Phát triển nguồn nhân lực ngành tài nguyên - môi trường

- Thứ Bảy, 27/04/2013, 09:24 - Chia sẻ
Nguồn nhân lực - yếu tố nền tảng, quyết định nhất sự phát triển bền vững, hội nhập quốc tế của Ngành Tài nguyên và Môi trường (TN - MT) hiện nay không chỉ thiếu về số lượng, yếu về chất lượng mà còn mất cân đối trong cơ cấu ngành.

Thiếu nhiều mặt

“Cho tới nay, hệ thống tổ chức chuyên môn về bảo vệ môi trường (BVMT) tuy đã được củng cố và phát triển một bước, song vẫn còn yếu về chất lượng, thiếu về số lượng” - PGs. Ts Trần Quốc Toản, Phó trưởng Tiểu ban Văn hóa - Xã hội - Con người, Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh.

Mặc dù nguồn nhân lực của ngành TN - MT không ngừng gia tăng, với hơn 50 ngàn cán bộ, công chức, viên chức từ Trung ương tới địa phương nhưng đội ngũ cán bộ của ngành vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng; cơ cấu ngành nghề, chuyên môn nghiệp vụ cũng chưa phù hợp với chức năng nhiệm vụ được giao. Cùng với đó là cơ cấu giữa các ngành còn mất cân đối khi quá nửa tập trung vào lĩnh vực quản lý đất đai thì ngành tài nguyên nước, khí tượng thủy văn chỉ có 1% nhân lực, địa chất khoáng sản gần 2% còn lại là nhân lực được đào tạo ở những chuyên ngành khác. Hơn nữa, số lượng cán bộ, công chức về nghiệp vụ quản lý, kinh tế còn khá ít ỏi so với số lượng cán bộ được đào tạo kỹ thuật.


Sinh viên ngành TN - MT Hà Nội hoạt động thực nghiệm Nguồn: www.gdtd.vn
Không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực quan trọng này cũng là điều cần phải bàn tới. Báo cáo chiến lược BVMT quốc gia đã chỉ ra rằng, năng lực chuyên môn, trình độ, kiến thức và kinh nghiệm quản lý của đội ngũ cán bộ tại địa phương còn yếu. “Khan hiếm nhân lực được đào tạo chuyên môn là tình trạng khá phổ biến ở nhiều địa phương. Tuyển dụng những người có năng lực chuyên môn được đào tạo chính quy rất khó, kể cả các đơn vị cấp sở” - một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.

Nhiều cán bộ ở cấp xã, vùng sâu, vùng xa còn chưa nắm vững những quy định của pháp luật, chưa qua đào tạo chuyên môn, chủ yếu làm việc bằng kinh nghiệm và tự học. Nguồn nhân lực làm công tác chuyên môn không được đào tạo đúng chuyên ngành có nơi lên đến 40%. Đó là chưa kể tình trạng một bộ phận cán bộ ngành TN - MT trình độ yếu kém, sai phạm trong quá trình thực hiện công vụ, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai gây dư luận xã hội. Điều này đã dẫn tới hệ quả là hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về BVMT ở địa phương thấp, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng trong việc tham gia xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật cũng chưa phát huy được hiệu quả.

Nguyên nhân cốt lõi

Nguồn nhân lực trong lĩnh vực TN - MT yếu và thiếu do đâu, thực sự là băn khoăn của không ít người. Nhiều chuyên gia nhận định rằng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề xuất phát từ công tác đào tạo thiếu hợp lý, nhiều ngành chưa được quan tâm mở mới như TN - MT biển, kinh tế biển, các ngành liên quan đến quản lý tài nguyên nước hay biến đổi khí hậu. Hiện cả nước mới chỉ có khoảng 80 cơ sở đào tạo bậc đại học, cao đẳng các ngành, chuyên ngành về TN - MT.

Trong khi một số ngành đang thiếu nhân lực trầm trọng được rất ít sinh viên theo học như thủy văn, địa chất, khoáng sản thì ngành quản lý đất đai số lượng đào tạo đã vượt cầu. Đây là căn nguyên khiến cơ cấu nguồn nhân lực tại các ngành không đồng đều. Theo bà Nguyễn Thị Hà - Giảng viên Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, giai đoạn tới sẽ là thách thức lớn cho công tác đào tạo nguồn nhân lực khi dự kiến đến năm 2015 số lượng công chức, viên chức công tác tại đơn vị quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp cần 45 ngàn người, tập trung đào tạo từ 150 - 200 tiến sĩ, ưu tiên các lĩnh vực đất đai, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, địa chất và khoáng sản, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo, kinh tế ngành tài nguyên và môi trường.

Không ít chuyên gia nhận định rằng, việc chưa có quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo về chuyên ngành trong lĩnh vực TN - MT, thiếu đồng bộ, thiếu liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo cùng với việc chưa chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đầu tư cho đội ngũ giảng dạy chính là nguyên nhân dẫn tới chất lượng nguồn nhân lực tại nước ta chưa cao. Chính vì vậy mà “nhân lực ngành tài nguyên và môi trường muốn đáp ứng đủ số lượng, bảo đảm chất lượng với cơ cấu ngành nghề hợp lý, cần chú trọng đổi mới toàn diện chính sách đào tạo, xây dựng mới các cơ chế khuyến khích học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành cần thu hút nhân lực như khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất, khoáng sản” - đại diện Bộ TN - MT nhấn mạnh.

Để bảo đảm mục tiêu phát triển có hiệu quả nguồn nhân lực trong thời gian tới đòi hỏi phải có nguồn vốn khá lớn. Rõ ràng nếu chỉ có ngân sách nhà nước sẽ khó có thể đáp ứng đủ. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh xã hội hóa, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư theo hướng khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp thành lập cơ sở đào tạo hay tăng cường đàm phán, vận động và xúc tiến đầu tư để thu hút các nguồn vốn từ nước ngoài cho phát triển nhân lực.

Thu Trang