Phát triển nhanh, bền vững trên 3 trụ cột

- Thứ Bảy, 14/08/2021, 06:51 - Chia sẻ
Năm 2021 là năm đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tỉnh tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bám sát, cập nhật kịch bản tăng trưởng để kịp thời có giải pháp thiết thực, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Đồng thời, quan tâm tới việc xây dựng và hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để xây dựng tỉnh Phú Thọ phát triển nhanh và bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường.
Thành phố Việt Trì, Phú Thọ Nguồn: ITN
Thành phố Việt Trì, Phú Thọ
Nguồn: ITN

Bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Phan Trọng Tấn, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến giá cả một số nguyên liệu, vật tư đầu vào tăng cao, một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, việc làm của người lao động trên địa bàn tỉnh.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đó, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, linh hoạt ứng phó với dịch bệnh, nắm chắc tình hình, chủ động tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để thực hiện “mục tiêu kép”, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh ước đạt 6,22%; tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.309,9 tỷ đồng, đạt 55,8% dự toán HĐND tỉnh giao; bằng 93% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 14.068 tỷ đồng, tăng 9,1% so cùng kỳ. Giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 73,5% so với cùng kỳ. Công nghiệp - xây dựng tăng 7,25%; dịch vụ tăng 6,28%; nông lâm nghiệp tăng 3,78%. Số trường đạt chuẩn quốc gia được công nhận thêm 8 trường, bằng 50% kế hoạch; 97 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 5 xã so với đầu năm.

Nhất trí với bản báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021, nhiều đại biểu cho rằng, những tháng cuối năm 2021, dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, xã hội. Để bảo đảm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, song hành phát triển kinh tế - xã hội với phòng, chống dịch bệnh. 

Kịp thời cập nhật kịch bản tăng trưởng

Đại biểu Phùng Thanh Sơn, tổ đại biểu HĐND huyện Hạ Hòa nêu ý kiến, trong những tháng còn lại của năm 2021, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bám sát, cập nhật kịch bản tăng trưởng để kịp thời có giải pháp thiết thực, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2021. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được phê duyệt, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, có giải pháp duy trì và phục hồi hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động.

Đại biểu Trần Việt Hùng, Bí thư Huyện ủy Yên Lập cho rằng, do sự tác động của dịch bệnh đến hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh và mọi mặt của đời sống Nhân dân, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất từ 30 - 50% hoặc sản xuất cầm chừng. Mặt khác, các chi phí đầu vào tăng cao dễ dẫn đến phải dừng sản xuất hoặc phá sản, ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước, thất nghiệp và gánh nặng an sinh xã hội sẽ tăng. Vì vậy, cần có phương án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững, vượt qua những tiêu cực của đại dịch. Khi dịch được khống chế, tỉnh nên có hỗ trợ đặc thù về cải cách hành chính, ưu đãi thuế, hỗ trợ đào tạo… để các doanh nghiệp phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Ý kiến về một số giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, theo đại biểu Điêu Kim Thắng, tổ đại biểu HĐND huyện Cẩm Khê, trong thời gian tới, cần tăng cường quản lý, chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đầu tư. Bên cạnh việc đi đôi với phân cấp thẩm quyền, cần gắn trách nhiệm đối với cá nhân người đứng đầu, với tập thể trong phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân dự án.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp về việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động vay vốn hỗ trợ, phục hồi hoạt động sản xuất; giải ngân kịp thời nguồn ưu đãi đến các hộ nghèo, các đối tượng chính sách; đầu tư hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc miền núi khu vực I theo Quyết định số 861 của Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã vùng đồng bào thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Phương Hoa