo động lực để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp. Cùng với đó, tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và huy động nguồn lực từ xã hội hóa để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Nhật Phương