Phát triển đồng bộ nguồn - lưới điện

- Thứ Tư, 16/06/2021, 07:05 - Chia sẻ
Theo dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) về chương trình phát triển nguồn điện, đến năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của nước ta đạt 137,2GW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%; nhiệt điện khí chiếm 21%; thủy điện chiếm 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác chiếm 29%...

Có thể thấy Quy hoạch điện VIII đã khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo, từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030. Tuy nhiên việc phát triển nguồn năng lượng này đang gặp phải nghịch lý - như ý kiến của một chuyên gia là "trở đi mắc núi, trở lại mắc sông": Chi phí đầu tư lớn nhưng không bán được điện vì hệ thống truyền tải không đáp ứng được.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo đại diện Bộ Công thương là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đặt mục tiêu phát triển điện mặt trời ở mức 850MW vào năm 2020, 4.000 MW vào năm 2025 và 12.000 MW vào năm 2030. Tuy nhiên, tại thời điểm lập và phê duyệt Quy hoạch điện VII điều chỉnh lại chưa tính đến kịch bản điện mặt trời phát triển "bùng nổ" trong giai đoạn đến năm 2020 do cơ chế khuyến khích được ban hành vào tháng 4.2017. Cơ chế này đã tạo động lực thu hút các nhà đầu tư đề xuất nhiều dự án điện mặt trời bổ sung quy hoạch. Cụ thể đến cuối năm 2018, Bộ Công thương nhận được các đề xuất bổ sung 360 dự án điện mặt trời với tổng quy mô công suất khoảng 24.000MW, đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 135 dự án với tổng công suất khoảng 10.400MW...

Như vậy, nguyên nhân căn cốt dẫn đến nghịch lý dù được dự báo sẽ thiếu điện từ năm 2021 nhưng điện mặt trời lại thừa công suất là do khâu quy hoạch không sát thực tế: Công suất phát triển quá nhanh trong khi hệ thống truyền tải không theo kịp, hệ thống lưu trữ điện cũng không được tích hợp.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều giải pháp đã được đưa ra như thúc đẩy hệ thống lưu trữ năng lượng tích hợp điện mặt trời (ESS); cho phép tư nhân tham gia đầu tư hạ tầng lưới điện truyền tải... Vậy nhưng việc thực hiện các giải pháp không đơn giản vì cần có cơ chế, chính sách cụ thể. Và thậm chí kể cả khi đã có cơ chế, chính sách thì cũng không thể "ngày một, ngày hai" có thể làm ngay được.

Cho nên, vấn đề là phải đồng thời thực hiện các giải pháp trong ngắn hạn như thực hiện giảm phát theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành; tiếp tục điều chỉnh giờ phát cao điểm cho các thủy điện nhỏ, nâng cao khả năng vận hành linh hoạt của các hệ thống nhiệt điện than, tuốc bin khí. Về lâu dài, cần áp dụng các giải pháp lưới điện thông minh hỗ trợ giám sát vận hành lưới điện, nghiên cứu hệ thống lưu trữ năng lượng, đặc biệt phải phát triển đồng bộ nguồn - lưới điện.

Trong bối cảnh tiềm năng các thủy điện lớn đã cơ bản khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt điện khí giá cao và phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thế giới, trong khi với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ và thị trường điện gió, điện mặt trời ngày càng cạnh tranh hơn so với các nguồn điện truyền thống thì việc phát triển các nguồn điện này là xu hướng tất yếu. Thế nhưng để bảo đảm bền vững, điều cốt lõi là phải tập trung vào chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện, tránh tối đa việc phá vỡ quy hoạch, dẫn đến thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu như đã xảy ra thời gian qua.

Khánh Ninh