Khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo

- Thứ Năm, 17/09/2020, 10:22 - Chia sẻ
Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức vào sáng 17.9.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu làm chủ, ứng dụng và phát triển công nghệ với mục tiêu tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời trao đổi về thách thức và giải pháp công nghệ trong phát triển ngành năng lượng. Thông qua đó góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Trần Văn Tùng cho biết, trong giai đoạn vừa qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có bước phát triến nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả các phân ngành, lĩnh vực, bám sát định hướng và đạt được nhiêu mục tiêu đáng ghi nhận. Trong đó, đã cung cấp năng lượng, đặc biệt là cung cấp điện cơ bản đáp ứng đủ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện, chỉ số tiếp cận điện năng đứng thứ 27/190 quốc gia/vùng lãnh thổ; thuỷ điện phát triển nhanh, gần đây điện gió và điện mặt trời bắt đầu phát triển với tốc độ cao. Đặc biệt, đã huy động được nguồn lực lớn cho đầu tư phát triển với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, ngành năng lượng trở thành ngành đóng góp rất quan trọng trong việc thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. 

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, ngành năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế: các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; cơ sở hạ tầng ngành năng lượng còn thiếu và chưa đồng bộ; trình độ công nghệ trong một số lĩnh vực thuộc ngành năng lượng chậm được nâng cao, việc nội địa hoá và hỗ trợ thị trường từ các dự án trong ngành năng lượng cho hàng hoá cơ khí chế tạo sản xuất trong nước còn hạn chế...

Tại diễn đàn, chia sẻ về chính sách phát triển hạ tầng năng lượng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 55) được ban hành có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) cũng là lúc đất nước ta xây dựng chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới.

Nghị quyết 55 đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lý.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ trong việc khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng trong đó có năng lượng tái tạo (NLTT), Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu đề xuất các khuôn khổ pháp lý, xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo.

Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế bán điện từ các dự án điện NLTT như điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn, điện mặt trời theo Biểu giá bán điện cố định (FIT) trong 20 năm. Trong đó, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam tại các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11.4.2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ và cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29.6.2011 và được sửa đổi bổ sung tại Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10.9.2018 đã tạo ra sự bùng nổ của các dự án điện mặt trời, điện gió mà chủ yếu là các nhà đầu tư tư nhân phát triển.

Theo Vụ trưởng Vụ Năng lượng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đinh Thế Phúc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các cơ chế khuyến khích đối với các dự án năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện nhỏ (công suất từ 30MW trở xuống), điện gió, điện mặt trời và chất thải rắn; giá chi phí tránh được cho các nhà máy thủy điện nhỏ, sinh khối; cơ chế giá FIT áp dụng đối với các dự án điện gió, mặt trời và chất thải rắn. Trưởng Ban Chiến lược phát triển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam Lê Hải Đăng cũng cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo là xu thế chung, trong thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào công suất hệ thống điện. Tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt và cục bộ có thể sẽ gây khó khăn nhất định cho vận hành hệ thống điện và lợi ích kinh tế của các nhà đầu tư.

Xuân Tùng