Phát huy vai trò trụ cột của vốn đầu tư công

- Thứ Hai, 15/03/2021, 06:29 - Chia sẻ

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 1,38 triệu tỷ đồng, ngân sách địa phương 1,37 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có vốn là một chuyện, làm sao để giải ngân được lại là chuyện khác.

Như trong năm 2020, chỉ trong vòng vài tháng, Chính phủ đã phải tổ chức tới 3 hội nghị, thành lập đoàn công tác kiểm tra đồng thời đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai… nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cũng không có gì "mới"; cụ thể vẫn là do chưa có hướng dẫn về quy trình, thủ tục cập nhật giá gói thầu và thẩm quyền quyết định sử dụng chi phí dự phòng của giá gói thầu khi cập nhật giá gói thầu… dẫn đến công tác chuẩn bị đầu tư, điều chỉnh dự án và cập nhật giá gói thầu để tổ chức lựa chọn nhà thầu chậm được triển khai. Mặt khác, chính sách về giải phóng mặt bằng, tái định cư vẫn còn vướng mắc dẫn đến tình trạng khiếu kiện; một số quy định có sự thay đổi dẫn đến việc các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án lúng túng khi triển khai dự án…

Cũng bởi vậy mà ngay từ đầu năm nay, Bộ Tài chính đã xây dựng chương trình công tác với nhiều giải pháp. Cụ thể, về xây dựng chế độ, chính sách, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công trong quý I nhằm tạo khung khổ pháp lý đồng bộ. Minh bạch hóa quy trình thanh toán, quyết toán, quy định rõ trách nhiệm giữa chủ đầu tư, các đơn vị liên quan và cơ quan thanh toán trong quy trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư. Rà soát các khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công, xây dựng, quy hoạch..., từ đó kiến nghị hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, thuận lợi cho quá trình triển khai các chương trình, dự án đầu tư công...

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ thực hiện kiểm tra phân bổ vốn của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương nhằm bảo đảm giao kế hoạch vốn theo đúng Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện và giải ngân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao hiệu quả các dự án...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội như hiện nay, vốn đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng kích thích, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vậy nên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự kiến phương án phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 diễn ra vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu trong phân bổ cần tập trung vào những hạ tầng quan trọng, then chốt, tạo cú hích cho phát triển kinh tế - xã hội mở đầu cho giai đoạn 5 năm tới; cần cân đối giữa các vùng miền, chú trọng đến các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó có các bệnh viện lớn...

Mọi "nút thắt", "điểm nghẽn" liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ rõ và đưa ra giải pháp tháo gỡ cụ thể. Vấn đề còn lại là phải quyết liệt triển khai, đồng thời có chế tài nghiêm khắc với các bộ, ngành, địa phương khi chậm giải ngân, không thể để tiếp tục xảy ra tình trạng xin "trả lại" vốn. Không thể có chuyện như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ rõ tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương diễn ra hồi trung tuần tháng 7.2020 là mỗi khi Chính phủ làm việc với các bộ, ngành, địa phương đều xin vốn, nhưng có vốn rồi lại không làm đến nơi đến chốn...

Hà Ninh