Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Phát triển nguồn nhân lực, thí điểm xã hội hóa

- Thứ Năm, 20/08/2020, 05:51 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đang đặt ra nhiều thách thức cho nước ta, nhất là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Do đó, cùng với việc nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, cấp thiết phải xây dựng và ban hành Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, bảo đảm cho người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao.

Nâng chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi

Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhiều chương trình, hoạt động đã được triển khai, với nhiều thành quả đáng khích lệ. Theo đó, năm 2019, có 4.466.150 người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm (cao gấp 2 lần so với năm 2018). Tuổi thọ bình quân đạt 73,6 năm, trong đó, nam là 71 năm và nữ là 76,3 năm; khoảng 11,3 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đạt 95%, cao hơn tỷ lệ bao phủ chung (85%); cả nước có 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa lão khoa; gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho người cao tuổi; 10.183 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi.

Chăm sóc y tế là nội dung quan trọng nhất đối với đa số người cao tuổi.
Nguồn: ITN

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế Nguyễn Thị Ngọc Lan cho biết, nhiều chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025 hay những đề án/kế hoạch của địa phương, đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như triển khai dịch vụ thân thiện với gia đình và cộng đồng; hỗ trợ người cao tuổi luyện tập tự chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân làm dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Các hoạt động tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng được chú trọng thực hiện. Cùng với đó, việc xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi cũng được đẩy mạnh. Đặc biệt, nâng cao năng lực cho y tế cơ sở, bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thực hiện khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.

Bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe

Theo số liệu của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Pháp là 115 năm; Australia là 73 năm; Trung Quốc là 26 năm… nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 20 năm. Thống kê cho thấy, chỉ số già hóa năm 2019 là 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với năm 2009, tăng hơn 2 lần so với năm 1999 và đang có xu hướng tiếp tục tăng lên trong những năm sắp tới. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là hai vùng có chỉ số già hóa cao nhất cả nước, tương ứng 58,5% và 57,4%. Dự báo đến năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Thị Ngọc Lan, tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu, song già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đang đặt ra nhiều thách thức về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… nhất là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bởi, mạng lưới tình nguyện viên hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng tuy được duy trì nhưng các biện pháp can thiệp để nâng cao hiệu quả chăm sóc nói chung và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ nên kết quả còn hạn chế.

Khẳng định chăm sóc y tế là nội dung quan trọng nhất đối với đa số người cao tuổi, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng, cùng với việc nỗ lực nhiều hơn, triển khai các giải pháp đồng bộ hơn, cấp thiết phải xây dựng và ban hành Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, bảo đảm cho người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng ngày càng cao.

Đồng thời, xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; thực hiện thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đề án cũng cần dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với người cao tuổi; phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mãn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng, nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn bệnh tiến triển.

Nhật Phương