Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Phát huy vai trò nòng cốt của hội nông dân các cấp

- Thứ Hai, 29/11/2021, 06:22 - Chia sẻ
Xác định rõ vai trò “chủ thể” của nông dân trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), những năm qua, các cấp hội nông dân TP. Hà Nội đã triển khai nhiều phong trào thi đua sôi nổi, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM ở nhiều địa phương.
Hội Nông dân xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) lắp đặt thùng thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng
Ảnh: Tường Vy

Thúc đẩy nhiều mô hình sản xuất hiệu quả

Tại huyện Mê Linh, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” luôn được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện chú trọng triển khai. Theo đó, nhiều hội viên nông dân mạnh dạn tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Mô hình trồng hoa hồng thế, hoa hồng chậu của ông Phạm Đức Tài (xã Mê Linh) doanh thu hàng năm 900 triệu đồng; mô hình trồng cây ăn quả và chăn nuôi bò của gia đình ông Nguyễn Văn Thảo (xã Tự Lập) cho thu nhập 350 triệu đồng/năm… Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phạm Thị Dung cho biết, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các trang trại, gia trại, vùng sản xuất chuyên canh với quy mô lớn, giúp nông dân liên doanh, liên kết, hợp tác sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân.

Còn ở huyện Đan Phượng, những năm gần đây ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như: Mô hình nuôi bò thịt và trùn quế của gia đình ông Trần Văn Thắng (xã Thọ An) mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng; mô hình trồng nho Hạ Đen của gia đình anh Nguyễn Hữu Hợi và nhiều hộ dân ở xã Đan Phượng cho doanh thu từ 60 - 65 triệu/sào/vụ… Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, các phong trào, hoạt động của hội nông dân trên địa bàn đã giúp chuyển đổi được gần 300ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất chất lượng cao, mang lại giá trị kinh tế lớn, cải thiện thu nhập cho người dân địa phương, góp phần nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, liên kết theo chuỗi trên địa bàn.

Bên cạnh các hoạt động, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, những năm qua, các địa phương cũng đẩy mạnh hình thành và phát triển các chi hội nông dân nghề nghiệp. Từ đó, nông dân Thủ đô liên kết, xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần không nhỏ cho các địa phương hoàn thành các nhóm tiêu chí trong xây dựng NTM, NTM nâng cao. Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phạm Hải Hoa cho biết: Đến nay, các cấp Hội Nông dân thành phố đã thành lập được 110 chi hội nông dân nghề nghiệp và hàng nghìn tổ hội nông dân nghề nghiệp. Nhờ đó, các hội viên được chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, liên kết hình thành kênh tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, lập dự án sản xuất, kinh doanh, góp vốn cùng mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Lan tỏa các mô hình bảo vệ môi trường

Trong xây dựng NTM, môi trường luôn là tiêu chí khó được các địa phương đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các cấp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, từng cá nhân chung tay thực hiện. Những năm qua, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn thành phố đã thực hiện nhiều mô hình bảo vệ môi trường. Trong đó, mô hình “Cánh đồng sạch” đã tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực tại nhiều địa phương.

Tại huyện Gia Lâm, năm 2021, Hội Nông dân các xã đã đăng ký xây dựng mô hình “Cánh đồng sạch” với phương châm “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Gia Lâm chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”. Theo đó, người dân nơi đây đã chung tay xây dựng những cánh đồng không sử dụng thuốc trừ cỏ; không sử dụng chất kích thích tăng trưởng trong sản xuất... Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chu Anh Tuấn cho biết, phong trào xây dựng “Cánh đồng sạch” đã và đang góp phần bảo vệ môi trường nông thôn, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu ở mỗi xã.

Còn tại thị xã Sơn Tây, mỗi năm, Hội Nông dân thị xã vận động các cấp hội cơ sở xây dựng ít nhất 12 mô hình bảo vệ môi trường. Năm 2021, hàng chục thùng nhựa đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật đã được lắp đặt trên các cánh đồng tại các xã. Người dân thu gom tàn dư thực vật trên đồng ruộng để xử lý bằng chế phẩm sinh học, xây dựng các vườn điểm trồng cây ăn quả, xây dựng tuyến phố văn minh kiểu mẫu thường xuyên thực hiện tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông rãnh thoát nước tại các trục đường, giữ gìn cảnh quan, môi trường khu dân cư xanh, sạch, đẹp.

Với những việc nhỏ ban đầu như gom bao bì, chất thải đúng nơi quy định, khơi thông kênh mương, nhận thức trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng NTM và đô thị văn minh của người dân ngày càng được nâng cao. Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, mô hình xây dựng những cánh đồng sạch đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM tiệm cận các tiêu chí đô thị. Thời gian tới, các huyện, thị cùng các cơ quan, đoàn thể cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội trong việc làm sạch đồng ruộng, làm sạch môi trường. Đồng thời, thường xuyên tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... nhằm nhân rộng nhiều hơn nữa mô hình cánh đồng sạch trên địa bàn thành phố.

______

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Đào Cảnh