Thành phố Cần Thơ

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 06:43 - Chia sẻ
Khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh, tiếp tục triển khai đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh thành phố năm 2020, Kế hoạch triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở, đặc biệt là các khu vực, địa điểm có nguy cơ sạt lở cao… Đó là những kết quả nổi bật được báo cáo qua thực hiện Nghị quyết số 18/NQ-HĐND ngày 10.7.2020 về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 17, HĐND thành phố Cần Thơ Khóa IX đối với lĩnh vực nông nghiệp - phát triển nông thôn.

Nhân rộng các mô hình nông nghiệp đô thị

Thực hiện yêu cầu sơ kết, đánh giá hiệu quả, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị gắn với phát triển du lịch, làng nghề, chương trình xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP), thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với phát triển kinh tế hợp tác, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đối với nông nghiệp đô thị, khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp đô thị gắn với quy hoạch vành đai xanh của thành phố, thành phố tiếp tục triển khai đề án Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh thành phố Cần Thơ năm 2020, Kế hoạch triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy.

Phát triển làng hoa cảnh tại vùng ngoại ô TP Cần Thơ để thu hút khách du lịch - Ảnh K. Vân
Phát triển làng hoa cảnh tại vùng ngoại ô TP Cần Thơ để thu hút khách du lịch
Ảnh K. Vân

Kết quả: Hình thành các vùng sản xuất hoa kiểng phục vụ Tết Nguyên đán, ngày rằm... với diện tích trên 65ha, 405 hộ tham gia sản xuất tại các quận, huyện. Phát triển sản xuất nấm với chủng loại đa dạng. Đến nay, đã xây dựng một số mô hình nấm rơm trong nhà có lắp đặt hệ thống tưới phun tại Ô Môn, Cờ Đỏ. Xây dựng nhãn hiệu “Đông trùng hạ thảo” tại Thị trấn Phong Điền, nhãn hiệu tập thể “Nấm bào ngư Thới An Đông” và liên kết tiêu thụ với siêu thị cung ứng 15-20kg/ngày. Phát triển phong trào nuôi cá cảnh với 13 cơ sở năng lực cung ứng khoảng 26 triệu cá cảnh bột cho thị trường. Nhiều mô hình cá cảnh mang lại hiệu quả kinh tế sau 3,5 - 5 tháng.

Thành phố Cần Thơ có 4 làng nghề đã được UBND thành phố công nhận. Các làng nghề tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị và đang hoạt động khá ổn định, trong đó đã hình thành 2 hợp tác xã, 50 doanh nghiệp với khoảng 869 hộ và trên 4.200 lao động tham gia. Doanh thu hàng năm ước đạt 138 tỷ đồng, mức thu nhập của người lao động bình quân từ 80.000 - 250.000 đồng/ngày. Điển hình như Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng, Thốt Nốt hiện có 105 hộ hoạt động và giải quyết việc làm khoảng 700 lao động; doanh thu ước đạt 45 tỷ đồng/năm. Cùng với đó, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm đã gặt hái được một số thành công ban đầu. Thành phố có 36/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 4/4 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới, hoàn thành trước 1 năm so với Nghị quyết của Thành ủy đề ra. Công nhận 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm 2020, công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 7/36 xã.

Huy động vốn xây dựng các công trình kè chống sạt lở

Thực hiện yêu cầu nâng cao năng lực dự báo tình hình khí tượng thủy văn, triều cường, hạn hán, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố) đã chủ động liên hệ chặt với Đài Khí tượng Thủy văn thành phố về công tác dự báo tình hình khí tượng thủy văn; đặc biệt là tình hình triều cường dâng cao trên sông Hậu. Trên cơ sở các bản tin dự báo triều cường, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố đã tham mưu sớm, kịp thời, tương đối chính xác mực nước đỉnh triều cho Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thành phố có những chỉ đạo kịp thời…

Đối với việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở, đặc biệt là các khu vực, địa điểm có nguy cơ sạt lở cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát, khảo sát thực tế các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở cao trên địa bàn các quận, huyện. Trên cơ sở đó để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về sinh mạng và tài sản của người dân và Nhà nước do sạt lở bờ sông, kênh rạch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị UBND thành phố và các bộ, ngành trung ương hỗ trợ thực hiện các giải pháp chống sạt lở. Theo đó, bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng chống sạt lở bờ sông, khuyến khích Nhân dân bảo vệ cây cối ven sông, không xây cất nhà cửa lấn chiếm lòng sông, không khai thác đất, cát ven sông. Tham mưu UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch bố trí dân cư đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, sẽ sắp xếp, bố trí ổn định dân cư cho các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai (khu vực chịu ảnh hưởng sạt lở), nhằm ổn định và nâng cao đời sống của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai... Đối với những hộ có nguy cơ sạt lở cao, bắt buộc phải bố trí di dời đến nơi ở mới.

Bên cạnh đó, tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở, ưu tiên thực hiện trước tại những khu vực đặc biệt nguy hiểm, có nguy cơ cao xảy ra sạt lở tại những khu vực dân cư, cơ sở hạ tầng quan trọng. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các sở, ban, ngành thành phố và UBND quận, huyện đã tham mưu cho UBND thành phố đầu tư xây dựng các công trình kè bảo vệ bờ với mục tiêu chống sạt lở, kết hợp di dời dân cư sống ven sông vào vùng ổn định và chỉnh trang đô thị…

LÊ THƯ