Phát triển khoa học và công nghệ biển

- Thứ Ba, 15/12/2020, 21:09 - Chia sẻ
Khoa học và công nghệ biển là bộ phận của khoa học, công nghệ quốc gia, có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, kinh tế biển nói riêng. Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ biển là một trong ba khâu đột phá chiến lược được Đảng đề ra trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22.10.2018 về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước

Trình độ và năng lực về khoa học, công nghệ biển được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá Việt Nam có thể trở thành “cường quốc biển/đại dương”, hoặc “mạnh, giàu về biển” hay không. Khoa học và công nghệ biển là một yếu tố của sự phát triển xã hội và không thể tách rời lực lượng sản xuất, góp phần phân bố lại lực lượng sản xuất trên các vùng biển, đảo; bảo đảm chất lượng của các sản phẩm hàng hóa biển; bảo đảm năng suất, chất lượng của các ngành kinh tế biển.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam TS. Vũ Trường Sơn phát biểu tại Diễn đàn Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khoa học và Công nghệ biển phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam”. Ảnh: vusta

Chia sẻ tại Diễn đàn Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khoa học và Công nghệ biển phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam TS. Vũ Trường Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ, trong những năm qua, khoa học công nghệ (KHCN) biển đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của đất nước. Trong đó, góp phần phát hiện và làm rõ các đặc trưng cơ bản về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, môi trường biển; góp phần tích cực cho phát triển kinh tế - dân sinh biển, vùng ven biển và đảo; đóng góp cho bảo vệ môi trường và tài nguyên biển, bảo tồn thiên nhiên biển và ngăn ngừa, phòng tránh thiên tai; góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích biển của nước ta; xây dựng và phát triển tiềm lực KHCN biển nước nhà; công tác hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế về KHCN biển được tăng cường, chuyển biến tích cực; việc triển khai, ứng dụng công nghệ biển ghi nhận những kết quả ban đầu.

“Tuy nhiên, phát triển khoa học công nghệ biển tại nước ta còn nhiều hạn chế, chất lượng nghiên cứu chưa đồng đều và hiệu quả ứng dụng chưa cao; nhiều nội dung nghiên cứu còn dàn trải; không gian và chủ đề nghiên cứu tập dung chủ yếu ở vùng ven bờ, rất hạn chế ở vùng biển sâu, biển xa”, TS. Vũ Trường Sơn cho biết.

Khai thác tiềm năng lợi thế biển đảo Việt nam

Theo ý kiến của TS. Nguyễn Thanh Minh, chuyên gia nghiên cứu về biển Việt Nam, Việt Nam đã đưa ra chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật biển thế kỷ XXI là có sự xem xét đến bối cảnh trong nước và quốc tế. Việt Nam đã đưa ra yêu cầu cao hơn trong phát triển kinh tế xã hội đối với khoa học kỹ thuật biển. Chỉ có kỹ thuật phát triển bảo vệ quyền lợi biển, kỹ thuật khai thác tài nguyên biển, kỹ thuật bảo vệ các môi trường sinh tồn của biển mới đáp ứng được yêu cầu phát triển chấn hưng Việt Nam. Trong tiến trình hội nhập quốc tế cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy mạnh mẽ phát triển khoa học biển trên một số lĩnh vực quan trọng.

TS. Nguyễn Thanh Minh, chuyên gia nghiên cứu về biển Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chủ đề “Khoa học và Công nghệ biển phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam”. Ảnh: vusta

Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển khoa học kỹ thuật biển Việt Nam thế kỷ XXI là cần phải kiên trì bằng thái độ khoa học để xử lý tốt các quan hệ cơ bản sau: Việt Nam phải giải quyết tốt quan hệ giữa mục tiêu và việc hiện thực trên con đường phát triển khoa học kỹ thuật biển. Phải xử lý tốt quan hệ giữa khoa học kỹ thuật với kinh tế biển, giữa phát triển khoa học kỹ thuật với phát triển các ngành nghề trong mô hình phát triển khoa học kỹ thuật biển. Phải xử lý tốt quan hệ giữa khoa học kỹ thuật dùng cho việc khai thác phát triển nguồn tài nguyên biển với khoa học kỹ thuật dùng cho bảo vệ nguồn tài nguyên biển và phải xử lý tốt khoa học kỹ thuật dùng cho xây việc dựng đảm bảo quốc phòng - an ninh trên các vùng biển trong lĩnh vực phát triển khoa học kỹ thuật biển.

Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, PGS. TS. Nguyễn Hữu Dũng cho biết, nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế, vai trò của biển đảo, Việt Nam đã chủ trương phát triển kinh tế biển nhằm góp phần quan trọng trọng việc xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước trong việc bảo vệ lợi ích và chủ quyền lãnh thổ. Điều này thể hiện rõ khi Việt Nam ban hành các luật lệ cần thiết về biển và phát triển kinh tế biển: Đó là, Luật Biển (2012); Chỉ thị 20 của Bộ chính trị ngày 22.9.1997 về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Nghị quyết 09 BCHTƯ Đảng khóa X ngày 9.2.2007 về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”,  Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22.10.2018 do Hội nghị Trung ương lần thứ 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030 đến 2045” và gần đây nhất là Quyết định 647/QĐ-TTg ngày 18.5.2020 về “Phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030” và hàng loạt văn bản của chính phủ về lĩnh vực này. Việc luật hóa các hoạt động về biển sẽ tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết cho quá trình khai thác, bảo vệ biển đảo của quốc gia.

Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh, để khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá đến năm 2045, chúng ta trở thành nước mạnh về biển, muốn mạnh về biển thì chúng ta phải mạnh về kinh tế, mạnh về quốc phòng và mạnh về khoa học và công nghệ. 

Khoa học công nghệ biển thời gian tới cần phải tập trung, ưu tiên nghiên cứu các chương trình, đề tài ứng dụng khoa học, công nghệ cho các ngành kinh tế biển; Ưu tiên đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ và quản lý biển có chất lượng cao, có kiến thức cơ bản và kỹ năng nghiên cứu - triển khai ứng dụng;  Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực biển, hải đảo, đặc biệt là công tác điều tra cơ bản.

Xuân Tùng