Phát triển nông nghiệp 4.0

Nắm bắt cơ hội, tăng tốc phát triển trong bối cảnh mới

- Thứ Ba, 10/11/2020, 22:11 - Chia sẻ
Nghiên cứu các nước thấy rằng, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành xu hướng và được Chính phủ quan tâm, chú trọng phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, internet vạn vật, điện toán đám mây… là cơ hội để Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu

Tại Việt Nam, qua 30 năm đổi mới, ngành Nông nghiệp đã đạt được những thành tựu quan trọng, giá trị sản phẩm gia tăng nhiều lần, sản lượng nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, thu nhập và đời sống người nông dân được cải thiện. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp hàng hóa chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Việt Nam. Thực tế, quy mô sản xuất nhiều ngành hàng còn manh mún, chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản chưa cao.

Mặt khác, khu vực nông thôn Việt Nam chiếm khoảng 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động với hàng triệu mảnh ruộng nhỏ lẻ; sự bùng nổ của khoa học công nghệ (KHCN), quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi chất lượng nông sản càng cao cùng với diện tích đất bị thu hẹp do đô thị hóa, do biến đổi khí hậu trong khi dân số tăng nên nhu cầu lương thực không ngừng tăng lên… là những thách thức rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu.
Ảnh: ITN

Giải bài toán cho các vấn đề này, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được xem là xu hướng tất yếu. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới KHCN được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng KHCN giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường.

Tại “Tuần lễ kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2020”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, KHCN và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong mô hình chuyển đổi tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Trong những năm qua Việt Nam luôn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chính vì vậy, KHCN và đổi mới sáng tạo đã góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp, phát triển nông thôn mới.

Chia sẻ tại Hội thảo "Ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa cho nông nghiệp công nghệ cao", Phó Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ Vũ Anh Tuấn cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin là đòi hỏi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiến tới nền nông nghiệp 4.0

Chia sẻ về hướng tiếp cận trí tuệ nhân tạo (AI) trong nông nghiệp tự động hóa (CNC) TS. Phạm Thị Thu Hồng, Khoa Công nghệ thông tin, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, vào năm 2050, nền nông nghiệp cần tăng năng suất từ 60 - 110% để đáp ứng nhu cầu lương thực trong khi diện tích đất nông nghiệp mở rộng mới chỉ tăng dưới 5%. Trong khi đó, nền nông nghiệp phải đối diện với những thách thức như: nâng cao năng suất, biến đổi khí hậu (thay đổi nhiệt độ và lượng mưa, tác động gia tăng của thảm hoạ thiên nhiên: bão, lũ lụt, hạn hán); sâu bệnh; hệ thống tưới tiêu, giám sát sức khoẻ đất và cây trồng…

Trước thực tế này đòi hỏi phải canh tác thông minh để nâng cao năng suất, giảm thiểu tác động và thích ứng với biển đổi khí hậu. Và ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot tự động là một trong những sản phẩm cần thiết cho một nền nông nghiệp hiện đại.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và robot tự động trong nền nông nghiệp hiện đại.

Ảnh: ITN

Việc sử dụng robot nông nghiệp nhằm đáp ứng tự động hoá vào nông nghiệp tạo ra những tiến bộ trong ngành nông nghiệp đồng thời giúp nông dân tiết kiệm tiền và thời gian. Robot nông nghiệp sử dụng trong các hệ thống sinh học như nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản, thay thế các kỹ thuật thông thường làm cho nhiều công việc đơn giản hơn, nhanh hơn và hiệu qủa hơn. Việc sử dụng Robot trong nông nghiệp sẽ giúp tốc độ nhanh, có thể làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm và có thể làm các công việc lặp đi lặp lại, có thể làm việc với độ chính xác.

Đồng thời, ứng dụng phần mềm, chip cảm biến, AI trong các hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản.

Đối với các sản phẩm nông nghiệp, internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (BigData) sẽ làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng trong thời gian tới. Internet vạn vật sẽ giúp chuyển từ hệ thống phân phối truyền thống sang buôn bán trực tuyến và kết nối người tiêu dùng với người sản xuất, phân tích và dự báo nhu cầu để ra quyết định sản xuất. Ngoài ra, internet vạn vật sẽ giúp tăng hiệu quả truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Mặc dù nhu cầu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là rất lớn nhưng theo TS. Phạm Thị Thu Hồng, Việt Nam vẫn gặp không ít khó khăn khi áp dụng. Đó là thiếu hụt nhân lực phát triển trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu còn thiếu cũng như chưa đáp ứng yêu cầu một số lượng lớn dữ liệu để huấn luyện thuật toán AI; chưa có chính sách thống nhất; diện tích canh tác nhỏ lẻ, chịu nhiều tác động từ môi trường…

Để hấp thụ được những công nghệ tiên tiến, từ đó áp dụng vào thực tế, cần phải chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao. Phát triển các mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp bằng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp lớn, xây dựng các mô hình vườn ươm công nghệ cao cho doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp để nhân rộng tại các địa phương. Tập trung vào nhóm thanh niên trẻ, các trang trại, hộ kinh doanh cá thể tại địa phương nhằm khơi dậy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Xuân Tùng