Phú Thọ

Phát huy vai trò chủ thể của nông dân

- Thứ Sáu, 24/12/2021, 06:16 - Chia sẻ
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM.
Nông dân thu hoạch chè tại Hợp tác xã chè Văn Miếu huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ
Nguồn: ITN

Huy động đa dạng nguồn lực thực hiện

Phong trào “Nông dân thi đua xây dựng NTM” vốn được phát động thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, hầu hết hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế và đầu tư của người dân từ thành thị đến nông thôn đều bị ảnh hưởng. Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ một mặt bám sát mục tiêu của phong trào và định hướng của Hội Nông dân tỉnh, mặt khác tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, cùng chính quyền địa phương huy động đa dạng các nguồn lực để thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM.  

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Lập Hoàng Nữ Quyên cho biết, “trên cơ sở 19 tiêu chí NTM, ngay từ đầu năm chúng tôi đã yêu cầu Hội Nông dân các xã rà soát những chỉ tiêu, tiêu chí mà địa phương chưa thực hiện được để tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên những tiêu chí mà địa phương gần tiệm cận để hoàn thành sớm. Với cách làm này, hội viên nông dân nắm bắt được thực tế của địa phương mình, chủ động tham gia đóng góp công sức, tiền của, hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thực hiện các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất”.

Xây dựng kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện

Theo Trưởng ban Kinh tế - xã hội (Hội Nông dân tỉnh Phú Thọ) Lý Quang Đại, thực hiện Nghị quyết của tỉnh và của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng NTM, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn triển khai thực hiện, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng NTM. Trong đó, chọn 5 nội dung để tập trung chỉ đạo thực hiện. Một là, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập góp phần thực hiện tiêu chí thu nhập, giảm nghèo. Hai là, tham gia đào tạo nghề để nâng cao năng lực của người dân. Ba là, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Bốn là, tham gia vào các tiêu chí văn hóa, môi trường. Năm là, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở đó cấp huyện và cơ sở lựa chọn nội dung phù hợp để đăng ký thực hiện, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch đề ra.

Đến hết tháng 6.2021, các cấp Hội nông dân trên toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, vận động 131.018 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Từ đó đã xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cũng từ đây hình thành nên các mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại, mô hình chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Các cấp Hội Nông dân tổ chức tốt hoạt động tương trợ, giúp đỡ trong nội bộ nông dân, thông qua phổ biến kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất, cho mượn vốn, đổi công, cung cấp cây, con giống, vật tư. Tạo việc làm cho các hộ nông dân nghèo, cận nghèo với tổng giá trị trên 1,15 tỉ đồng, trên 20.000 ngày công, tạo việc làm tại chỗ cho 2.452 lao động. Hướng dẫn thành lập 4 hợp tác xã, 26 tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp tại các huyện, thành, thị.

Các cấp Hội Nông dân cũng đã vận động nông dân hiến trên 141.000m2 đất; tham gia làm mới 146,6km đường giao thông nông thôn, 256km kênh mương; đóng góp trên 1,6 tỉ đồng, trên 18.000 ngày công... Đồng thời duy trì có hiệu quả hoạt động của 265 mô hình hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, tiêu biểu như mô hình “Xử lý nước thải bảo vệ môi trường làng nghề”, “Xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại”, “Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và thu gom, xử lý vỏ thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp”, “Sạch từ nhà ra ngõ”...

Nhờ sự tham gia đóng góp tích cực của hội viên nông dân, đến nay toàn tỉnh Phú Thọ đã có 100 xã đạt chuẩn NTM, tăng 5 xã so với năm 2020, 1.249 khu dân cư đạt khu dân cư NTM (tăng 100 khu), trong đó có 8 khu đạt nông thôn mới kiểu mẫu, vai trò chủ thể của nông dân ngày càng được khẳng định và phát huy.

Thảo Anh